Tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao
TS Trần Trọng Kiểm, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, bằng sự kết hợp nhanh chóng giữa khoa Gây mê Hồi Sức và khoa Phẫu thuật Lồng ngực các bác sĩ đã mổ và cứu sống được BN đang cận kề cái chết.
Theo đó, khoảng 2 giờ sáng ngày 05/10/2017, BN Lưu Công C. (23 tuổi ở Hà Nội) được đưa đến viện trong tình trạng vết thương thấu ngực trái đang có biểu hiện sốc mất máu, tiên lượng rất nặng: Vết thương thấu ngực trái do vật sắc cắt đứt động mạch vú trong, thủng phổi trái gây tràn máu khoang màng phổi mức độ nặng, biến chứng sốc mất máu giờ thứ 02.
BN da niêm mạch xanh nhợt, ngực trái vị trí liên sườn 3 cạnh thân xương ức có vết thương dài khoảng 2,5cm chảy máu dữ dội, có bọt khí qua miệng vết thương, huyết áp tụt thấp… Ngay lập tức BN được truyền máu, khâu kín vết thương và chụp CT ngực phát hiện tràn máu khoang màng phổi trái số lượng lớn.
Sau 15 phút, BN được chuyển ngay lên phòng mổ xử trí tổn thương. Cuộc mổ kéo dài hơn 3 tiếng, các bác sĩ tham gia ca mổ đã tiến hành mở ngực trái phát hiện thấy đứt động mạch vú trong trái đoạn qua liên sườn 3, đứt ngang khớp ức sườn 3 bên trái, rách nhu mô thùy trên phổi trái đoạn dài 2,0cm, rách động mạch phân thùy phổi.
TS Trần Trọng Kiểm cho biết, chấn thương ngực (chấn thương ngực kín), vết thương ngực (vết thương ngực hở) là một nhóm cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở các bệnh viện lớn chiếm khoảng 10 – 15%. Nguyên nhân gây chấn thương ngực thường do tai nạn giao thông, ngã cao, tai nạn lao động…
Nguyên nhân gây vết thương ngực thường do dao, vật nhọn đâm hay do hoả khí nên dễ gây thương tổn các tạng trong ngực như tim, cơ hoành, mạch máu. Tuổi gặp nhiều nhất từ 20 – 40 tuổi, đại đa số là nam giới (trên 90%).
Đây là một cấp cứu tối khẩn cấp cực kỳ nguy hiểm bởi khi bị bệnh BN sẽ bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, phì phò máu khí, hội chứng tràn máu, tràn khí màng phổi…Chỉ riêng một biểu hiện suy hô hấp hoặc tuần hoàn cũng có thể tử vong nhanh nếu không cấp cứu kịp thời chứ đừng nói đến nhiều hội chứng nguy hiểm kết hợp.
Những rối loạn nặng nói trên tác động lẫn nhau tạo nên vòng xoắn bệnh lý làm bệnh ngày càng nặng hơn, kết hợp với tình trạng đau đớn do các tổn thương và các kích thích phản xạ của các trung tâm thần kinh ở phổi, màng phổi và trung thất thường gây tình trạng sốc chấn thương nặng cho BN.
Ngoài ra, những tổn thương phối hợp (sọ não, bụng, tứ chi…) làm cho tình trạng sốc càng nặng thêm, thời gian sống của BN được tính bằng giây và phút…Tỷ lệ tử vong chiếm 1/4 % trong chấn thương nói chung.
Phẫu thuật mổ cấp cứu cho BN C.
3 giờ phẫu thuật, 7 ngày ra viện
TS Trần Trọng Kiểm nhấn mạnh, thời gian từng giây, từng phút là tiêu chuẩn vàng để cứu BN. Vì vậy, phải có một ê kíp đồng bộ luôn sẵn sàng ứng cứu, điều này chỉ có những trung tâm ngoại khoa lớn như Việt Đức, 108 và một số bệnh viện lớn khác mới xử lý được.
Ngay khi vào viện BN đã được truyền máu, khâu, xét nghiệm, chiếu chụp khẩn cấp và sau 15 phút đã phẫu thuật. Lượng máu bù vào cho BN còn lớn hơn cả lượng máu bình thường của cơ thể. Chỉ tính riêng trong khi mổ, BN đã được truyền bù lượng máu mất là 4.500ml.
Theo TS Trần Trọng Kiểm, đây là một loại phẫu thuật lớn, đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn về hồi sức cấp cứu và phẫu thuật lồng ngực mới thực hiện được. Bởi các loại chấn thương này đòi hỏi xử lý rất nhiều tổn thương một cách nhanh chóng như tim, phổi, mạch máu…và các chấn thương khác nếu có.
Chẳng hạn, với BN C., ngoài việc cắt lọc vết thương, kíp mổ đã tiến hành thắt 2 đầu động mạch bị tổn thương, khâu động mạch phổi, khâu nhu mô phổi tổn thương….Sau 3 giờ phẫu thuật, BN được đưa về Khoa Điều trị Tích cực theo dõi.
Sau mổ ngày thứ nhất BN đã ổn định về mặt huyết động, sau 03 ngày điều trị bệnh nhân thoát các biểu hiện sốc được đưa về Khoa Phẫu thuật Lồng ngực theo dõi tiếp và sau 7 ngày BN ổn định, ra viện.
Thúy Nga