Chuyện tình vợ chồng Dược Sư

Người đặt nền móng Quân y Việt Nam:

Kỳ 2: Chuyện tình vợ chồng Dược Sư

Vào năm 1533, công chúa Phương Anh – con gái yêu của vua Lê Trang Tông lâm bệnh hiểm nghèo. Các quan ngự y trong triều đã thúc thủ, bó tay. Bao nhiêu bài thuốc hay được dâng lên nhưng bệnh tình công chúa không thuyên giảm, trái lại ngày càng nặng thêm.

Chuyện tình vợ chồng Dược Sư ảnh 1
Vợ chồng Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Dung
được nhân dân phong là Dược Sư (ảnh minh họa).

Đương lúc lo lắng cho bệnh tình con gái, vua Trang Tông được quần thần tâu lên rằng, ở Đan Khê có người tên là Hoàng Đôn Hòa là thầy thuốc giỏi nổi tiếng trong vùng đã chữa cho nhiều người mắc quái bệnh được khỏi. Vua mừng rỡ cho người mời danh y vào ngay. Chỉ một thời gian ngắn sau khi dùng thuốc, bệnh tình công chúa Phương Anh thuyên giảm rồi khỏi hẳn.

Vua Trang Tông cả mừng liền gả công chúa cho Hoàng Đôn Hòa. Phương Anh lấy chồng, đổi tên là Phương Dung, sau đó về Huyền Khê cùng chồng lo việc y dược. Nhờ thông minh lại được sự chỉ dẫn của chồng, công chúa Phương Dung đã nhanh chóng học hết các bài thuốc, cùng chồng nghiên cứu ra nhiều phương pháp trị bệnh cứu người. Tục vẫn gọi họ là vợ chồng Dược Sư, tức bậc thầy của y dược.

Cứu người, được duyên

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ họ Hoàng ở Đa Sĩ, phường Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội) cho biết trong các nghiên cứu về công chúa Phương Anh, các nhà khoa học đều rất chú ý đến chi tiết Hoàng Đôn Hòa đã bắt mạch trị bệnh. Bởi vì, vốn chỉ là một thầy lang của vườn thuốc Huyền Khê nhỏ bé, ai dám chắc ông sẽ cứu được công chúa trước căn bệnh hiểm nghèo.

Chuyện tình vợ chồng Dược Sư ảnh 2
Tiến sĩ Hoàng Thế Xương cho biết, danh y Hoàng Đôn Hòa nhờ có sự giúp sức của người vợ mà viết thành công cuốn “Hoạt nhân toát yếu” nổi tiếng.

Trước đó, để cứu con gái, vua Trang Tông đã lệnh truyền cho mời tất cả lương y giỏi trong nước về kinh. Bao nhiêu người tài năng nức tiếng đương thời chỉ mới cầm tay bắt mạch, xem sắc mặt công chúa đã vội cúi đầu lạy tạ lui ra, thì cũng đủ biết công chúa không chỉ là bệnh nặng mà có khi còn là bệnh lạ khó gặp thời bấy giờ.

Khi vua mời Hoàng Đôn Hòa vào cung, các câu chuyện xưa đều kể lại rằng ông không khỏi bối rối lẫn ngập ngừng. Vả lại trước ông từng có bao nhiêu bậc danh y đã không cứu nổi một người con gái thì làm sao ông có thể tìm ra bệnh và thuốc để cứu chữa cho được.

“Công chúa Phương Anh cũng là một mạng người, dù mạng người đó ở chốn lầu son gác tía. Hoàng Đôn Hòa biết rằng nếu công chúa không qua khỏi bệnh tình thì cũng là một lẽ thường, vì thầy thuốc có thể chữa được bệnh chứ sao có thể chữa được mệnh. Mấy lần ông định thoái thác, nhưng bổn phận của người thầy thuốc đã không cho phép ông làm điều đó”, ông Xương nhấn mạnh.

Năm vào cung, Hoàng Đôn Hòa vẫn còn rất trẻ. Tuy vậy, ông đã dốc lòng, dốc sức ngày đêm cứu chữa cho công chúa bằng các bài thuốc đã chữa cho người nghèo nơi thôn dã; theo đó mà gia giảm từng vị, rồi tự mình sắc thuốc dâng lên công chúa.

Có câu chuyện kể lại rằng, vì sợ Hoàng Đôn Hòa sẽ chữa khỏi cho công chúa nên không ít Thái y đã phao tin xấu để nhà vua đuổi ông ra khỏi cung. Tất cả những điều không có thật đó, Đôn Hòa đều bỏ ngoài tai để chuyên tâm nghiên cứu áp dụng phương pháp mới trong việc chữa trị.

Được Hoàng Đôn Hòa tận tụy cứu chữa, bệnh tình công chúa thuyên giảm dần và qua được cơn “thập tử nhất sinh”. Công chúa Phương Anh trở về cuộc sống với khuôn mặt kiều diễm trong sự vui mừng khôn xiết của vua cha và muôn dân. Ông Xương cho rằng, dù lịch sử không ghi chép công chúa mắc bệnh gì, nhưng việc Hoàng Đôn Hòa chữa khỏi đã chứng tỏ tài năng của một danh y đất Huyền Khê.

Trở thành phò mã

Mến tài đức độ của một lương y nơi thôn dã, vua Trang Tông đã gả công chúa Phương Anh cho Hoàng Đôn Hòa và cố giữ ông ở lại làm quan ngự y. Xong, dù là một phò mã nhưng xuất thân chốn bần hàn, nghĩ đến lương dân đang lầm than khốn khổ nên ông nhất quyết xin về quê chữa bệnh, giúp đời và giúp người.

Phương Anh từ khi theo chồng đã xin phép vua cha được đổi tên là Phương Dung, nàng từ bỏ tất cả giàu sang phú quý theo chồng về Huyền Khê. Được Đôn Hòa chỉ dạy, chẳng bao lâu sau kiến thức y thuật của nàng đã đủ cùng chồng nghiên cứu bào chế thuốc.

Ông Hoàng Thế Xương cho biết: “Hàng ngày, vợ chồng Hoàng Đôn Hòa lặn lội khắp nơi đi tìm thảo dược, linh dược về bào chế tại Lâm Dương Quán, nơi vốn là nơi tu đạo của các đạo sĩ đương thời. Hễ nghe đâu đó trong dân gian có bài thuốc hay, vợ chồng ông cũng tìm đến xin được lĩnh hội”.

Sử sách ghi lại, chính từ khi Đôn Hòa và công chúa Phương Anh kết duyên với nhau, nhờ có người nâng khăn sửa túi, đàm đạo y thuật mà Hoàng Đôn Hòa viết xong cuốn “Hoạt nhân toát yếu” hội đủ tri thức y học một thời và trở thành tài liệu không thể thiếu của những người theo nghề chữa bệnh cứu người sau này.

Các nhà nghiên cứu lịch sử trong hội thảo khoa học về danh y Hoàng Đôn Hòa 10 năm về trước đã đánh giá mối tình của một danh y với công chúa kiêu sa, trở thành vợ chồng sống hạnh phúc êm ấm bên nhau trong mái nhà tranh – là một cuộc tình đẹp nhất trong lịch sử các danh y.

Chồng ra trận, vợ chế thuốc

20 năm sau, tức đời vua Lê Thế Tông Nghị hoàng đế năm Gia Thái thứ 2 (1574) đất nước xảy ra nạn binh đao, nội chiến phân tranh. Lúc này vua Thế Tông nhiều lần cho đại quân tiến đánh quân nhà Mạc ở vùng Thái Nguyên nhưng đều thất bại do lam sơn chướng khí gây bệnh tật cho binh lính.

Mảnh đất trước Lâm Dương Quán từng là vườn trồng thuốc của danh y Hoàng Đôn Hòa.

Vua Thế Tông phải đích thân cầm quân dẹp loạn và trưng dụng Hoàng Đôn Hòa vào quân đội. Thấy quân lính bị bệnh nhiều mà nguyên nhân chủ yếu là do không khí và nguồn nước gây ra khiến nhiều người bị sốt rét và thổ tả, Hoàng Đôn Hòa đã lấy những cây cỏ ở khu vực chiến sự và thuốc hoàn tán do vợ là Phương Dung bào chế gửi lên, để chữa trị và cứu sống nhiều binh sĩ.

Tiến sĩ Hoàng Thế Xương cho rằng: “Lịch sử đã công nhận và cả những câu chuyện kể lại của làng Đa Sĩ đều cho biết, bà Phương Dung đã ngày đêm bào chế thuốc tại thôn Huyền Khê để gửi ra chiến địa”.

Giặc giã tạm yên, vua Thế Tông hồi kinh rồi một mực giữ Hoàng Đôn Hòa ở lại. Nhưng một lần nữa Đôn Hòa lại xin được về quê. Từ đấy ông mở lớp truyền nghề và làm thuốc chữa bệnh cho khắp thiên hạ. Người bệnh từ khắp các nơi đã kéo về Huyền Khê để được nương nhờ vợ chồng Dược Sư.

Sau khi Hoàng Đôn Hòa qua đời, các triều vua sau đều ban sắc phong cao quý cho ông. 200 năm sau, vua Càn Long nhà Thanh khi nghe đến danh tiếng Hoàng Đôn Hòa nước Nam đã rất cảm phục mà truy tặng ba chữ “Linh Thế Y”.

“Vợ chồng danh y Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Anh luôn là một mối tình đẹp nổi tiếng của Đa Sĩ. Sở dĩ, nhiều người gọi họ là vợ chồng Dược Sư vì cả vợ và chồng đều thạo y thuật, là những bậc thầy trong việc chữa bệnh cứu người. Đồng thời, vợ chồng Hoàng Đôn Hòa cũng là người thầy có công đào tạo ra các danh y của Đa Sĩ sau này”, Tiến sĩ Hoàng Thế Xương, hậu duệ danh y Hoàng Đôn Hòa.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top