Con nhận cha tại bệnh viện sau 37 năm thất lạc

Anh Đức nhận được tin một người có thể là bố anh đang nằm ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê. Ngay trong đêm, anh em anh Đức lên Hà Nội, tìm người bố đẻ đã “đi mua gạo” rồi không về 37 năm trước.

Bệnh nhân “3 không”

Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ: cuối tháng 12/2017, ông Hồng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Trong hồ sơ bệnh án có thẻ BHYT mang tên Nhã, 60 tuổi, cùng tên và số điện thoại người được coi là người thân.

Sau những ngày cấp cứu đầu tiên, bệnh nhân Hồng (lúc ấy các y bác sĩ chưa biết tên, mà đặt cho bệnh nhân một biệt danh là “nam bệnh nhân không có người thân, khoảng 60 tuổi”) được chuyển sang Khoa Điều trị tích cực, rồi Khoa Phẫu thuật thần kinh 2 để điều trị.

Ông bệnh nặng, hôn mê, phải mở khí quản, nhưng không thấy người thân bệnh nhân đâu.

Liên lạc với số điện thoại lưu trong hồ sơ thì điện thoại tắt máy.

Bệnh nhân Hồng trở thành bệnh nhân ba không: không người thân, không tiền viện phí, không người chăm sóc.

“Suốt hơn 3 tháng qua, chúng tôi đã dùng nhiều cách để tìm người thân của bệnh nhân như chia sẻ trên fanpage của bệnh viện, trên các trang mạng xã hội có nhiều thành viên. Bệnh viện cũng đã làm việc nhiều lần với công an để tìm tung tích gốc gác gia đình bệnh nhân Hồng nhưng không tìm được.

Vì ông Hồng không có người thân, nên các bác sĩ và các nhân viên của bệnh viện lo toàn bộ việc chăm sóc, cho ăn, lau rửa, vệ sinh, chữa trị. Phần lớn chi phí điều trị (khoảng 200 triệu đồng) là từ đóng góp của người hảo tâm”- bác sĩ Sơn chia sẻ.

Bệnh viện Việt Đức tặng gia đình món quà nhỏ, sau hơn 3 tháng chăm sóc bệnh nhân Hồng trong tình trạng “ba không” – Ảnh: BVCC

Cú điện thoại bất ngờ từ công an

Ngày 31-3, gia đình anh Nguyễn Duy Đức (52 tuổi, ở Uông Bí, Quảng Ninh) nhận được một cuộc gọi từ công an. Công an cho anh biết có một bệnh nhân không có người thân đang nằm tại Bệnh viện Việt Đức hơn 3 tháng qua, giờ bệnh đã đỡ, có thể đó là bố đẻ của anh.

“37 năm không gặp nhưng tôi nhận ra bố tôi ngay, nhờ những tín hiệu riêng mà chỉ người ruột thịt mới hiểu”

Con trai ông Hồng, anh Nguyễn Duy Đức

Ngay trong đêm, anh Đức cùng các em lên Hà Nội.

Không có giấy tờ, hồ sơ và 37 năm xa cách, nhưng anh Đức đã nhận ra ngay đó là bố đẻ anh.

“Vì là ruột thịt nên tôi nhận ra ngay đó là bố tôi. Bố tôi có những điểm giống anh em chúng tôi như đôi tai, gương mặt…”, anh Đức nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Ngày hôm sau, anh về quê xin chứng nhận. Rồi ngày 3-4, tức bốn ngày sau cuộc gọi từ công an, anh và gia đình đã đón bố về bệnh viện ở quê nhà.

Trước khi rời Bệnh viện Việt Đức, anh Đức đi tìm những người đã chăm sóc cho bố mình. Anh chẳng biết nói gì, chỉ biết nắm tay họ để cảm ơn.”Bệnh viện tốt quá”- anh nói.

37 năm trước

Năm 1981, gia đình anh Đức sống ở vùng bìa rừng, cách xa trung tâm thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh bây giờ.

Khi đó, anh Đức 15 tuổi, vừa học xong lớp 7. Dưới anh là 5 em và mẹ đang mang bầu sắp sinh một em nữa.

Một ngày của năm 1981, bố nói đi mua gạo, nhưng rồi không về.

Mấy mẹ con cứ chờ, chờ mãi và rồi bặt tin.

Khỏi phải nói là ngày ấy cuộc sống khó khăn đến mức nào, nhất là một người mẹ đơn chiếc phải nuôi đến 7 con nhỏ.

“Chúng tôi chủ yếu là ăn cháo, sắn và rau” – anh Đức kể.

“Thôi thì coi như không có bố mày”, người mẹ, nay đã hơn 70 tuổi, luôn nói.

Rồi những người con lớn dần. Cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn xưa, nhưng gia đình cũng chẳng khá giả gì. Anh Đức hiện là lao động tự do, những người em làm công nhân và một người trong đó đã nghỉ chế độ vì mất sức lao động.

Nhân viên của Bệnh viện Việt Đức hướng dẫn anh Đức chăm sóc bố – Ảnh: BVCC

Chỉ mong bố nằm đó, rồi các cháu vào thăm…

“Hôm đầu tiên vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thì bố tôi sốt, sáng hôm sau ổn hơn. Chúng tôi lau rửa cho ông và thay phiên nhau trông nom. Bác sĩ nói bố tôi có khỏe hơn khi mới vào viện, có thể chuyển về bệnh viện địa phương. Nhưng bố tôi vẫn chưa mở được mắt, mà chỉ chớp chớp mắt thôi. Nhưng có vẻ bố tôi cũng nhận ra anh em chúng tôi”- anh Đức cho hay.

“Anh em chúng tôi bàn rồi, dù có khó cũng phải cố gắng xoay xở chăm sóc ông cụ. Cũng chẳng còn biết ông cụ sống thêm được bao lâu nữa. Nhưng anh em tôi sẽ cố gắng, để con cháu còn ra vào thăm nom và có ông”- anh Đức kể.

“Mẹ tôi cũng đau khổ vì những năm vắng chồng, đông con và rất vất vả. Bà bảo bố tôi về đâu thì về. Nhưng có lẽ bây giờ mẹ tôi cũng hiểu quyết định của các con. Giờ bố tôi còn về đâu được nữa…”- anh Đức chia sẻ.

“Tôi luôn mong được biết 37 năm xa cách bố tôi ở đâu. Nếu bố tôi có gia đình mới hay có thêm những người em thì chúng tôi luôn mong được gặp mặt”- anh Đức nói.

Ngày đầu tiên bố vào viện Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, bệnh viện gọi anh em anh Đức đóng 2,5 triệu đồng. Ngày hôm sau thêm 5 triệu nữa….

Với những người lao động như anh em anh, khoản tiền đó là rất lớn.

“Anh em tôi là giọt máu của ông cụ. Chúng tôi không bỏ được người thân, dù khó khăn cũng phải cố gắng, anh em tôi đã bàn nhau rồi”, anh Đức nói.

Họ vẫn mong ông cụ cố được ngày nào hay ngày đó, rồi các cháu vào thăm.

37 năm đã trôi qua, họ lại có bố, các con anh chị được gặp ông, dù giờ đây bố các anh chị là một ông cụ nằm im lìm trên giường bệnh.

Tôi chẳng biết nói gì với anh Đức. Anh thật tốt, các em anh thật tốt. Họ sẵn sàng xóa đi khoảng cách 37 năm đau đớn.

Theo Lan Anh (tuoitre online)

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top