Ngành máy móc không làm được sẽ lên ngôi
Một trong những vấn đề các thí sinh quan tâm nhất khi lựa chọn và thay đổi nguyện vọng xét tuyển ĐH, đó là ngành nghề nào sẽ “hot” nhất, dễ xin việc, kiếm được nhiều tiền nhất… trong tương lai.
TS Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trong các lĩnh vực khác đã dự báo về xu hướng dịch chuyển ngành nghề. Theo đó, nhóm ngành cũ mất đi thì ngành mới lại sản sinh. Điều này cũng đúng với xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.
Các thí sinh quan tâm nhiều tới cơ hội việc làm của những ngành nghề mình lựa chọn. Ảnh: KH&ĐS. |
Với những ngành nghề mà máy móc làm được thì dần dần con người mất vị trí, nhưng lại tạo ra ngành nghề mới. Đó là những ngành mà máy móc không làm thay được con người và số lượng này là tương đương. Và đây cũng chính là cơ hội việc làm trong tương lai.
Dự báo, sự dịch chuyển nghề nghiệp khoảng 5 – 10 năm tới sẽ khá mạnh. Còn trong khoảng 20 năm tới, lượng dịch chuyển sẽ rất lớn.
Chính vì vậy, theo ông Kiên, việc đào tạo cũng phải dịch chuyển theo hướng đó. Các trường cũng phải đón đầu các xu thế và tạo ra các liên ngành, các ngành mới.
Ví dụ, ngành phân tích kinh doanh, công nghệ giáo dục.
Giáo dục không phải giáo dục truyển thống nữa mà giáo dục online, giáo dục kết hợp, mô hình đào tạo chủ động…
Hoặc ngành phân tích kinh doanh, phân tích được xu hướng, dữ liệu thế nào để có được những điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh của các công ty. Theo tính toán của một số tổ chức thế giới, sự thiếu hụt nhân lực các ngành này là khá nhiều. Hoặc ngành khoa học dữ liệu cũng vậy.
Ông Kiên cho biết, năm nay ĐH Bách khoa Hà Nội hướng tới đào tạo các ngành nghề tương lai sẽ bị thiếu hụt về nhân lực này, các thi sinh có thể tham khảo và nộp nguyện vọng.
Những ngành liên quan tới 4.0
Bên cạnh nhóm ngành mới, dịch chuyển thì nhóm ngành liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ là nhóm ngành được dự báo là có cơ hội việc làm cũng như thu nhập rất tốt trong tương lai.
Các thí sinh đang được các thầy của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HN) tư vấn trực tiếp trong ngày hội tuyển sinh. Ảnh: KH&ĐS. |
Nói về nhóm ngành này, TS Trương Thanh Tú, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHKH Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG HN) có 3 nhóm ngành thuộc “tốp đầu” đó là công nghệ sinh học; hóa dược, hóa học; máy tính và công nghệ thông tin. Trong ngày hội tuyển sinh vừa qua, các thí sinh cũng quan tâm rất nhiều tới 3 nhóm ngành này.
Về cơ hội việc làm, TS Tú cho biết về cơ bản sẽ giống như các ngành khác của Trường ĐHKH TN, sinh viên ra trường có thể tham gia việc làm theo 3 hướng: Thứ nhất, đối với các bạn yêu thích nghiên cứu thì sẽ làm việc trong các trường, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm này nhỏ, không nhiều.
Nhóm thứ hai tập trung nhiều hơn là làm cho các doanh nghiệp và các tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ như Samsung, Terumo, Vingroup… thu hút lượng lớn nhóm SV ngành Hóa, Sinh, Máy tính.
Ngoài ra, là tham gia các sở ban ngành ở địa phương.
Là một người trực tiếp phụ trách về tư vấn việc làm cho sinh viên ở Khoa Toán-Cơ-Tin học của Trường ĐH KHTN HN, ThS Phạm Hoàng Long cho biết, 60% thí sinh đến xin tư vấn trong ngày hội tuyển sinh cũng là về ngành Máy tính và công nghệ thông tin, 30% là Toán tin, còn lại là các ngành khác.
“Với những ngành như Máy tính và công nghệ thông tin, Toán tin, tôi dám tự tin khẳng định là sinh viên ra trường 100% sẽ có việc làm. Hằng ngày, tôi vẫn nhận được khoảng 3 – 4 tin tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với các sinh viên của Trường.
Sinh viên năm thứ 4, thậm chí không còn để tuyển dụng nữa, vì đã được các doanh nghiệp tuyển dụng hết rồi, phải chuyển sang tuyển dụng sinh viên từ năm thứ 2, 3”, ThS Phạm Hoàng Long chia sẻ.
Về mức điểm dự báo đối với nhóm ngành này, TS Trương Thanh Tú cho biết, so với năm ngoái, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ từ 0,5 – 2 điểm, điểm chuẩn sẽ rơi vào ngưỡng từ 20 – 23 điểm.
"Đối với Trường KHTN thì ở mức cao hơn đối với các ngành khác, nhưng so với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở nhóm ngành tương đương lại thấp hơn. Cho nên, với các em có phổ điểm từ 25 trở xuống tới 21 thì có thể nộp nguyện vọng vào khoa Toán – Cơ – Tin học của Trường ĐH KHTN Hà Nội", TS Trương Thanh Tú nói.
Những ngành "nguội" vì thiếu thông tin
Bên cạnh những nhóm ngành “hot”, thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký nguyện vọng, lại có những ngành bị “bỏ rơi”, không được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, trong số đó, có những ngành thực sự có cơ hội việc làm rất tốt.
“Ví dụ những ngành liên quan đến vật liệu, rất ít sinh viên muốn học. Thực ra trong cuộc sống, cái gì cũng liên quan tới vật liệu. Nhiều em không hiểu cứ nghĩ vật liệu là luyện kim…”, TS Trần Trung Kiên chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: "Thật khó hình dung cuộc sống này mà thiếu vật liệu, từ vật liệu xây dựng như sắt thép, Silicat, gốm sứ đến những vật liệu quang tử, quang điện tử, compozit, polyme, vật liệu đặc biệt trong y tế, cảm biến, công nghiệp điện, công nghiệp chiếu sáng, công nghiệp đóng tàu và chế tạo máy... ".
Chính vì thế, Trường ĐHBK Hà Nội rất mong muốn đưa thông tin đến với các thí sinh, để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp. "Chứ không phải bảo cái này hot lắm, các em chọn đi. Hiện tại, thông tin đến với các em chưa đầy đủ", TS Trần Trung Kiên nói.
Cùng chung quan điểm với TS Trần Trung Kiên, PGS.TS Đinh Xuân Thành, Trưởng Khoa Địa chất, Trường ĐH KHTN cho biết, hiện nay, sinh viên đăng ký nguyện vọng có chữ công nghệ hàng đầu mà quên những ngành thực nghiệm khác.
Khối Khoa học Trái đất của ĐH KHTN gồm 4 khoa: Khoa địa lý, Địa chất, Môi trường và Khí tượng, Thủy văn hải dương học. Những ngành này đều mang tính ứng dụng thực tiễn rất nhiều, đặc biệt là vấn đề tài nguyên, môi trường, hiện nay đang rất "nóng", hầu như liên quan tới tất cả các lĩnh vực.
“Ví dụ như băng cháy là nguồn tài nguyên mới. Theo thông tin của Mỹ dự kiến, toàn bộ băng cháy ở các đại dương có thể thay thế tất cả nguồn năng lượng với mức tiêu thụ hiện tại cho 3.000 năm. Việt Nam được đánh giá có trữ lượng băng cháy khá lớn, nhưng hiện nay mới đang điều tra một cách rất sơ lược về nguồn tài nguyên này, trong đó có vùng biển Tư Chính.
Hầu như năm nào các đơn vị tuyển dụng cũng gọi đến khoa Địa chất để xin sinh viên, nhưng nguồn cung cấp thực sự là không đủ, do các thí sinh chưa "mặn mà" với ngành này”, TS Đinh Xuân Thành chia sẻ.
Để khắc phục, theo TS Thành cần đưa thông tin tới các học sinh đầy đủ hơn, đồng thời có sự quan tâm từ phía chính sách của Nhà nước đối với các ngành này.
Trong ngày hội tuyển sinh, đa số câu hỏi tôi nhận được là với số điểm này thì em vào học khoa nào, ngành nào, ngành nào ra trường kiếm được nhiều tiền… Chứng tỏ, các em cũng mới chọn nghề theo xu hướng, trào lưu, và thậm chí chỉ cần vào được đại học, chứ chưa thực sự hiểu về ngành nghề.
TS Trịnh Thanh Huyền, Học viện Tài chính