Phản ứng chậm là biểu hiện đặc trưng của người già.
Con nói cả phút, mẹ mới trả lời
Theo chuyên gia Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ – Hạnh Phúc, phản ứng chậm dường như là “căn bệnh” phổ biến của người già. Người già phản ứng chậm chạp cả trong giao tiếp lẫn trong hành động.
Khi nghe thấy chuông điện thoại, người trẻ sẽ lao đến và kịp bắt máy, nhưng với người già, phải mất vài giây, thậm chí cả phút mới hiểu được tiếng kêu phát ra là tiếng của điện thoại, rồi lại mất thêm một khoảng thời gian nữa để định hình nó phát ra ở đâu…
Và khi đến được đến nơi thì chuông đã kết thúc… Hay như khi con cái hỏi về một việc gì đó, có khi mất cả phút mới thấy bố mẹ già trả lời bởi người già còn “mất thời gian” vào việc “tiêu hóa” lời con cái hỏi cũng như phải “sắp xếp” thông tin đầy đủ để trả lời con cái. Đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ trong cuộc sống phản ánh về sự phản ứng chậm của người già so với người trẻ.
Theo chuyên gia Lê Thị Túy, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc phản ứng chậm của người già. Thứ nhất đấy là do sự suy giảm về sức khỏe cả về thần kinh và thể chất của người già.
Chứng nhớ nhớ quên quên khiến người già phản ứng chậm hơn; não bộ lão hóa cùng với chứng suy giảm trí nhớ thì việc tiếp thu và xử lý thông tin ở người già chắc chắn cũng không thể nhanh nhạy; rồi chứng đau xương khớp khiến người già không thể nhanh tay, lẹ mắt như khi còn trẻ…
Thứ hai, chứng phản ứng chậm còn bắt nguồn từ tính thận trọng của tuổi già. Người già luôn thận trọng mỗi khi nói, khi làm. Khi uống thuốc, thay vì đọc đơn rồi uống ngay theo đơn như người trẻ, người già còn cẩn thận đọc đi đọc lại. Hay như trả lời con cái, người già phải thận trọng suy nghĩ xem lời mình nói ra có chính xác không. Người già vừa thận trọng vừa trọng uy tín nên làm việc gì cũng cần suy xét.
Thứ ba, một nguyên nhân rất quan trọng nữa là do người già đã “lỗi thời” với cuộc sống hiện đại. Cuộc sống phát triển với sự thay đổi mọi mặt cả về văn hóa lẫn vật chất.
Sự ra đời của điện thoại, của các sản phẩm thông minh khiến người già phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu. “Ngay như những tiếng lóng, hay các ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp mà con cháu “chêm” vào trong cách ăn nói hàng ngày, cũng khiến người già phải mất thời gian để hiểu, phản ứng chậm là vì thế”, chuyên gia Lê Thị Túy lý giải.
Trong sinh hoạt hàng ngày, con cái, người chăm sóc cần phải thật kiên nhẫn và khéo léo khi giao tiếp với người già. Đối với những việc có thể nên có kế hoạch trước cho bố mẹ già có thời gian chuẩn bị, tránh sự bị động. Khi rơi vào trạng thái bị động, người già dễ bối rối và càng phản ứng chậm hơn. (Th.S Trần Mạnh Hoàng).
Hãy đặt mình vào bố mẹ già
Th.S Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng mềm cho biết, việc phản ứng chậm của người già là điều hoàn toàn dễ hiểu, tuổi càng cao thì phản ứng càng chậm. Với người già, đừng quá lo lắng về điều này; còn phản ứng được, dù chậm thì cũng là điều bình thường. Để cải thiện tình trạng này, người già nên thường xuyên luyện tập thể dục, cả cho cơ thể lẫn trí não.
Luyện tập thể dục thể thao với các môn tập vừa sức, phù hợp lứa tuổi để rèn luyện sự dẻo dai, linh hoạt của cơ bắp, xương khớp. Thường xuyên đọc sách báo, tham gia các hoạt động trí óc để rèn luyện sức khỏe tinh thần, sự minh mẫn, sáng suốt, linh hoạt của tư duy.
Với người trẻ, thông thường khi thấy bố mẹ già nghe một câu hỏi nhưng phải rất lâu sau mới đưa ra được câu trả lời, hay gọi điện mà mãi không thấy bố mẹ già nghe máy…. đôi khi hay cáu, bực bội. Tuy nhiên, đừng bao giờ có hành động này với người già. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh tuổi tác của bố mẹ già để hiểu và chia sẻ. Khi giao tiếp, hãy thật kiên nhẫn, nói những từ đơn giản, dễ hiểu, nói thật chậm, tránh dùng từ lóng hay ngôn ngữ khác khiến người già khó tiếp thu.
Đức Anh