Tại buổi tọa đàm về lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu do Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức chiều 15/11, trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, khẳng định việc số hóa thông tin cá nhân bằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cải cách triệt để thủ tục hành chính. Có ít nhất 800 thủ tục rườm rà sẽ được loại bỏ.
Cấp số định danh cho trẻ mất không đến 1 phút
Trước thông tin cho rằng cơ quan công an bỏ sổ hộ khẩu từ 30/10, trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định không một quốc gia nào bỏ việc quản lý con người bằng hộ khẩu. Bộ Công an chỉ từng bước thay đổi cách quản lý thủ công (bằng sổ tạm trú hoặc sổ hộ khẩu) sang hình thức quản lý điện tử bằng số định danh.
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát. Ảnh: Nhân Dân.
Theo người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát, khi làm thủ tục hành chính, công dân chỉ cần đọc số định danh thì cơ quan nhà nước có thể tra cứu được thông tin mà không cần phải kiểm tra, đối chiếu giấy tờ như hiện nay.
Hiện có 16 địa phương thí điểm cấp căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân. Số căn cước chính là số định danh cá nhân gắn cho người được cấp. Theo lộ trình, từ 1/1/2020, 47 tỉnh, thành còn lại sẽ cấp căn cước công dân. Theo quy định, khi có mã số định danh, cơ quan chức năng không được phép yêu cầu công dân xuất trình các loại giấy tờ khi làm thủ tục hành chính.
Về việc cấp mã số định danh cho trẻ khai sinh, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp được liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Việc cấp số định danh cho trẻ em khi khai sinh đang thí điểm 4 thành phố lớn diễn ra rất nhanh, mất chưa đến 1 phút.
Theo ông Khanh, cả nước đang có 18 tỉnh, thành thực hiện thủ tục khai sinh kết hợp cấp số định danh. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 10 địa phương nữa triển khai phần mềm liên kết này.
“Việc này có nhiều tiện ích như dễ dàng thống kê số trẻ em sinh ra ở một tỉnh, hoặc xin trích lục khai sinh chỉ cần cấp số định danh là cán bộ hộ tịch có thể in ra, không mất thời gian chờ đợi”, ông Khanh nói.
Cơ quan chức năng sẽ đề nghị các cơ quan, bộ ngành khác kết nối dữ liệu của Bộ Tư pháp để các thủ tục như cấp bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc nhập học không cần nộp giấy khai sinh bản chính hoặc bản sao
Đi học, khám bệnh theo tuyến thực hiện thế nào?
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an Hà Nội, nói khi phương án thay đổi hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu được thông qua, nhiều người vui mừng vì được hạn chế, giảm bớt thủ tục hành chính. Nhưng cũng có không ít trường hợp lo lắng quyền lợi liên quan sổ hộ khẩu bị ảnh hưởng như đăng ký học hành, khám chữa bệnh hoặc chứng minh nơi thường trú, tạm trú.
Ngoài ra, người dân cũng lo sợ khi thông tin cá nhân được điện tử hóa sẽ không bảo mật an toàn.
Theo ông Lâm, trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành, người dân vẫn sử dụng các giấy tờ, đăng ký thủ tục liên quan lưu trú như quy định hiện hành.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư . Ảnh: Nhân Dân.
Chia sẻ với công dân về những phiền hà khi việc khai báo thủ tục vẫn thực hiện còn thủ công, thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 – Tổng cục cảnh sát), cho hay sổ hộ khẩu có thể bỏ nhưng phải có lộ trình. Bộ Công an và các bộ ngành khác đang từng bước loại bỏ 800 thủ tục rườm rà để tạo thuận lợi cho người dân.
Về việc một số cơ sở giáo dục do sức áp dân số chỉ tiếp nhận học sinh một khu vực nhất định, đại úy Lâm cho biết việc xác định nơi cư trú khi không còn hộ khẩu không có gì khó khăn. Vì thông tin số hóa sẽ được chia sẻ với Bộ Giáo dục – Đào tạo và bộ, ngành khác. Các thủ tục về nhập học, khám chữa bệnh theo tuyến cơ bản không có nhiều thay đổi.
Việc nhập khẩu của người tỉnh ngoài vẫn căn cứ Luật Cư trú như hiện hành. Riêng Hà Nội vẫn áp dụng Luật Thủ đô gồm các tiêu chí như việc làm, thời gian tạm trú và diện tích nhà ở.
Ai chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin?
Đại diện C72 cho hay Luật Căn cước quy định rõ về việc khai thác thông tin. Chính phủ và Quốc hội thống nhất giao Bộ Công an quản lý, khai thác trên phạm vi toàn quốc. Cấp tỉnh, quận, huyện và xã, phường sẽ giao cho người đứng đầu quản lý.
Thay quản lý bằng hộ khẩu, người dân không cần mang giấy tờ khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Tiến Tuấn.
Về việc chia sẻ thông tin, Bộ Công an sẽ căn cứ chức năng của từng bộ ngành để tham mưu Chính phủ cho phép mỗi cơ quan khai thác thông tin dân cư theo mức độ khác nhau.
Trước lo sợ thông tin cá nhân bị khai thác trái phép vì lộ mã số định danh, đại diện Tổng cục cảnh sát nói việc khai thác thông tin phải được sự đồng ý của cơ quản lý dân cư theo phân cấp. Khi làm việc này, công dân phải cung cấp thẻ căn cước, số định danh cá nhân hoặc giấy tờ ủy quyền của người không thể trực tiếp làm thủ tục.
Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định khi hình thức quản lý bằng số định danh được triển khai người dân sẽ được lợi nhiều mặt. Công dân giao dịch bất cứ thủ tục hành chính nào cũng không cần mang giấy tờ.
Theo Zing.vn