Chấp nhận thực tại
Bà Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn Hạnh phúc, kỹ năng sống chia sẻ, bản thân bà cũng từng trải qua những biến cố rất lớn trong cuộc đời, mất đi người thân yêu bên cạnh mình. Những lúc ấy, bà đau khổ đến tột cùng, chỉ mong sao mình cũng chết đi để kết thúc nỗi đau. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua hết, cho dù nỗi đau thì không bao giờ có thể khỏa lấp được.
Theo bà Lê Thị Túy, quy luật tâm lý trong cuộc sống bình thường là con người ít khi chuẩn bị các phương án xấu cho cuộc sống mà chỉ nghĩ xuôi chiều. Nhìn thấy tai nạn, đa phần đều nghĩ đó không phải việc của mình, mà là việc của người nào đó xa lắm. Nhưng thực tế, rủi ro có thể đến với ta bất cứ lúc nào, có thể vào những lúc ta không ngờ tới nhất.
“Có những trường hợp đang đi du lịch nghỉ ngơi thư giãn, bỗng dưng bị tai nạn chết. Hay thậm chí đang ngồi uống nước chè trong nhà cũng bị xe tải đâm vào tử vong. Rủi ro, tai nạn nó đến không báo trước. Do đó, người ta hay hoảng loạn, đau khổ, ám ảnh, căng thẳng…
Rất khó để chấp nhận thực tại đau thương ấy. Khi nó xảy ra rồi thì hay ám ảnh, đặt những câu hỏi như tại sao lại rơi vào mình, tại sao mình lại đi vào hôm đó… Quẩn quanh với suy nghĩ ấy, sẽ khiến ta đắm chìm trong khổ đau không thoát ra được”, bà Lê Thị Túy cho biết.
Bà Lê Thị Túy cho rằng, cách duy nhất để thoát khỏi đau khổ trong tình huống ấy là chấp nhận thực tại. Những gì đã diễn ra thì không thay đổi được nữa. Người đã chết không sống lại được. Nên người còn sống không oán thán, không tự trách mình.
Tuyệt đối không đặt ra những câu hỏi như “biết thế mua nhà chỗ khác, ở nhà đất cho an toàn”, “biết thế ngày hôm ấy tỉnh dậy sớm để cứu gia đình”… Hãy tĩnh trí, dọn dẹp nhà của, khắc phục hậu quả của hỏa hoạn. Càng quẩn quanh trong những suy nghĩ đau khổ, càng dễ mang bệnh.
“Đặc biệt là người cao tuổi, không nên suy nghĩ kiểu day dứt, đau đớn. Hãy dựa vào sự từng trải của mình trong cuộc đời để vượt qua. Bởi cuộc sống này vô thường, sinh lão bệnh tử cũng là quy luật rồi. Chấp nhận cuộc sống và chấp nhận những thứ bản thân không thể thay đổi”, bà Lê Thị Túy khuyên.
Lời động viên là cần thiết
Bà Lê Thị Túy khuyên, khi gặp biến cố, chứng kiến thảm họa, người ta thường bị ám ảnh, chìm đắm trong khổ đau, hoảng sợ, lo lắng, stress. Diễn biến tâm lý này có thể kéo dài nếu không biết cách tự mình thoát ra. Với những người xung quanh, ngoài giúp đỡ về vật chất, giúp đỡ bằng hành động cụ thể thì những lời an ủi cũng có tác dụng tốt.
Tuyệt đối không nói những lời trách móc, chì chiết như “tôi đã bảo rồi, đừng có mua chung cư, mất an toàn lắm”. Những lời nói đó chỉ làm người khác đau khổ hơn, chìm đắm trong nỗi đau hơn, stress sẽ nặng hơn. Do đó, những người xung quanh phải tế nhị để chia sẻ, thái độ ứng xử cũng phải có sự đồng cảm, chia sẻ.
“Tùy thể trạng, thần kinh của mỗi người mà việc vượt qua biến cố, khủng hoảng sẽ khác nhau. Nhưng nếu chìm đắm mãi trong nỗi đau buồn sẽ có thể bị đột quỵ, phát sinh nhiều bệnh tật, thậm chí là ngớ ngẩn. Nếu mất đi người thân, hãy để tình yêu của người đã mất trở thành động lực sống cho mình.
Hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng kỷ niệm với người quá cố, nuôi dưỡng thân tâm mình bằng sự vô thường và chấp nhận quy luật sống ở đời là mọi thứ đều có thể xảy ra”, bà Lê Thị Túy chia sẻ.
Với người cao tuổi, càng không nên bi lụy, khóc than nhiều. Ai cũng hiểu rằng, thời gian là phương thuốc sẽ chữa lành vết thương, dù vết sẹo thì không bao giờ hết. Do đó, hãy tỉnh táo và mạnh mẽ chấp nhận thực tại để vượt qua nó.
“Để trở về trạng thái tâm lý bình thường, nếu có điều kiện thì có thể đi du lịch hoặc đến những vùng đất mới, dời xa bối cảnh xảy ra biến cố. Những người xung quanh không gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý tránh gợi lại các ký ức đau buồn”, bà Lê Thị Túy
Bảo Khánh