Chỉ định thay toàn bộ xương đùi

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ định thay toàn bộ xương đùi thường được cân nhắc thận trọng và thường cho những lựa chọn điều trị khi phải cân nhắc khả năng tháo khớp háng hoặc cắt cụt cao cho bệnh nhân.

Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết, trường hợp nào có thể thay xương đùi? Trường hợp ung thư hay thay khớp háng bị tiêu xương có thể thay xương đùi được không?

Nguyễn Mạnh Phương (Hà Nội)

PGS.TS Trần Trung Dũng, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chỉ định thay toàn bộ xương đùi thường được cân nhắc thận trọng và thường được lựa chọn khi phải tháo khớp háng hoặc cắt cụt chi. 

Đối với bệnh lý u xương, xương đùi thường bị tổn thương nhất, cả u nguyên phát hoặc di căn. Đối với tổn thương u xương đầu dưới xương đùi, một số trường hợp có thể phẫu thuật cắt cụt hoặc giữ lại phần cẳng chân và tạo hình bằng kỹ thuật của van Nes để tạo thuận lợi cho việc sử dụng chân giả. Trong những trường hợp trên, việc thay toàn bộ xương đùi đem lại những lợi ích hơn cho bệnh nhân.

Còn trong các trường hợp phải thay lại khớp, một trong những khó khăn là sự mất thể tích xương đùi do tiêu xương, có thể nhiễm trùng hoặc không. Một số trường hợp, tiêu xương nhiều, việc tạo hình lại xương đùi bằng các phương pháp truyền thống là không khả thi, do đó, cần phải thay toàn bộ xương đùi. Đôi khi việc thay toàn bộ xương đùi đồng thời giải quyết cả những vấn đề của khớp gối hoặc khớp háng lân cận do thường các khớp này cũng xuất hiện các tổn thương thoái hoá.

Một số tổn thương khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng xương đùi, có thể gây gãy bệnh lý hoặc các biến dạng sớm của xương như các tổn thương trong bệnh Paget. Tương tự như các tổn thương thể giả u và tổn thương khớp trong bệnh Hemophilia cũng là những trường hợp được cân nhắc thay xương đùi toàn bộ.

Theo Đời sống
back to top