Chính quyền Vĩnh Phúc bế tắc trước núi rác đầu độc dân

KHĐS – Quá trình giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường tại bãi rác khu công nghiệp (KCN) Khai Quang làm lộ ra thực tế là chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay đang tỏ ra bế tắc. Bằng chứng là cả tỉnh chưa có 1 nhà máy xử lý rác thải nào. Khi khảo sát các khu vực làm bãi chứa rác thì không nhận được sự đồng thuận của người dân…

Nước từ bãi rác KCN Khai Quang thường tràn vào hệ thống cống thoát nước của KCN Khai Quang, gây ô nhiễm môi trường.

Vẫn đổ rác trong lòng thành phố

Vẫn biết, mục đích ban đầu của việc thành lập KCN là để thu hút đầu tư chứ không phải để đổ rác. Nhưng dường như tỉnh Vĩnh Phúc đang làm “khác biệt” mục đích, chức năng của KCN – điều mà có lẽ không một địa phương nào trong cả nước từng làm.

Ông Cao Đình Thi, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Vĩnh Phúc – Đơn vị quản lý KCN Khai Quang bày tỏ sự bất bình thường này từ phía chính quyền tỉnh: “Chúng tôi đã nhiều lần phản đối sự tồn tại của bãi rác thải ngay trong KCN Khai Quang tại các cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh vẫn đề nghị đơn vị chúng tôi chia sẻ khó khăn này. Bởi hiện tại, nếu không đổ rác tại đây thì chưa biết đem đi đâu”.

Được biết, bãi rác thải này có diện tích 2ha, nằm chính giữa trong một khu vực rộng 12ha của KCN Khai Quang. Ban đầu, đơn vị quán lý cứ tưởng lãnh đạo địa phương cho đổ rác tạm thời, nhưng không ngờ đổ tạm lại thành ra đổ hẳn ở đây. Không những thế, khi bãi rác tạm thứ nhất đã đầy ăm ắp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì lẽ ra chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý triệt để. Nhưng lạ lùng là giới chức năng lại tiếp tục cho ra đời một bãi rác tạm thời khác có diện tích ước chừng 1,2 – 1,5ha nằm trong KCN Khai Quang.

Ông Dương Đức Nam, Trưởng phòng Quản lý Đô thị, UBND TP. Vĩnh Yên cho biết: Bãi rác mới này sẽ có hệ thống xử lý nước thải tốt hơn bãi rác tạm trước đó. Tuy nhiên, với quy mô chỉ trên 1ha thì thời gian đổ rác ngắn và lúc đó chắc chắn áp lực rác lại đè nặng lên đôi vai của những người quản lý.

Ông Cao Đình Thi cho rằng: Từ trước đến nay, đơn vị quản lý KCN Khai Quang xem xét các công ty muốn đầu tư vào KCN rất kỹ càng, sàng lọc cẩn thận. Mục đích của việc này là hạn chế tối đa các công ty hoạt động trong các lĩnh vực gây ô nhiễm hoặc có nhiều tai tiếng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mục đích là thế. Tuy nhiên, sự tồn tại của bãi rác thải trong KCN là chưa hợp lý và chưa đúng với chủ trương của đơn vị quản lý KCN.

Trong lúc đơn vị chức năng đang lạc vào những rối rắm trong vấn đề xử lý rác thải thì người dân địa phương, đặc biệt là những hộ gia đình sống cạnh bãi rác vẫn phải chịu sự tra tấn của ô nhiễm. Có mặt tại khu vực Gò Chai, PV Khoa học & Đời sống được bà Hoàng Thị Thiện dẫn ra sau nhà. Ngoài mùi hôi thối, ruồi muỗi từ bãi rác thì hình ảnh rác thải chất cao hơn mái nhà cả chục mét khiến nhiều người bất bình. Trong khi đó, đơn vị chức năng thì vẫn cứ cho Công ty Môi trường Đô thị Vĩnh Yên tuồn rác về mỗi ngày.

Thay vì thu hút đầu tư, KCN Khai Quang đang phải “oằn mình” ghánh rác.

Bế tắc trong hướng xử lý

Theo ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống, mỗi ngày có hàng chục xe chuyên dụng của Công ty Môi trường Đô thị Vĩnh Yên chở rác về bãi tập kết này. Số lượng rác thải theo báo cáo từ đơn vị quản lý vào khoảng trên 110 tấn mỗi ngày.

Mặc dù phạm vi thu gom và xử lý rác thải  chỉ trong địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ông Cao Đình Thi nghi ngờ các địa phương giáp ranh cũng đem rác về đây đổ. “Thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện một số xe lạ, không phải của công ty môi trường”, ông Thi cho biết.

Một người dân xã Khai Quang bày tỏ rằng, tỉnh Vĩnh Phúc nên có một bãi rác quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho người dân khu vực xung quanh chứ không thể để bãi rác khổng lồ trong thành phố thế này được. Khi mới thành lập bãi rác, cơ quan chức năng thuyết phục người dân rằng, đây chỉ là bãi rác tạm và tỉnh sẽ tìm khu vực khác để xử lý rác. Nhưng gần 10 năm trôi qua mà tỉnh vẫn loay hoay trước thực trạng ô nhiễm.

Nhiều người dân trên địa bàn TP. Vĩnh Yên kể lại. Thực trạng ô nhiễm môi trường đã nóng lên từ cách đây hơn chục năm. Lúc đó, giới chức năng Vĩnh Yên cho đổ rác tại khu vực Núi Bông, cách khu vực Khai Quang không xa lắm. Khi bãi rác này quá tải dẫn đến ô nhiễm mỗi trường khiến nhiều người dân khu vực lân cận chặn xe rác vào bãi. Vì thực trạng ô nhiễm nặng nề, gây ám ảnh cho nhân dân địa phương nên làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về trật tự xã hội.

Thực trạng ô nhiễm khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Người dân phải mua nước bình, tích nước mưa để dùng thay nước giếng

Nhưng đến nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc vẫn “loay hoay”. Ông Dương Đức Nam cho biết: Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Về lâu dài thì có 2 cách. Thứ nhất là phải tìm được khu vực làm bãi xử lý chất thải quy mô lớn. Cách đây ít lâu, tỉnh đã khảo sát khu vực Tam Dương, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Thứ hai là có thể xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, đủ năng lực xử lý hàng trăm tấn rác thải mỗi ngày trên địa bàn. Phương án này khá tốn kém và cần phải huy động được đủ nhà đầu tư để thực hiện dự án. Nếu dự án xây dựng nhà máy thành công thì sẽ chấm dứt áp lực ô nhiễm môi trường từ rác thải hàng ngày. Nhưng đó là giải pháp cho thời gian… nhiều năm sắp tới, chưa thể làm ngay được. Còn trước mắt thì vẫn phải tìm chỗ đổ rác. Và giải pháp lúc này là tiếp xây dựng bãi tạm tại KCN Khai Quang với diện tích trên 1ha. Khi nào đổ đầy thì… tính tiếp.

Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu các phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khai Quang nói riêng và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Để hạn chế ô nhiễm, phía công ty môi trường đã cho xây dựng hệ thống gạn lọc nước rỉ thải, xử lý nước thải tại bãi tạm tiếp theo nằm trong KCN Khai Quang, ông Dương Đức Nam, Trưởng phòng Quản lý Đô thị – UBND TP. Vĩnh Yên cho biết.

An Dương

Theo Đời sống
back to top