Chọn ngành: “Không phải ai cũng yêu từ cái nhìn đầu tiên”

(khoahocdoisong.vn) - Có rất nhiều lý do để phải học một ngành không không thích: vì “chống trượt”, vì nhất định phải vào trường “hot”, vì sai lầm khi thay đổi nguyện vọng, vì thiếu thông tin… Lỡ rồi phải làm sao?

Nếu yêu được ngành mình chọn thì tốt nhất

Bên cạnh những thí sinh đã xác định rõ ngành mà mình yêu thích, muốn theo đuổi, thì không ít những thí sinh, thậm chí tới những ngày thay đổi nguyện vọng cuối cùng vẫn không biết mình nên chọn học ngành nào. Lại có những thí sinh vì yêu một trường mà tất cả các nguyện vọng đều “phủ sóng” các ngành của trường, miễn là đỗ được vào trường đó.

Nói về điều này, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế làm công tác tuyển sinh, tôi gặp rất nhiều trường hợp khi được hỏi em thích ngành gì, thì các em nói cũng không biết thích ngành gì. Lý do là thứ nhất là do thông tin từ các trường phổ thông, công tác hướng nghiệp của chúng ta chưa được tốt. Thứ hai các em chưa có độ chín về tâm lý”.

Theo PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, trong việc chọn ngành, “nếu yêu được là tốt nhất”. Khi đã có định hướng, sự yêu thích thì có thể sắp xếp theo hướng lĩnh vực, nhóm ngành. Ví dụ, trước tiên cần định hướng lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, hoặc khoa học xã hội, sư phạm, kinh tế… Sau đó, sẽ sắp xếp theo thứ tự các trường có uy tín, hoặc trường mình thích nhất.

“Như vậy, chúng ta vẫn học được đúng ngành nghề mà mình mong muốn. Nếu không, vào học một chương trình đào tạo có những môn học mà chúng ta không có cảm hứng thì sẽ rất khó học và gây ra sự chán nản”, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh nói.

Nếu điểm trường mình thích đó quá cao, hoặc vượt quá điểm thi của mình thì có thể cân nhắc đến những trường tiếp theo. Như vậy, chúng ta vẫn học được đúng ngành nghề mà mình mong muốn. Nếu vào học một chương trình đào tạo có những môn học mà chúng ta không có cảm hứng thì sẽ rất khó học và gây ra sự chán nản.

Tuy nhiên, “không phải ai cũng yêu được từ cái nhìn đầu tiên”, cũng có nhiều em, trong quá trình học, thường là sau một năm, các em mới thấy ngành này thì ra cũng thú vị, và mình có thể cũng phù hợp với ngành đó.

Lý giải về điều này, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh nói: “Do trong quá trình học tập, các thầy cô sẽ chia sẻ thông tin, giúp cho các bạn hiểu hơn về ngành nghề cũng như cơ hội việc làm, cộng với sự tiếp nhận kiến thức, sự chín chắn hơn về tâm lý và hiểu biết xã hội sẽ khiến các bạn dần dần thấy yêu ngành mình đã chọn”.

Ở một số nước, mô hình đào tạo năm đầu tiên thường là học kiến thức chung. Sau đó, đến năm thứ 2 sinh viên mới lựa chọn ngành học của mình chứ không phải chọn ngành trước như ở phần lớn các trường đại học trong nước hiện nay.

Cuối những năm 90, một số trường đại học lớn ở nước ta cũng đã thí điểm mô hình đại học đại cương, tuy nhiên có lẽ do cách thức tổ chức cũng như phương thức đào tạo lúc đó chưa hợp lý nên mô hình này không thành công, phải chấm dứt sau vài năm thực hiện.

Đối với trường ĐH KHTN, những tiêu chí được thí sinh sử dụng khi lựa chọn ngành học thường một là những ngành được dư luận xã hội đánh giá cao, hai là cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, và ba là liên quan đến các lĩnh vực của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Riêng nhóm ngành liên quan đến công nghệ thông tin, cầu còn nhiều hơn cung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Rất nhiều công ty khi tìm tới trường để tuyển dụng thì những em khá nhất, ngay khi học năm thứ 2, 3 đã có nơi nhận thực tập hay làm việc bán thời gian rồi. Đến năm thứ 4 thì hầu như các sinh viên khá giỏi đã có lời mời tuyển dụng.
Năm nay, điểm chuẩn dự báo những ngành “hot” sẽ tăng từ 0,5 đến 2 điểm tùy theo từng chương trình đào tạo và số lượng đăng kí cụ thể”, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh

Khi đã vào trường, học gì cũng được miễn có quyết tâm

Cùng chung nhận xét với PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh về việc hoang mang chọn ngành của thí sinh, PGS.TS. Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Thực tế quá trình tuyển sinh tôi thấy các em còn phân vân lắm. Ví dụ, câu tôi thường nhận được là: giờ em được bây nhiêu điểm thì em nên học trường nào. Tôi hỏi lại các em, em phải nói mong muốn của em là gì đã, chứ không phải vì có điểm này thì ta chọn cái gì".

"Khi đi tư vấn tuyển sinh, tôi luôn nói với các em, đầu tiên phải lựa chọn ngành, sau đó mới đến trường. Nhưng thường có nhiều em đã được “tiêm” vào đầu, là cứ phải học trường này trường kia. Ví dụ, có những em nhất định phải vào được trường Bách khoa, còn ngành nào cũng được", PGS.TS Trần Trung Kiên nói.

Theo PGS.TS. Trần Trung Kiên, thực ra, để vào được một trường, kể cả trường top, cũng không hẳn là quá khó. Bởi vì, sẽ có các dải điểm khác nhau cho nhiều ngành, vẫn có thể đỗ được.

Nhưng các em cần phải suy nghĩ chín chắn, cân nhắc kỹ. Vì nhiều bạn chọn trường theo xu thế của đám đông. Đến khi vào trường mới mới thất vọng. Thất vọng không phải vì môi trường mà vì ngành học không phù hợp.

Thực tế, ở ĐH BK HN, năm nào cũng có những sinh viên phải thay đổi ngành sau khi vào học.

“Cho nên, khi đi tư vấn, không vì tôi ở trường BK mà tôi nói các em phải vào trường BK, mà tôi muốn các em phải thực sự yêu, hiểu về ngành thì hãy chọn, và đặt ngành lên đầu tiên.

Tất nhiên, tìm hiểu ban đầu của mình về ngành thì không hết được. Nhưng có thể tìm hiểu về lĩnh vực, có thể rộng, có cái nhìn bao quát hơn. Ví dụ lĩnh vực khoa học đời sống, lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học máy tính… từ đó, có nhiều những lựa chọn hơn.

Và khi đã có mong muốn về ngành, lĩnh vực rồi, thì sẽ đến chọn trường. Ví dụ mong muốn của em về ngành kỹ thuật về ô tô, thì không chỉ có BK, mà có những trường khác đào tạo cũng rất tốt. Ví dụ, trường ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thủy lợi, ĐH Nông nghiệp… Thậm chí, như Mỏ, cũng có những ngành đào tạo về cơ khí khai thác. Vậy tại sao mình lại cứ phải là vào BK?”, PGS.TS Trần Trung Kiên chia sẻ.

Vậy với những thí sinh đã “lỡ” chọn trường, chứ không phải chọn ngành thì sẽ thế nào? PGS.TS. Trần Trung Kiên cho biết, trong số những thí sinh chuyển ngành học ở trường Bách khoa, cũng có những em do dao động tâm lý, nghe đồn thổi ngành này ngành kia ra trường khó xin việc rồi nản…

“Tôi cũng hay khuyên sinh viên đã vào rồi thì học gì cũng được, đừng có đứng núi này trông núi nọ, miễn là ta có được quyết tâm và sự nghiêm túc để có được kiến thức chung.

Kiến thức chung sẽ giống nhau ở hai năm đầu, về sau mới nâng cao, chuyên sâu theo ngành. Môi trường đào tạo ở Bách khoa rất tốt, đào thải cũng nhiều, nên nếu “sống sót” để ra được trường là tốt rồi.

Tôi cũng đi nhiều, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên BK phát huy được ở những ngành chả liên quan gì đến ngành mình được đào tạo. Điều đó cho thấy, có được kiến thức chung, đã là nền tảng rất tốt rồi.

Và suy cho cùng thì đôi khi nghề chọn người. Có thể thích ngành này, nhưng khi ra trường ngành cuối cùng dừng chân lại hoàn toàn khác”, PGS.TS Trần Trung Kiên chia sẻ.

“Ở nước ngoài, thường người ta cũng chọn ngành, sau đó mới chọn trường, xem thứ hạng các trường có ngành đó như thế nào. Có những trường thứ hạng rất cao nhưng đi kèm học phí cao. Có những trường thứ hạng không cao lắm, học phí vừa phải thì ta có thể chọn. Quan trọng là phù hợp với mình”, PGS.TS Trần Trung Kiên.
Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top