Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo đầu tiên tại Bệnh viện Phổi TƯ
Phải ngừng thở, ngừng tim mới cắt được u
Chị Phạm Lan Anh (38 tuổi) vốn có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng 2 tháng gần đây có dấu hiệu ho, khó thở tăng dần. Khi đi khám ở tuyến tỉnh,chị được chẩn đoán viêm phổi, có cho dùng kháng sinh nhưng không đỡ. Chị đến Bệnh viện Phổi Trung ương do tình trạng khó thở ngày càng tăng và kết quả chụp chiếu chị có khối u trung thất chèn ép vào phế khí quản gây hẹp hoàn toàn phế quản gốc trái.
Điều đáng nói là khối u nằm ở vị trí phức tạp về giải phẫu: ở vị trí trung tâm, chèn ép bên trái, sát tâm nhĩ trái, đặc biệt, khối u được bao bọc bởi các động mạch lớn của lồng ngực như động mạch chủ, động mạch phổi và thực quản,…Nếu mổ thông thường thì rất nguy hiểm nên các bác sĩ đã quyết định dùng máy tim phổi nhân tạo để phẫu thuật cho bệnh nhân.
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ, máy tim phổi nhân tạo được áp dụng nhiều trong các ca mổ tim mở. Máy làm thay chức năng cho tim, tim ngừng đập nhưng phổi vẫn hoạt động bình thường.
Đây là lần đầu áp dụng trong mổ phổi. Bởi ca mổ này rất khó, bệnh nhân có một khối u ở phía sau tim (tâm thất giữa) nếu mổ bình thường rất nguy hiểm. Trong quá trình mổ dẫn đến thay đổi nhịp đập của tim có thể gây ra tai biến phức tạp. Vì vậy cần sự hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo.
ThS.BS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, việc bóc tách khối u buộc dùng hệ thống tim – phổi máy hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân ngừng hô hấp, tim mạch ngừng hoạt động. Hệ thống này tương tự tim, phổi của người bình thường, có vai trò đưa hệ thống tuần hoàn máu ra ngoài cơ thể cũng như hệ thống hô hấp tương tự 2 lá phổi của con người.
Với phương pháp này, trong quá trình mổ, các mạch máu lớn ở trong lồng ngực sẽ kiểm soát, chủ động được. Chưa kể, nếu không mổ mở, với vị trí khối u sẽ không có con đường nào để đưa vào cắt bỏ khối u. Đây được coi là ca mổ đặc biệt, kỹ thuật mổ thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mổ ngực khó bắt buộc phải có tim phổi nhân tạo.
Máy tim phổi nhân tạo
Phát hiện sớm tránh cái chết cận kề
TS.BS Đinh Văn Lượng, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, khối u trung thất của bệnh nhân Anh được coi là bệnh lý bẩm sinh. Đây là một kén phế quản ở trung thất, theo thời gian, nang – kén phát triển lên và gây ra các triệu chứng điển hình như ho, khó thở…
Mặc dù đây không phải bệnh lý đặc biệt nhưng ở bệnh nhân này khối u nằm ở vị trí phức tạp về giải phẫu, rất khó phẫu thuật, nhưng nếu không cắt u bệnh nhân khó bảo toàn mạng sống. Sau phẫu thuật hơn 1 tuần, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, ho rất ít, không còn khó thở, không đau tức ngực.
Các chuyên gia cho biết, trung thất là vùng nằm giữa lồng ngực, được giới hạn bởi các túi màng phổi ở xung quanh. Trung thất được chia thành 3 khu vực: trung thất trước, trung thất giữa và trung thất sau.
U trung thất có rất nhiều biểu hiện lâm sàng, các biểu hiện lâm sàng thường phụ thuộc vào vị trí u trung thất và tình trạng chèn ép, xâm lấn các thành phần trong trung thất như: chèn ép tĩnh mạch chủ trên gây phù dưới mặt, cổ, ù tai, chóng mặt sau đến phù cả tay và cẳng tay, các tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch nông ở trước ngực giãn, nổi rõ, hố trên đòn bị đầy do phù; Chèn ép đường thở gây khó thở, ho khan; Chèn ép dây thần kinh quặt ngược trái gây khó phát âm, khàn tiếng; Chèn ép dây thần kinh hoành, chèn ép thực quản…
Tình trạng bệnh nặng có nguy cơ tiến triển suy hô hấp. Khi suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất nhanh. Điều đáng nói là các u trung thất thường tiềm tàng, ít khi phát hiện sớm ngay từ đầu nên rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Để tránh cái chết cận kề, nếu người bệnh thấy có các biểu hiện: Ho, khó thở, đau ngực, khó nuốt, nấc, khàn tiếng, hạch vùng cổ trên xương đòn…thì cần đi khám chụp Xquang phổi và chụp cắt lớp lồng ngực để phát hiện sớm bệnh.
Tim phổi nhân tạo là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Thúy Nga