Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 11: Vị thần bảo vệ Kinh thành

Thần Cao Sơn được thờ tại đình Kim Liên, một trong “Thăng Long tứ trấn”của kinh thành xưa. Tuy nhiên, theo khảo sát của các nhà nghiên cứu thì có tới bốn vị thần Cao Sơn. Vậy, vậy đình Kim Liên thờ vị Cao Sơn nào?

Trấn thiêng phía Nam

Hiện nay đình nằm ở cuối phố Kim Hoa, gần ngã tư Kim Liên, phường Phương Liên (Đống Đa – Hà Nội). Theo như các cao niên của làng Kim Xưa xưa thì đình ngoài tên gọi Kim Liên thì còn có tên gọi khác là đền Cao Sơn vì lập Cao Sơn làm Thành hoàng làng.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 11: Vị thần bảo vệ Kinh thành ảnh 1
Đình Kim Liên – 1 trong 4 trấn thiêng của Hà Nội xưa.

Cụ Nguyễn Thành Lợi, 92 tuổi ở làng Kim Hoa cho biết: Thời xa xưa Kim Hoa còn có tên gọi khác là Đồng Lầm thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Đến khoảng đầu đời vua Thiệu Trị vì kiêng tên húy của bà mẹ vua tên là Hồ Thị Hoa nên đổi là Kim Liên.

Trong suốt quá trình lịch sử, đền Cao Sơn được dùng làm trung tâm hoạt động những việc lớn của làng, vì vậy đã mang chức năng của một ngôi đình theo đúng nghĩa và gọi theo tên làng nên có tên là đình Kim Liên như hiện nay.

Còn theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Minh Hồng, thì di tích đền Cao Sơn trở thành một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa; vừa tạo dựng việc đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 11: Vị thần bảo vệ Kinh thành ảnh 2
Cổng đình Kim Liên xưa.

Theo như tư liệu lịch sử thì đền thờ thần Cao Sơn được xây dựng năm 1509. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng tam quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây nam trông ra một con đầm ở cạnh ô Kim Hoa.

Cùng với thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ thì đình Kim Liên thờ Cao Sơn hợp thành “Thăng Long tứ trấn” trên đất nội thành Hà Nội.

Bốn thần Cao Sơn?

Rất nhiều khách thập phương đến đình Kim Liên đều không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ngôi đình cổ. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn không hiểu đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn là Cao Sơn nào? Bởi theo thần tích thì Việt Nam có đến bốn thần Cao Sơn.

Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho chúng tôi xem văn bản cổ nhất về di tích đình Kim Liên có niên hiệu Hồng Thuận 3 năm 1510 gọi tên đình là “Cao Sơn đại vương thần từ”, tức “đền thờ thần Cao Sơn đại vương”.

Thần tích Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh được thờ ở làng Đông Xã nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ thì khẳng định đó là ba anh em con chú bác ruột. Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn, Cao Sơn tên thật là Nguyễn Hiển và Quý Minh tên thật là Nguyễn Sùng.

Hiển và Sùng là con chú ruột của Tuấn. Họ quê ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) sau được tiên trao cho phép tắc, giúp vua Hùng Vương thứ 18 nhiều phen đánh thắng Thục Phán. Đó là một Cao Sơn còn được coi là ngự ở ngọn núi bên trái của ba ngọn Ba Vì (Tản Viên ở giữa, Cao Sơn bên trái, Quý Minh bên phải).

Vị Cao Sơn thứ hai được thờ ở làng Lương Nhân, (Chí Linh – Hải Dương) lại là một vị thần chuyên chữa bệnh đậu mùa cho dân. Trong một lần dân làm lễ cầu hỏi tên thì thần nhập đồng nói tên là Cao Sơn.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 11: Vị thần bảo vệ Kinh thành ảnh 3
Bia cổ được bao quanh bởi rẽ cây sanh.

Một vị Cao Sơn nữa vốn là người Tàu. Thần tích Đình Đại (Bạch Mai – Hà Nội) kể rằng: Thần họ Cao tên Hiển, tự là Văn Trường, cha là Cao Khánh người Tàu ở vùng núi Bảo Đài, quận Quảng Nam.

Do bên Tàu loạn lạc, ông Khánh sang nước Nam, ngự ở Trường Yên, lấy vợ người làng Quang Liệt là bà Trần Thị Tố. Ông bà nhân hậu, sinh được một người con trai ngày 16 tháng 3 Kỷ Tỵ, đặt tên là Hiển. Năm cậu 7 tuổi thì mẹ mất. Làm tang xong, cha đem con về Tàu.

Cậu học thầy Chu Đường, 27 tuổi đi thi đỗ tiến sĩ, bổ châu mục Ích Châu. Lúc đó ở ta Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, vua sai Hiển công sang trừ họ Hồ. Công đóng đồn ở Hồng Mai (tức là Bạch Mai, nay là chỗ Đình Đại) và dẹp trừ được họ Hồ.

Sau đó ông lại về Bắc, được vua Tàu phong Cao Sơn đại vương, ông tu ở núi Bảo Đài, thọ 103 tuổi. “Thực ra ông Cao Sơn người Tàu không chỉ được thờ ở Bạch Mai mà còn ở một số nơi khác ở nội thành, như đình Đồng Tâm”, ông Hoàng Minh Hồng cho biết.

Chuyện kể về Thành hoàng làng Hà Nội – Kỳ 11: Vị thần bảo vệ Kinh thành ảnh 4
Chính điện đình Kim Liên.

Cao Sơn thứ tư theo thần tích làng Kim Liên thì lại là một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đền thờ chính hiện nay ở huyện Phụng Hóa, nay là Nho Quan (Ninh Bình).

Theo bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) cho biết khi các bộ tướng của Lê Tương Dực là Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Hoàng Dụ đem quân từ Thanh Hóa ra Bắc diệt Lê Uy Mục, đến giữa cánh rừng có một ngôi đền cổ mang bốn chữ “Cao Sơn đại vương”, rất lấy làm kinh ngạc, bèn vào đó khấn cầu được thần phù trợ và trận đó toàn thắng, nên sau đó xây lại đền thờ Cao Sơn. Sau đó bài vị trôi ra sông Cái, dân làng Kim Liên rước về thờ. Các đời phong Cao Sơn đại vương trấn phía nam Kinh thành.

Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng, cho biết: Có tới bốn ông Cao Sơn, riêng ông Cao Sơn người Tàu có tên trùng với ông Cao Sơn em Tản Viên đều là Hiển và ông bố là Cao Khánh ngụ ở Trường Yên tức gần Phụng Hóa (Nho Quan). Sự rối ren đan xen thật khó giải thích và bóc tách. Có lẽ đó là tính dị biệt của văn học dân gian. Nhưng để khẳng định đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn nào thì cứ dựa vào thần tích làng thì Cao Sơn chính là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Kiến trúc độc đáo

Không chỉ là một chốn thiêng của Hà Nội, đình Kim Liên còn là một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo với hai phần chính tách nhau rõ rệt. Phía trước đình có một cổng trụ biểu và hai dãy giải vũ 3 gian bên sân đình. Phía sau là đền thờ nằm trên gò đất cao. Từ sân đình lên cửa chính điện có thềm chín bậc với đôi sấu đá được làm từ thời Lê Trung Hưng.

“So với ba trấn còn lại của Kinh thành thì đình Kim Liên 500 tuổi là “trẻ” nhất nhưng còn lưu giữ đến 39 đạo sắc phong cho Cao Sơn Đại Vương, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung Hưng và 13 đạo thời nhà Nguyễn”.

— Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng —

Chính điện gồm Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nhà đại bái rộng 5 gian. Nghi môn rộng 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn.

Bên phải Nghi môn có một tấm bia đá cao 2,34m, rộng 1,57m, dầy 0,22m, là di vật quý giá nhất của đền Cao Sơn với niên đại đầu thế kỷ 16, rễ cây bám quanh. Bia cũ bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng 1772. Trên bia khắc bài tựa “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510.

Hậu cung đình Kim Liên gồm 3 gian dọc, mái lợp ngói ta, bên trong xây vòm cuốn, đều có bệ gạch cao. Gian ngoài cùng đặt hương án. Gian thứ hai đặt 2 long ngai và các đồ tế khí. Gian cuối cùng thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương, con gái vua Lê và Huệ Minh công chúa.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top