Cứu bệnh nhân suy hô hấp do tràn dịch màng tim

(khoahocdoisong.vn) - Khó thở, tức ngực tưởng do suy tim, trào ngược dạ dày thực quản đến khi nhập viện do suy hô hấp, tím tái toàn thân mới phát hiện ung thư phổi di căn dịch màng tim, màng phổi. Tràn dịch màng tim rất dễ dẫn đến chèn ép tim cấp, gây rối loạn huyết động, từ trụy mạch, hạ huyết áp nhẹ đến choáng tim trầm trọng, tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Dẫn lưu màng ngoài tim cấp cứu

Bà Trần Thị T. (54 tuổi, Phú Thọ) xuất hiện các triệu chứng khó thở, tức ngực, phù nề chân trái đi khám ở phòng khám tư nhân được kết luận: Suy tim, trào ngược dạ dày thực quản và kê thuốc về nhà điều trị.

Bà uống thuốc nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm và có biểu hiện ngày càng nặng lên được đưa vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy hô hấp, tím tái toàn thân. Ngay lập tức bà được các bác sĩ cho thở oxy, siêu âm cấp cứu tại giường, phát hiện tràn dịch màng ngoài tim mức độ nhiều 3 - 4cm, chèn ép nhĩ phải. Các bác sĩ đã tiến hành dẫn lưu màng ngoài tim cấp cứu tại giường.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị tràn dịch màng phổi hai bên màng tim, có dấu hiệu ung thư biểu mô tuyến của phổi di căn dịch màng tim, màng phổi.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam cho biết, bình thường khoang màng ngoài tim chỉ có một lớp dịch rất mỏng, giúp giảm tính ma sát, tim dễ co bóp. Nếu vì một lý do nào đó khiến dịch tích tụ quá nhiều gọi là tràn dịch màng ngoài tim. Tình trạng này rất dễ dẫn đến chèn ép tim cấp, hệ quả là gây rối loạn huyết động, từ trụy mạch, hạ huyết áp nhẹ đến choáng tim trầm trọng, tử vong nếu không xử lý kịp thời.

Nhiều bệnh lý gây chèn ép tim

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, tràn dịch ngoài màng tim có thể không có biểu hiện lâm sàng hoặc các dấu hiệu không điển hình cảm giác tức nặng trong ngực, nhịp tim nhanh, khàn giọng hay ho kéo dài, nuốt vướng.

Có nhiều nguyên nhân gây chèn ép tim. Cấp tính thường do vết thương tim, chấn thương tim, vỡ tim, vỡ phỗng lóc động mạch chủ lên, nhồi máu cơ tim, vỡ tim, vi khuẩn, virus… Mạn tính thường do suy tim; Các bệnh lý thận tiết niệu: Suy thận, hội chứng thận hư, hội chứng u rê máu cao; Các bệnh lý ác tính: Ung thư di căn, sau điều trị liều tia xạ…; Sau phẫu thuật tim, sử dụng thuốc chống đông. Khi bị chèn ép tim người bệnh thường khó thở.

Tùy theo mức độ chèn ép tim bệnh nhân có thể khó thở dữ dội, cảm giác bóp nghẹt trong lồng ngực trong trường hợp chèn ép tim cấp như trong trường hợp vết thương tim người bệnh thường khó thở từ từ tăng dần khi mức độ tràn dịch nhẹ hoặc vừa, từ từ tăng dần. Bệnh nhân thường tím khi chèn ép tim cấp...

Chèn ép tim thường gây tử vong nhanh nên đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp: Điều trị thường kết hợp nội khoa và ngoại khoa. Nội khoa điều trị bổ trợ các trường hợp tràn dịch màng tim do suy tim, lợi tiểu, trợ tim. Điều trị tích cực nguyên nhân gây bệnh. Ngoại khoa: nhanh chóng hút dịch màng ngoài tim bằng chọc hay điều trị dẫn lưu bằng ngoại khoa. Phẫu thuật điều trị theo nguyên nhân...

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cảnh báo, có khoảng 5 – 10% bệnh nhân ung thư tử vong có liên quan tới tim, đặc biệt tràn dịch màng ngoài tim ác tính gây chèn ép tim cấp. Tràn dịch màng bụng, màng phổi, màng tim và xâm nhập màng não ác tính ít gặp ở giai đoạn sớm của các bệnh ung thư mà thường biểu hiện khi bệnh lan tràn với tiên lượng chung xấu, nhất là khi tràn dịch màng tim, màng não có thể dẫn đến mất chức năng, tàn tật và tử vong.

Các ung thư hay gặp nhất có thể gây tràn dịch màng ngoài tim là ung thư biểu mô của phổi và vú, u lympho và u hắc tố ác tính.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top