Dưới con mắt của kẻ bất tài, không nhân tài nào “lọt lưới”

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, vai trò trước hết là ở người đứng đầu. Người đứng đầu là nhân tài thì chắc chắn biết dùng nhân tài.

Còn nếu không, kể cả pháp lý đầy đủ, chính sách tuyệt vời nhưng vào tay kẻ bất tài thì dưới con mắt của kẻ bất tài, không có nhân tài nào lọt qua “lưới” được.

nhân tài

Đại biểu Lê Thanh Vân trò chuyện với PV bên lề Quốc hội. Ảnh KH&ĐS.

Dụng nhân như dụng mộc

Thưa ông, việc 40 nhân tài của Đà Nẵng đồng loạt nghỉ việc đã làm dấy lên tranh luận xung quanh việc trọng dụng nhân tài. Ông có suy nghĩ  gì về vấn đề này?

Câu chuyện của Đà Nẵng hay Hà Nội trước đây hoặc một số địa phương khác có chuyện phát hiện ra những nhân vật nào đó được gọi là nhân tài cử đi học, có nơi bằng nguồn ngân sách, có nơi bằng nguồn vốn tự túc của họ, rồi đưa họ về dùng. Nhưng vì thiếu quy định có tính chất cam kết, cống hiến cho nên họ có thể thoái lui bất cứ lúc nào. Sự thoái lui có thể do nhất nhiều nguyên nhân. Nhưng theo tôi có ba nguyên nhân chính: Môi trường làm việc, tiền lương và chỉ tiêu biên chế.

Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là môi trường làm việc. Môi trường làm việc ở đây bao gồm thái độ ứng xử của cấp trên trong  việc phân công sử dụng lao động. Thái độ của đồng chí đồng nghiệp. Rồi điều kiện làm việc. Nếu việc trọng dụng không đúng nghĩa sẽ khiến người ta chán nản. Không có đất cống hiến thì người ta phải rút.

Việc trọng dụng không đúng nghĩa là như thế nào, thưa ông?

Trọng dụng không đúng nghĩa có nghĩa là về danh nghĩa thì có chính sách trọng dụng. Nhưng đến việc làm cụ thể thì không dùng người ta đúng với sở trường sở đoản năng lực của họ. Ví dụ người có khả năng nghiên cứu thì lại đưa sang làm công tác khác, như có tính chất quy phạm kỹ thuật. Trong khi người có quy phạm kỹ thuật, là người am hiểu quy trình vận hành, không có khả năng làm nghiên cứu thì anh lại đưa sang làm nghiên cứu.

Như vậy thì vai trò của người sử dụng nhân tài là rất quan trọng, thưa ông?

Đúng thế, các cụ nói dụng nhân như dụng mộc. Gỗ lim thì phải làm cột cái. Gỗ lim trong bộ máy đó là những người có tầm nhìn, có khả năng kiến tạo chính sách nhưng lại để cho anh làm công tác phục vụ điếu đóm, cắp tráp thì không khác gì đem gỗ lim đi làm phên dậu, rồi đem tre nứa đi làm trụ cột.

Đó chính là môi trường không trọng dụng được họ. Và trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu. Anh không đánh giá được năng lực của nhân tài cho nên anh dùng sai, anh lãng phí nguồn lực đó nên nhân tài phải đi chỗ khác. Còn một trường hợp khác là miệng thì nói là trọng dụng nhân tài nhưng trong tâm thì ganh ghét, đố kỵ.

Miệng nói trọng dụng, tâm đố kỵ

Phải có luật, có một cơ sở pháp luật có tính chất quy phạm có tính chất bắt buộc cho toàn xã hội nhìn nhận vấn đề nhân tài cho có hệ thống thì mới có cơ sở để xem xét xử lý trách nhiệm của mỗi bên. 

Một bên anh có trách nhiệm trọng dụng nhân tài nhưng anh xem thường, trù úm, ganh tị, thì phải xử lý. Một bên là anh được coi là nhân tài, anh được trọng dụng rồi nhưng lại có động cơ cá nhân, tham vọng đòi hỏi Nhà nước phải cung cấp cho anh những dịch vụ, tiêu chuẩn quá cao so với cống hiến của anh.

Tức là anh vì cái riêng không vì cái chung. Như vậy phải có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm mỗi bên.

Mới đây, trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết tới đây sẽ giao các đơn vị xây dựng đề án để cán bộ, công chức yên tâm cống hiến. Nếu xây dựng đề án thì theo ông, làm thế nào để nhân tài được thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ?

Như tôi vừa mới nói có những người miệng thì rao giảng trọng dụng nhân tài, nhưng có nhân tài rồi thì lại đố kỵ hẹp hòi, lại không muốn trọng dụng. Cho nên dù đề án có hay đến mấy, ban hành có đầy đủ đến mấy nhưng người sử dụng nó, cũng như cái xe ô tô dù hiện đại nhưng người anh lái xe không có kiến thức gì cả, thiếu lòng tự trọng của người tham gia giao thông thì việc anh đâm, va quyệt, phá hoại xe là chuyện bình thường. Cơ chế đề án dù có tốt đẹp đến mấy thì người vận hành nó là quan trọng.

Như vậy, câu chuyện cuối cùng vẫn là ở việc người đứng đầu, sử dụng nhân tài thưa ông?

Cái quan trọng nhất là nhận diện được nhân tài để trọng dụng họ, cho đúng sở trường của họ. Vai trò trước hết là người đứng đầu. Người đứng đầu là nhân tài thì chắc chắn biết dùng nhân tài. Cha ông ta có câu ngưu tầm ngưu mã tầm mã.

Vừa rồi nghị quyết Trung ương 7 có nhiều đột phá trong công tác cán bộ. Nghị quyết 26 mà Tổng Bí thư vừa ký hay là việc đề bạt vượt cấp khi mà nhận diện người đó có tài, có đức hoặc mạnh mẽ hơn là đưa các nhân sự bí thư cấp ủy đi địa phương khác… Những quy định đó rất hay, nhưng vấn đề ai người  thực hiện các công cụ pháp lý, chính sách ấy?

Nếu như pháp lý đầy đủ, chính sách tuyệt vời nhưng vào tay kẻ bất tài thì dưới con mắt của kẻ bất tài không có người tài nào lọt qua “lưới” được.

Trong câu chuyện của Đà Nẵng, theo tôi được biết là có vướng mắc cả về chính sách, rõ ràng đây cũng là một cản trở trong việc sử dụng nhân tài?

Hiện tượng nhân tài thoái lui khỏi bộ máy ở Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ của Đà Nẵng cho biết, trong đó có hạn chế về quy định của pháp luật. Đó là quyền năng của họ trong việc trích lập ngân sách chi trả cho ưu đãi đối với người tài hiện nay không có quy định. Thứ hai nữa là chủ động trong biên chế. Họ bị lệ thuộc về biên chế. Theo quy định phải có người ra mới có người vào. Đây cũng là hạn chế về chính sách đối với chính quyền địa phương, người đứng đầu trong việc trọng dụng nhân tài

Phải có luật trọng dụng nhân tài

Ông có giải pháp nào để khắc phục những nguyên nhân mà ông vừa phân tích hay không?

Theo tôi hiện nay chủ trương của Đảng là nhất quán trong việc trọng dụng nhân tài. Đặc biệt là nghị quyết trung ương 7 gần đây có đề cập tới việc phải có chính sách trọng dụng nhân tài cụ thể hơn. Về mặt Nhà nước chúng ta phải có một văn bản pháp quy đủ sức mang tính quy tắc xử sự cho xã hội để tháo gỡ một số khó khăn trong việc thực hiện chủ trương này.

Ngay từ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 tôi đã kiến nghị Quốc hội phải có luật trọng dụng nhân tài. Phải có chủ trương, có đường lối bằng nghị quyết của Đảng, bảo đảm nó được thực thi một cách thống nhất trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung cụ thể của luật đó sẽ như thế nào, thưa ông?

Đạo luật đó trước hết phải quy định như thế nào là nhân tài, cách thức nhận diện nhân tài ở từng lĩnh vực một. Cái thứ hai đó là cái chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi dành cho nhân tài, nghĩa vụ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng nhân tài.

Trách nhiệm của xã hội trong việc tiến cử nhân tài và cả trách nhiệm của nhân tài đối với sự nghiệp chung của địa phương, với đất nước. Và đặc biệt phải có chế tài kỷ luật đối với những ai mà lạm dụng quyền hành trù úm nhân tài. Tiếng là trọng dụng nhân tài nhưng mà không chí thành, lại đố kỵ, tìm mọi cách bức hại họ thì phải trừng trị.

Vậy theo ông, thế nào là nhân tài? Và có quy định nào về trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân tài bên cạnh những đãi ngộ của Nhà nước không, thưa ông?

Lý thuyết về nhân tài mà ông Đét-u-rích, là giảng viên đại học Michigan của Mỹ, ông nói rất gọn: Tài năng, cam kết, cống hiến thì như vậy mới là nhân tài. Chứ còn chỉ có tài năng mà thiếu đi cam kết và cống hiến thì không phải là nhân tài.

Khi nhân tài đã cam kết thỏa thuận thì anh phải toàn tâm toàn ý cống hiến. Đừng có đòi hỏi quá cao với năng lực cống hiến của mình, như chức vụ, nhà, xe…  Nếu như anh từ bỏ cái cống hiến như cam kết với những ưu đãi mà Nhà nước bỏ ra thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Anh phải hoàn trả lại những chi phí mà Nhà nước đã ưu đãi cho anh. Hoặc anh gây ra những thiệt hại trong quá trình làm việc thì anh phải bồi hoàn. Và nếu có những vi phạm nghiêm trọng thì tùy theo pháp luật mà xử lý.

Như vậy, cần có sự cam kết của hai bên. Nhà nước cam kết trọng dụng đúng năng lực sở trường của nhân tài và ngược lại nhân tài phải cam kết cống hiến toàn bộ tài năng của họ đối với đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) được Đà Nẵng triển khai từ năm 2006. Đến nay, 460 người tham gia đã tốt nghiệp, trong đó 375 người đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Không được bố trí công việc phù hợp, lương thấp, nhiều nhân tài theo Đề án 922 của thành phố mãi làm việc với vị trí nhân viên hợp đồng. Và 40 người xin thôi việc, chấp nhận đền bù tiền tỷ. 

Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, hiện có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức; 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý. Hơn 100 người sau tốt nghiệp đang làm việc dưới dạng hợp đồng. “40 nhân tài xin nghỉ việc đa số đang làm việc hợp đồng”, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ nói. 

Theo ông Đông, cái khó trong bố trí học viên đề án là có sự chồng chéo. Bởi song song với việc cho học viên đi đào tạo, thành phố cũng tuyển dụng những vị trí thiếu hụt. Do đó, có tình trạng học viên tốt nghiệp xong thì không còn vị trí trống. 

Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top