Nhà tôi có ba chị em dâu. Mẹ chồng tôi rất khó tính, ngày tôi và em dâu thứ 2 mới về làm dâu thường bị bà xét nét, để ý mọi việc. Nhưng với cô dâu út mới cưới lại khác. Bà chiều chuộng, luôn bênh vực.
Hôm vừa rồi Tết Dương lịch, nhà tôi có giỗ, trong khi tôi và cô em dâu thứ bị giao làm hết việc này tới việc khác, thì cô em dâu út chỉ có mỗi việc ăn mặc chải chuốt cùng mẹ tôi tiếp khách. Chung quy cũng vì, cô em dâu này miệng lưỡi ngọt nhạt, hay nịnh mẹ chồng tôi, giả vờ là người dịu dàng, khéo léo, yêu thương các chị. Nhưng nếu không có mặt mẹ chồng tôi thì mặt lạnh như tiền, chúng tôi có hỏi có khi cũng chả thèm đáp. Tôi thấy cô ấy thật quá là sống giả dối. Tôi phải làm gì để bóc trần con người thật cô ấy?
Tôi có nên sống giả dối, cũng ngọt nhạt như em dâu út để được mẹ chồng yêu không?
Nguyễn Thiên Lý (Hà Nam)
Tôi tự hỏi có nên sống giả dối như cô em thím để được mẹ chồng thương yêu không? Ảnh min họa – Internet
Thiên Lý thân, các cụ mình có câu “nói ngọt khiến con kiến trong lỗ cũng bò ra”, rồi “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” sự ngọt ngào, khéo léo trong giao tiếp ở hoàn cảnh nào cũng được đánh giá cao, nhất là đối với các cụ, những người thuộc thế hệ coi “cái nết đánh chết cái đẹp”.
Bạn cho rằng cô em dâu út được mẹ chồng ưu ái vì sự ngọt ngào giả dối, nhưng bạn thử ngẫm, nếu bỏ hai chữ “giả dối” đi thì những gì người em dâu út đang thể hiện có phải là những phẩm chất mà mẹ chồng bạn rất thích ở một người con dâu? Và bao năm qua, hai chị em bạn không được bà thương, phải chăng vì thiếu hụt điều này? Vậy thì, thay vì so bì, tìm cách “bóc mẽ” em dâu về việc sống giả dối, bạn hãy tự hoàn thiện bản thân mình, để bản thân đẹp lên thật sự, nhận được sự yêu mến từ những điều “thật”, chứ không phải sự dối trá. Đồng thời, thể hiện vai trò, vị trí của người chị cả, bao dung, chỉ bảo, góp ý những điều em dâu mới còn “non nớt”.
Chúc gia đình bạn luôn vui vẻ, hạnh phúc!
Tri Giao