Phó Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV: Chọn ngành cũng như chọn bạn đời
Có nhiều thí sinh đã ví, việc thay đổi đăng ký nguyện vọng giống như một kỳ thi THPT Quốc gia lần thứ 2 đầy căng thẳng và áp lực. Ngay cả khi các trường đưa ra mức điểm sàn và dự báo điểm chuẩn, nhiều em vẫn hoang mang không biết nên dựa vào đó để lựa chọn như thế nào?
Phụ trách công tác tuyển sinh của nhà trường, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội đã đưa ra 3 lưu ý đối với thí sinh khi thay đổi nguyện vọng như sau:
Thứ nhất, các em hãy nhìn vào phổ điểm các trường năm 2018. Như với Trường ĐHKHXH&NV, chỉ tiêu vẫn như năm 2018, số lượng nguyện vọng đăng ký đến thời điểm này cũng gần như năm 2018.
Thứ hai, là các em phải nhìn vào điểm của mình để cân nhắc. Nếu điểm quá mấp mé ngưỡng điểm sàn thì cũng nên thận trọng, đặc biệt, khi đó là ngành “hot”, tỷ lệ chọi cao, vì điểm chuẩn sẽ là điểm lấy từ cao xuống thấp.
Thứ 3 là cần tỉnh táo dự phòng NV2, NV3 trên cơ sở hiểu về ngành mình đăng ký. Ví dụ, giả sử các em thích ngành Quan hệ công chúng (QHCC). Nhưng điểm QHCC thường là cao hơn Khoa học quản lý. Trong khi thực tế, hai ngành này về đặc thù công việc lại rất gần nhau. Cho nên, nếu thấy QHCC điểm tới tận 26, trong khi Khoa học quản lý 22, 23 thôi, thì hãy dự phòng nguyện vọng thứ 2.
Hoặc thấy QHCC ở KHXH&NV cao hơn QHCC ở một trường nào đó, thì các em hãy thả nguyện vọng thứ nhất vào KHXH&NV. Giả sử không may thiếu mất 1 điểm ở NV1, thì vẫn đậu ở NV2, 3.
Và điều quan trọng nhất, đó là các em phải thích ngành mình đăng ký. Chứ không phải đăng ký chỉ để cho đỗ đại học.
Bởi việc học không chỉ là thời gian, công sức của mình mà còn là tiền bạc của cha mẹ, và lãng phí nhân lực của xã hội. Nếu không thích, cứ cố học thì không thể có kết quả tốt. Sau này ra trường, cũng vậy khi không có đủ đam mê, nhiệt huyết làm việc.
“Lứa tuổi 17, 18 có thể các em chưa hiểu được, nhưng tôi vẫn muốn nói với các em, chọn ngành cũng giống như chuyện cuộc đời, khi chọn ai đó kết hôn, cũng cần có tình yêu, cuộc sống sẽ dễ hòa hợp, hạnh phúc. Hoặc như ông tỷ phú Zack Ma chia sẻ, điều quan trọng không phải là học ở trường lớn, mà học ngành mình thích. Cũng như đừng quan trọng làm việc ở công ty lớn, mà hãy chọn những ông sếp giỏi. Ngẫm ra, trong cuộc đời rất đúng”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Chọn ngành yêu thích đầu tiên
Cùng chung quan điểm với PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa chia sẻ: “Nếu có lời khuyên đối với các em học sinh, thì tôi khuyên trước hết, các em phải chọn ngành mình yêu thích. Khi có yêu thích thì mới nuôi được đam mê, có động lực, nghị lực để học tập sau này”.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Tớp, nếu ngành yêu thích mà điểm lại không đạt, thì phải lượng sức mình. Và một trong những dữ liệu quan trọng để các em dựa vào khi thay đổi nguyện vọng, đó chính là dự báo điểm chuẩn của các trường.
Riêng đối với Trường ĐH Bách khoa HN, có những dự báo khá chuyên sâu, cho từng ngành. Và để để có được dự đoán này, Trường phải dựa vào những căn cứ.
Đầu tiên, là qua phân tích phổ điểm các năm. Ví dụ, năm 2017 phổ điểm cao hơn năm 2018. Điều này, làm ảnh hưởng tới điểm chuẩn các ngành. Đơn cử ngành Công nghệ thông tin của ĐHBK năm 2017 lấy 28,25 điểm. Nhưng 2018 còn 25,35 điểm.
Đối với năm 2019, qua phân tích tất cả dữ liệu cho thấy, điểm mỗi môn học đều tăng lên so với năm ngoái. Và khi điểm mỗi môn học tăng 0,5 – 1 điểm thì khi xét một tổ hợp, điểm có thể tăng 1,5 – 3 điểm.
Thứ 2 là căn cứ vào kinh nghiệm xét tuyển, điểm trúng tuyển của những năm học vừa rồi, đặc biệt là những xu hướng về ngành nghề. Có những ngành “hot”, thu hút nhiều nguyện vọng.
Ví dụ, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Khoa học máy tính mà Trường dự báo 27- 28 điểm là rất đông, NV1 đã là 2.600 em. Trong khi chỉ tiêu chỉ có 280, và riêng học sinh được tuyển thẳng đã là 60 em rồi. Chỉ tiêu giảm thì đương nhiên dự báo điểm chuẩn sẽ tăng lên.
Nếu như đưa ra mức điểm dự báo khoảng 22, 23, 24 các em đổ xô vào, nguyện vọng lên tới 4000 – 5.000 em, nếu không trúng thì sẽ làm mất cơ hội, thiệt cho các em.
“Dự báo làm sao càng gần điểm chuẩn càng tốt. Tuy nhiên, không ai dám nói đưa ra con số chính xác. Năm ngoái khi chúng tôi đưa ra mức dự đoán, rất nhiều người, kể cả các thí sinh nói rằng BK “thả thính”. Nhưng kết quả cho thấy, BK dự báo khá chuẩn. Những dự báo không hề vô căn cứ mà rất trách nhiệm”, ông Tớp nói.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, việc dự báo điểm chuẩn cũng còn để cho các thí sinh em biết được xu hướng mà dịch chuyển ngành nghề, phù hợp với điểm của mình.
Ví dụ ngành Điện, mất khoảng 4 năm ngành điện không tuyển dụng nhân lực. Nhưng hiện nay, Tập đoàn điện lực VN bắt đầu tuyển trở lại, nó sẽ tác động lên thị trường.
Hoặc ngành Mỏ, Hóa dầu, trong những năm vừa rồi có những biến động lớn, tác động tới các trường có đào tạo ngành này, trong đó có Bách khoa HN.
Không nên dồn hết vào ngành “hot”, rồi sau 5 - 7 năm nữa khi các em ra trường, xu hướng về công nghệ, nhu cầu về nguồn nhân lực có thể đổi thay, sẽ khó xin việc.
Như vậy, các trường phải xem được dự báo trong tương lai, và bản thân các em cũng phải tự tìm hiểu, cân nhắc.
“Tôi thực sự rất ghen tị với các bạn trẻ bây giờ, ngày tôi học có ai tư vấn đâu, thông tin không có, nghe phong thanh người này người kia. Giờ, các trường đều có những tư vấn rất đầy đủ, dự báo điểm chuẩn... các em nên tham khảo. Và tốt nhất đến các chương trình tư vấn để được sự hỗ trợ từ các thầy cô”, PGS.TS Trần Văn Tớp