Chọn ngành hay chọn trường?

(khoahocdoisong.vn) - Trúng tuyển vào ngành học yêu thích, nhưng lại không phải trường yêu thích nhất, nhiều thí sinh băn khoăn không biết có nên nhập học không, hay chờ xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Băn khoăn dù trúng tuyển

Ở thời điểm hiện tại, một số trường đại học đã công bố kết quả các phương thức xét tuyển và đưa ra thời gian quy định, yêu cầu thí sinh phải nhập học. Tuy nhiên, nhiều thí sinh băn khoăn, không biết có nên nhập học hay không, bởi kết quả trúng tuyển đúng ngành, nhưng lại không đúng trường các em yêu thích nhất. Thí sinh vẫn muốn chờ xét tuyển theo phương thức từ kết quả điểm thi tốt nghiệp năm 2021. Có điều, các em lại sợ, lỡ chờ đợi rồi trượt thì lại bỏ phí mất cơ hội trúng tuyển hiện tại.

Thí sinh Nguyễn Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em trúng tuyển vào khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Thủ đô theo phương thức xét tuyển học bạ. Theo quy định của trường, thời gian xác nhận nhập học từ ngày 4 - 15/8. Nếu quá thời gian này mà em không xác nhận nhập học, coi như không có nguyện vọng tham gia học tập tại nhà trường, và trường sẽ hủy kết quả xét tuyển.

Nguyện vọng lớn nhất của Thủy là vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng theo em tìm hiểu, điểm thi tốt nghiệp THPT theo khối xét tuyển của em lại chỉ bằng đúng điểm chuẩn năm ngoái ngành em định đăng ký. Em sợ, nếu từ chối cơ hội vào học tại Trường Đại học Thủ đô, để chờ xét tuyển vào khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm, nhưng rồi lại không đỗ, thì sẽ lỡ dở. Em cùng cả nhà bàn bạc, đắn đo mãi mà vẫn chưa đưa ra được quyết định.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo nhà trường cho biết, không ai có thể dự đoán được điểm chuẩn một cách chính xác. Bởi vì phải dựa vào số hồ sơ đăng ký của thí sinh.

Năm nay, xét về mặt bằng chung, điểm số khá cao, Theo số liệu của Bộ GD&ĐT đã công bố, cả nước có 24.318 điểm 10, gấp 4,1 lần so với năm 2020, gấp 19,1 lần so với năm 2019. Phổ điểm tất cả các khối đều lệch sang phải theo hướng tăng. Chính vì vậy, dự đoán điểm chuẩn ở nhiều khối cũng sẽ nhích lên, nhất là những ngành hot.

Nếu điểm của thí sinh nằm ở vị trí rất “bấp bênh” thì có thể gọi là nguy hiểm. Các thí sinh cần căn cứ vào điểm chuẩn của năm trước và điểm sàn (nếu đã có công bố) để có thể có được lựa chọn tốt nhất cho mình.

Nếu như điểm thi chỉ bằng điểm chuẩn của năm ngoái thì cần cân nhắc, nên lựa chọn trường mình đã chắc chắn đỗ, thay vì chờ đợi khả năng “thiếu an toàn”.

Hiện nay, một số trường cho phép học bằng kép, thí sinh nên tìm hiểu kỹ, có thể chọn ngành có điểm chuẩn thấp hơn, sau đó, trong quá trình học phấn đấu để được học bằng kép, đúng ngành mình có nguyện vọng cao nhất. Như vậy, buộc phải đi “đường vòng” nhưng thí sinh vẫn thỏa được mong ước.

Chọn ngành không chọn trường

Trao đổi với phóng viên, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, về việc nên chọn ngành hay chọn trường, ông vẫn khuyên các em nên chọn ngành học trước. Vì ngành gắn với nghề nghiệp về sau. Và đừng vì danh tiếng trường nọ trường kia mà vào.

Ví dụ, các em muốn chọn ngành điều khiển tự động hóa, thì bước thứ nhất là các em chọn ngành, bước thứ hai các em chọn trường. Ví dụ, điều khiển tự động hóa có ở đâu? Thứ nhất là Bách khoa Hà Nội, ngoài ra còn có ở Đại học Giao thông, Mỏ, hoặc Bách khoa Đà Nẵng hoặc Bách khoa TPHCM. Các em xem dự báo các trường như thế nào, xem tầm điểm của mình có thể nộp được vào đâu.

PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cùng một lĩnh vực, nhưng có nhiều trường cùng đào tạo, các em có thể lựa chọn, không nhất thiết phải chọn chỉ học ngành đó ở một trường nhất định, mà phải tùy vào điểm của mình. Chẳng hạn, nếu em thích Công nghệ Thông tin (CNTT), có rất nhiều trường cùng đào tạo lĩnh vực này.

Hoặc các em có thể chọn các ngành liên quan. Ví dụ, đối với Công nghệ thông tin, ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có đào tạo các ngành liên quan gồm: Toán – Tin, Khoa học Dữ liệu, Máy tính và Khoa học thông tin, Kỹ thuật điện tử và Tin học. Thậm chí các em học các ngành khoa học cơ bản như Toán học hay Vật lý, hoặc các ngành có sử dụng nhiều kiến thức CNTT như Khí tượng, Khoa học Thông tin Địa không gian… cũng có thể chuyển hướng sang học tiếp hay làm việc trong lĩnh vực CNTT.

Tương tự, có một số nhóm ngành dựa trên nền tảng các ngành khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học Trái đất. Có nghĩa rằng, các em cũng không nên cố định một ngành/trường cụ thể mà nên tìm hiểu và lựa chọn một nhóm ngành mà mình ưa thích và có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển.

Khi điểm thi không được như mong muốn, có nghĩa điểm thi thấp hơn so với dự kiến, các em cần bình tĩnh quan sát xem điểm của mình so với phổ điểm ra sao? Điểm có thấp hơn so với mặt bằng chung không? Nếu có thì là bao nhiêu?

Phổ điểm từng môn và phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển là căn cứ rất quan trọng để các em có sự tham khảo, so sánh, từ đó có lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng hợp lý.

“Không thể chắc chắn 100% về việc trúng tuyển trong lựa chọn thay đổi nguyện vọng, nhưng nếu biết tổng hợp, phân tích thông tin về các ngành mà mình thích ở nhiều trường một cách khéo léo, có phương án dự phòng an toàn, các em sẽ chắc chắn hơn trong việc đạt được điều mình muốn”, ông Linh chia sẻ.

Bộ GD&ĐT vừa hướng dẫn công tác tuyển sinh trong tình hình dịch Covid-19. Trong đó, điều chỉnh một số mốc tuyển sinh để phù hợp với những thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Cụ thể, thời gian điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được chuyển sang này 29/8 (theo kế hoạch ban đầu là từ ngày 7/8). Thời gian kết thúc thay đổi nguyện vọng là 17h00 ngày 5/9. Chậm nhất 26/8, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm (kế hoạch cũ là ngày 3/8).

Các trường thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo Quy chế tuyển sinh từ ngày từ ngày 12 - 15/9, lịch cũ là từ ngày 20- 22/8. Công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 trước 17h00 ngày 16/9 (lịch cũ là 23/8). Xác nhận nhập học đợt 1 là trước 17h00 ngày 26/9.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top