Chúng ta đang phải gánh 2 lần kháng sinh

là chia sẻ của dược sĩ cao cấp Trần Xuân Thuyết. Là một cán bộ ngành y tế, một người suốt đời nghiên cứu và phổ biến kiến thức về thuốc và chăm sóc sức khỏe, vậy mà khi là bệnh nhân, ông đã trải qua những thực tế đáng buồn về việc lạm dụng kháng sinh.

Thấy kháng sinh đồ mừng như bắt được vàng

Một số liệu mới đây cho biết ở Việt Nam có tới 50% trường hợp dùng kháng sinh không hợp lý?

Về vấn đề này tôi đã viết rất nhiều bài đăng báo  rồi. Đến năm 2010 thấy vấn đề nghiêm trọng quá nên tôi mới viết một bài tổng thể về dùng thuốc kháng sinh thế nào cho an toàn, đăng trên tạp chí Dược – Mỹ phẩm của cục Quản lý dược, để  các nhà thuốc đều nắm được.

Trong đó có nói đầy đủ các quy trình: Muốn sử dụng kháng sinh thì phải đến bác sĩ; bác sĩ sau khi thăm khám, phải làm các xét nghiệm, trong đó có kháng sinh đồ. Ví dụ : Muốn biết người bệnh viêm phế quản có phải do vi khuẩn hay không phải thử máu, xem bạch cầu có tăng hay không, và một loạt xét nghiệm khác, phải làm kháng sinh đồ để tìm ra vi khuẩn gây bệnh tên là gì, kháng sinh nào có hiệu lực với vi khuẩn đó nhất. Thế thì mới an toàn, hiệu quả được.

Có phải vì phức tạp mà người ta không làm?

Cũng không có gì phức tạp, chỉ mất thêm chút thời gian, nhưng bù lại xác định chính xác được loại vi khuẩn để dùng kháng sinh hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng. Nhưng người bệnh thấy thời gian kéo dài, phải chờ lấy kết quả rồi mới dùng kháng sinh, phải đi lại ít nhất là 2 lần thì ngại, bác sĩ cũng ngại. Tôi không dám nói tất cả nước, nhưng nhiều nơi không làm đúng quy trình.

Duy nhất có một lần vào năm 1999, tôi  bán thuốc ở phố Bạch Mai, gặp một khách hàng 18 tuổi đến mua Penicillin tiêm theo đơn bác sĩ ở bệnh viện Việt Nam- Cuba, Hà Nội lại có cả phiếu xét nghiệm làm kháng sinh đồ. Tôi mừng như bắt được vàng. Tôi bảo cháu: bác bán đã mấy trăm đơn thuốc kháng sinh, hôm nay mới gặp “kháng sinh đồ”. Cả đời bác làm việc trong ngành Y tế, 2 lần phải tiêm kháng sinh mà chưa bao giờ được làm kháng sinh đồ. Tôi đã viết bài đăng báo nêu gương  “Người tốt, Việc tốt”

Có thể vì là bệnh phổ biến nên bác sĩ kê đơn kháng sinh luôn?

Cách đây mấy năm tôi bị ho, sốt cao, nghi là viêm phế quản. Tôi vào viện khám và yêu cầu được làm kháng sinh đồ, vì viêm phế quản có thể do vi khuẩn hoặc virus chứ không phải chỉ do vi khuẩn. Khi ấy đờm của tôi trắng không hề bị sẫm màu.

Nhưng họ không làm kháng sinh đồ, mà chỉ tìm trực khuẩn lao thôi (vì có chương trình chống lao tài trợ). Tôi thắc mắc thì họ bảo chúng tôi ở đây đã có phác đồ điều trị rồi, bác cứ yên trí chúng tôi sẽ điều trị cho bác khỏi. Rồi họ dùng kháng sinh rất kinh khủng, tới 3g kháng sinh tiêm một ngày, lại còn kháng sinh uống nữa.

Là dược sĩ mà ông cũng phải chịu để người ta dùng thuốc như thế sao?

Trời ạ, mình là bệnh nhân, người ta tiêm cho mình thì mình biết làm gì. Hết đợt kháng sinh hơn 10 ngày vẫn ho nổ cổ. Về nhà tôi phải tự chữa bằng ăn mật ong tỏi và ngậm kha tử 15 ngày sau thì khỏi. Kháng sinh làm tôi suy kiệt sức khỏe, người rất mệt mỏi.

Đã thế trước khi ra viện người ta còn cho chụp cắt lớp nữa, ngoài tiền bảo hiểm chịu mình phải trả thêm 900.000đ nữa. Nhưng kết quả lại không có ai đọc (vì bác sĩ đọc kết quả nghỉ phép). Cái khổ của bệnh nhân bây giờ là như vậy. Chúng tôi là dược sĩ mới biết người ta dùng kháng sinh cho mình là không hợp, mà chỉ hại sức khỏe thôi, còn các bệnh nhân khác làm sao mà biết được.

Còn thuốc đâu mà chữa

Nhưng nhiều người bệnh cũng tùy tiện, tự ý mua và dùng kháng sinh liều cao?

Người bệnh không có kiến thức, hiểu biết chưa đầy đủ, nhắm mắt mà dùng thôi vì thấy tiện mà không thấy được hậu quả của nó. Kỳ thực nhiều khi đi khám bác sĩ thì cũng cho thuốc ấy thôi. Người ta đi khám một lần, lần sau cứ thế theo đơn cũ ra nhà thuốc mua thôi.

Năm 2011 tôi đã viết bài: «Hiến kế để  người Việt tin dùng Thuốc Việt » đăng báo, trong đó có lời đề nghị : Bộ Y tế cho phép in trên hộp thuốc  dòng chữ « THUỐC CÓ CHỨNG NHẬN TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC » để thày thuốc, người bệnh, người bán thuốc biết được đây là thuốc nội tốt ngang thuốc ngoại, giá rẻ hơn thuốc ngoại, đồng thời thông tin trên báo in để nhiều người biết.  Nhưng đến nay là năm 2017 rồi mà không biết tại sao những thuốc có chứng nhận tương đương sinh học như thế bộ Y tế lại không thông tin rộng rãi trên báo chí cho mọi người biết?

Đấy là nguyên nhân sinh ra nhờn thuốc, kháng thuốc?

 Thực ra, tội vạ này không chỉ riêng bác sĩ. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản người ta cũng dùng kháng sinh vô tội vạ. Chỉ hàng xuất khẩu thì mới kiểm tra kỹ, còn nội địa thì thoải mái. Kháng sinh và các chất bảo vệ thực vật là những thứ giết người, nhưng người ta cứ nhắm mắt mà dùng thôi.

Nguy hiểm là chúng ta phải gánh hai lần kháng sinh. Các vi khuẩn nhờn thuốc hết, còn thuốc đâu mà chữa. Năm 2012 Tổ chức Y tế thế giới đã có lời kêu gọi : Không hành động hôm nay ngày mai không có thuốc chữa. Bộ Y tế đã có kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc 2013-2020.

Theo ông từ khi có chủ trương như thế, tình hình có gì thay đổi chưa?

Chủ trương đường lối có rồi nhưng cơ bản là người thực hiện. Chúng ta có quy trình sử dụng thuốc kháng sinh an toàn rồi đấy chứ. Nhưng có làm được hay không, có làm đúng như thế hay không… thì phải kiểm tra thường xuyên quy trình của các bệnh viện, nhà thuốc… Phòng xét nghiệm vi sinh của các bệnh viện phải trang bị lại  để đủ sức làm được kháng sinh đồ…

Tôi sợ bệnh viện rồi

Còn bản thân mỗi người khi dùng thuốc cần phải làm gì?

 Ai muốn quan tâm đến sức khỏe của mình thì phải dành thì giờ tìm hiểu về thuốc. Riêng với tôi, trước khi dùng kháng sinh tôi phải bỏ tiền ra làm kháng sinh đồ. Nói thật với chị là tôi sợ bệnh viện rồi, giờ có ốm tôi không dám đến bệnh viện nữa, sợ rằng họ lại giã cho một trận kháng sinh như thế.

Có khi chết vì suy nhược, do kháng sinh. Tôi tự lo lấy sức khỏe của mình bằng cách ăn uống, tập luyện, dùng thuốc an toàn hợp lý. Mấy năm nay tôi có đến bệnh viện xin thuốc đâu, chỉ đến làm xét nghiệm để biết kết quả dùng thuốc của mình thôi. Còn thuốc thì tôi tự mua.

Tức là ông cũng không mua thuốc theo đơn?

Tôi nói tự mua tức là mình chọn mua thuốc nội có chứng nhận tương đương sinh học. Ví dụ Amlodipin của Việt Nam muốn có chứng nhận tương đương sinh học thì phải thử nghiệm so sánh với Norvasc là Amlodipin của hãng Pfizer Mỹ (nơi phát minh ra nó) mới được cấp giấy chứng nhận.

Loại này chất lượng như thuốc ngoại lại rẻ hơn thuốc ngoại rất nhiều (trong khi thuốc của bệnh viện cấp cho bệnh nhân ngoại trú 90% là thuốc nội, nhưng thuốc nội có chứng nhận tương đương sinh học lại ít khi lọt qua cửa đấu thầu).

Mà tìm được thuốc tốt cũng khó đấy. Có lần tôi đã tìm đến nơi phân phối thuốc của hãng Domesco xin xem Amlodipin 5mg có chứng nhận tương đương sinh học, họ bảo thuốc này chúng tôi chỉ bán cho bệnh viện. Tôi xin chụp ảnh hộp thuốc để viết bài đăng báo họ cũng không cho. Không biết họ sản xuất có phải để bán cho người bệnh hay không?

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top