Điểm chuẩn về cơ bản sẽ như năm trước
Ngay khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố điểm thi và phổ điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2019, đã có nhiều thí sinh hoang mang, lo lắng trước những luồng thông tin năm nay điểm chuẩn, điểm sàn xét tuyển đại học sẽ tăng cao vì đề thi năm nay “vừa sức”, khiến phổ điểm “đẹp”.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, phổ điểm 2019 so với năm 2018 không lệch quá nhiều, mặc dù một số môn như môn Sử, Sinh, Tiếng Anh có thấp hơn.
Với phổ điểm như vậy, về cơ bản điểm chuẩn của các trường có tăng hay giảm cũng không đáng kể, sẽ như những năm trước. Thậm chí, với các ngành xét tuyển khối C, điểm sàn và điểm chuẩn còn thấp hơn năm ngoái. Vì điểm môn Văn năm nay cũng không cao như mọi năm. Điểm môn Sử thì thấp hơn.
Còn đối với khối D, năm nay Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tăng cường tuyển khối D ở một số ngành. Với mức điểm 20 – 22 điểm, các em hoàn toàn có thể yên tâm. Thậm chí một số ngành có thể rơi vào 18 điểm. Nếu có điểm thi ở những mức điểm này, các em có thể tự tin đăng ký vào các ngành của nhà trường.
Ông Tuấn cũng cho biết, có một số trang mạng "mượn danh" ĐHKHXH&NV thông tin điểm chuẩn sẽ “tăng vọt”, đó là hành vi gây hoang mang cho các thí sinh. Cho đến thời điểm này (trả lời Báo KH&ĐS), Nhà trường chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào về mức điểm chuẩn.
Điểm chuẩn và các ngành top trên sẽ tăng từ 1 – 3 điểm
Đối với các ngành thuộc khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên), theo thông tin từ một số trường, điểm chuẩn sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm.
Cụ thể, theo ThS Phùng Quán, Trưởng phòng thông tin & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, dựa trên phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 và số liệu nguyện vọng đăng ký thi các tổ hợp xét tuyển quốc gia, cùng số nguyện vọng trực tiếp vào trường, dự báo nhóm ngành Công nghệ Sinh học điểm chuẩn sẽ tăng từ 1,5 - 2,5 điểm. Nhóm ngành Hoá học, Sinh học, Khoa học Môi trường, Vật lý học điểm chuẩn tăng ít nhất từ 1 - 2 điểm.
Các nhóm ngành khác như: Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật hạt nhân, Toán học…. điểm chuẩn tăng 1 đến 1,5 điểm.
Theo một số chuyên gia, một trong những cái “đẹp” của phổ điểm năm nay là các tổ hợp truyền thống để xét tuyển đại học có độ phân hóa, giúp các trường xác định ngưỡng điểm để tuyển sinh.
Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, điểm thi THPT Quốc gia năm 2019, những điểm tầm 20 trở lên với gần 11.000 bài thi, có độ phân bố đều.
Phổ điểm từ 24 trở lên có độ dốc khá lớn với 6.000 bài thi. Đây là nguồn tuyển dồi dào cho các trường top trên và top giữa.
Từ những phân tích trên, ông Sơn dự báo điểm chuẩn các trường nhóm trên sẽ tăng khoảng hơn 2 điểm so với năm 2018.
Với các trường tốp giữa, điểm trúng tuyển mọi năm khoảng 20 - 21 điểm, năm nay sẽ tăng khoảng từ một đến 2 điểm. Trường trong nhóm điểm chuẩn năm trước từ 17 - 19 điểm, thì năm nay gần như sẽ không tăng điểm chuẩn.
Cũng theo ông Sơn, nhóm trường Y Dược và khối công an, quân đội sẽ có điểm chuẩn tăng cao nhất. Riêng đối với các trường đào tạo sư phạm, vì số lượng nguyện vọng đăng ký giảm so với năm 2018, nên điểm thi năm nay có tăng, mức trúng tuyển cũng khó biến động, nếu có tăng cũng rất ít.
Ba lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng
Bắt đầu từ ngày 22/7, thí sinh cả nước bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng. Điều đặc biệt, mỗi thí sinh sẽ chỉ còn có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, không ít các thông tin nhiễu loạn khiến các thí sinh hoang mang.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn chia sẻ, khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần phải cân nhắc tới ba yếu tố:
Thứ nhất, thí sinh phải căn cứ vào sở thích và đam mê nghề nghiệp của mình, đừng điều chỉnh theo sức ép hay gợi ý của người khác. Mình thích ngành gì, định sau này khởi nghiệp, lập nghiệp với ngành đó thì điều đầu tiên là phải tôn trọng niềm đam mê của mình.
Thứ hai là cân nhắc lợi thế, các sở trường. Ví dụ, mình có khả năng hay không có khả năng ở ngành nào thì phải hiểu và cân nhắc kỹ. Cái nào mình có sở trường thì nên ưu tiên, còn sở đoản thì hạn chế. Ví dụ, chiều cao, cân nặng mình không thực sự tốt thì không nên đăng ký vào diễn viên hoặc nghệ thuật trình diễn... Hoặc nếu nói lắp, nói ngọng thì không nên đăng ký vào phát thanh truyền hình.
Thứ ba là phải thực tế một chút, xem điểm của mình so với phổ điểm của các trường những năm trước như thế nào. Nếu như điểm của mình rất cao thì có thể đăng ký vào những ngành hot mà lại thích. Còn nếu điểm của mình thấp thì nên cân nhắc, lượng sức mình, dù đó là ngành mình thích.
Ví dụ, một ngành mà 3 năm liên tục đều là ngành hot của trường đó, mà năm nay xu hướng xã hội vẫn như thế thì mình phải cân nhắc để làm sao nguyện vọng của mình đặt đúng chỗ.
Với các trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, theo ông Tuấn, ngành được nhiều người quan tâm nhất vẫn là Quản trị lữ hành; Quản trị khách sạn; các ngành về Đông phương như Hàn Quốc, Nhật Bản; báo chí; ngành Quốc tế học;Ttâm lý học... Đây là những ngành có nhu cầu rất là cao.
Tuy nhiên, những ngành này cũng có chỉ tiêu tuyển sinh thuộc loại lớn ở trong nhà trường, so với các ngành khác, nên sẽ có cơ hội tốt cho các em.
Đặc biệt, ngoài các ngành chuẩn của Nhà nước, có một số ngành được xã hội hóa, ví dụ như Báo chí, Khoa học quản lý, Quản lý thông tin... Những ngành này, tuy học phí cao hơn một chút nhưng các em được học đúng với ngành mà mình yêu thích, nên có thể tham khảo, lựa chọn.
Tốt nhất các em hãy vào các trang web tuyển sinh của các trường để theo dõi. Từ đó, sẽ có các thông số cho các em tham khảo. Với Trường ĐHKHXH&NV, các em có thể truy cập vào trang tuyensinh.ussh.edu.
vn để kịp thời nắm thông tin”, TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.