Bệnh nhân ung thư thường bị tăng canxi huyết và khi canxi huyết tăng cao, người bệnh có thể chết đột ngột do ngừng tim hoặc rung thất.
ảnh minh họa
Tăng canxi huyết là một hội chứng thường gặp ở các bệnh nhân ung thư, khoảng 20 – 30% người bệnh, có thể thấy ở khối u đặc cũng như hệ tạo huyết, hay gặp ở ung thư vú, phổi, đa u tủy. Những bệnh nhân có hội chứng tăng canxi huyết thường có tiên lượng xấu. Nó liên quan đến sự tiêu hủy và giải phóng canxi từ xương.
Triệu chứng của bệnh là nôn, buồn nôn, táo bón, đái nhiều, nhược cơ, giảm phản xạ, lẫn lộn, trầm cảm, run rẩy. Một số bệnh nhân không có triệu. Khi canxi huyết tăng trên 12mg/l có thể chết đột ngột do ngừng tim hoặc rung thất.
Điều trị tăng canxi huyết bằng cách làm giảm nồng độ canxi huyết thanh, thông qua việc ngăn cản sự tiêu hủy xương, tăng bài tiết canxi qua đường niệu và giảm hấp thu canxi qua đường tiêu hóa. Việc điều trị có thể qua một số cấp độ. Khi bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng tăng canxi huyết nhẹ (< 12mg/dL hoặc 3mmol/L), không cần điều trị ngay nhưng cần tránh các yếu tố làm bệnh nặng lên, lợi tiểu, nghỉ ngơi tại giường, ít vận động, ăn chế độ giảm canxi.
Khi bệnh nhân có triệu chứng tăng canxi ở mức độ vừa (12 – 14mg/dL hoặc 3 – 3,5mmol/L) cũng chưa đòi hỏi điều trị ngay nhưng nếu tăng ở mức này mà có thay đổi cảm giác thì nhất thiết phải điều trị như tăng canxi huyết nặng bằng truyền muối và các thuốc chống tiêu xương.
Đối với các bệnh nhân tăng canxi huyết nặng (>14mg/dL hoặc > 3,5mmol/L) thì bắt buộc phải bù dịch, bù muối đẳng trương, theo dõi sát lượng nước tiểu, sử dụng thuốc lợi tiểu khi thận kém và suy tim cần theo dõi sát. Đặc biệt, khi canxi huyết đã hạ vẫn cần duy trì điều trị và theo dõi sát tình trạng bệnh tái phát trở lại. Tình trạng canxi huyết nặng cần phải thẩm phân máu (lọc máu).
GS.TS Nguyễn Bá Đức (Nguyên Giám đốc bệnh viện K)