Cùng con vượt khủng hoảng tâm lý mùa dịch

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, trẻ em cũng bị căng thẳng, lo âu khi phải ở nhà quá nhiều do Covid-19. Cha mẹ cần quan tâm, lắng nghe con nhiều hơn, đặc biệt, kịp thời nhận ra những dấu hiệu tâm lý bất thường của con.

Cha mẹ khỏe thì con mới khỏe

Chị Lê Hồng Tâm (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, nhiều ngày gần đây, mỗi buổi sáng, bé Nguyễn Trung Kiên, con trai chị, chuẩn bị lên lớp 2 lại nói với mẹ: “Con chán lắm mẹ ạ, con buồn lắm. Con chỉ muốn ra ngoài chơi với các bạn”. Cho dù chị Tâm đã mua sách, truyện cho con đọc, nhưng chỉ được một lát là bé kêu chán, chỉ muốn rủ các bạn ra sân ngõ chơi như mọi ngày. Nhưng điều đó là không thể, trong tình hình TP Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội.

Còn chị Nguyễn Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, con trai chị nhớ trường, nhớ lớp, thèm được giao lưu với các bạn đến mức, có hôm con đeo ba lô, cho sách vở vào, đạp xe đi đến trường, vờ như được đi học vậy.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, năm nay, các con nghỉ học trong tình trạng hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, nên các bé rất bí bách, khó chịu. Phụ huynh bối rối, không biết làm sao để con vượt qua được những căng thẳng, nhất là chính phụ huynh cũng đang cảm thấy rất căng thẳng, nhiều khi cáu gắt, quát mắng con.

Trao đổi với phóng viên, TS tâm lý học lâm sàng, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) Lê Minh Công cho biết, có hai khía cạnh rất quan trọng đối với trẻ em: Một là vận động vui chơi, hai là kết nối xã hội. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tước hết mọi quyền lợi đó của các em khiến nảy sinh các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trong giai đoạn này, có hai xu hướng về sức khỏe tâm thần ở trẻ khi bị khủng hoảng tâm lý mà các nhà tâm lý nhận thấy. Thứ nhất, là xu hướng “nội hóa”. Trẻ sẽ thu mình lại, ít nói, lo âu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm.

Thứ hai, ở xu hướng "ngoại hóa", các em sẽ gia tăng những hành vi gây hấn, chống đối, tiêu cực hóa trong gia đình.

Vậy cha mẹ sẽ phải ứng xử thế nào? "Điều cần nhất là cha mẹ cần phải khỏe mạnh trước, tức là cha mẹ không bị stress, căng thẳng, lo âu. Cha mẹ phải là người bình tâm, hạnh phúc, an nhiên thì mới chuyển được tâm lý này sang cho con cái", ông Công chia sẻ.

Khi đã có được sự khỏe mạnh, an nhiên, cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu trẻ nhiều hơn thông qua việc kết nối xã hội với con. Và phải dành mục tiêu rất quan trọng, đó là chơi với con.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông Công, là cha mẹ phải giải thích cặn kẽ với con rằng tại sao con lại phải ở nhà, tại sao lại cần giãn cách xã hội để đứa trẻ hiểu rằng giai đoạn này là một giai đoạn rất khó khăn, và trẻ cần phải cùng với cha mẹ chống đỡ, vượt qua.

Đặc biệt, hiện nay, trên các chương trình trực tuyến có rất nhiều những chương trình hỗ trợ cho con hoặc người trưởng thành. Cha mẹ có thể đăng ký cho con học vào thời gian nhất định trong ngày, để con có thêm được một kỹ năng nào đó.

Để giữ được một sức khỏe tâm thần tốt trong mùa dịch, TS Lê Minh Công đưa ra lời khuyên đối với các phụ huynh, đó là cần xây dựng những thói quen tốt như ăn uống đầy đủ, đúng giờ, tập thể dục, đọc sách. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Kết nối xã hội với bạn bè hoặc người thân, mọi người qua mạng xã hội. Tuy nhiên, khi tham gia mạng xã hội, hãy chia sẻ nhiều những thông tin hữu ích, có những bình luận tích cực, thay vì chia sẻ tiêu cực sẽ có tác động không tốt tới tâm lý. Nếu có dấu hiệu khủng hoảng tâm lý mà không thể vượt qua được thì nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý.

Xây dựng cho con những thói quen tốt

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ năng, Trung tâm Phát triển Thanh Thiếu nhi, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng cho biết, năm nay, các con đã trải qua một mùa hè đặc biệt.

Thay vì được tham gia được những chuyến đi, chuyến du lịch, những khóa học kỹ năng… giống như những mùa hè trước thì các con lại phải ở nhà. Và đối với những địa phương dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết bao giờ trẻ mới được đến trường.

Khi ở nhà thời gian dài, trẻ sẽ phải đối diện với lịch sinh hoạt, những hoạt động, công việc lặp đi lặp lại trở thành nhàm chán. Ví dụ như ăn, học, xem tivi, nghỉ ngơi… Những mối quan hệ giao tiếp hầu như chỉ giới hạn trong gia đình.

Không chỉ người lớn mới cảm thấy căng thẳng, lo âu mà trẻ cũng gặp phải các vấn đề về tâm lý trong mùa dịch. Trẻ có nhu cầu được chia sẻ, nói chuyện, giao tiếp xã hội nhưng lại bị hạn chế. Các lớp học online cũng không đáp ứng được nhu cầu này, trẻ cảm thấy bị áp lực và không có động lực học tập.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, đây lại là giai đoạn mà phụ huynh có nhiều thời gian ở bên cạnh con hơn, vậy hãy tận dụng thời gian này để cùng con xây dựng những thói quen tốt, những kỹ năng. Ví dụ, xây dựng cho con thói quen đọc sách; thói quen tập thể dục trong nhà; kỹ năng sử dụng internet, điện thoại hợp lý; kỹ năng giao tiếp trong gia đình, giữa con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái.

Và đặc biệt, cha mẹ phải nâng khả năng lắng nghe, nhất là với những gia đình có con đang ở lứa tuổi dậy thì. Ở tuổi này, các em dễ thay đổi cảm xúc, dễ vui, dễ buồn, dễ bị kích động…

Bố mẹ cần kiên nhẫn và lưu ý, nhận diện được những dấu hiệu tâm lý bất ổn của các con thể hiện qua hành vi: ví dụ như im lặng, không chia sẻ, dễ nổi cáu. Khi con có những dấu hiệu này, bố mẹ nên chủ động gần gũi, khơi gợi để các con chia sẻ và tư vấn tâm lý một cách khéo léo qua các câu chuyện đời thường.

Nếu khi con cáu, bố mẹ cũng nổi nóng thì có thể sẽ đẩy các con tới những hành vi sai lệch, làm tổn thương chính mình, tổn thương người khác, rất khó xử lý.

Để tình trạng căng thẳng về tâm lý kéo dài, con sẽ mất động lực với cuộc sống, không muốn học tập. Và điều quan trọng nó như một cơn sóng ngầm, lâu ngày không chữa được. Các em dễ bị đẩy vào trạng thái khủng hoảng, sang chấn tâm lý.

"Nguyên nhân để một đứa trẻ rơi vào khủng hoảng tâm lý rất nhiều. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là thiếu hụt kỹ năng, thiếu sự đồng hành của cha mẹ. Bố mẹ có nhiều áp lực trong mùa dịch, tuy nhiên, hãy chú ý tới cảm xúc của con”, bà Thủy nói.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top