Hằng ngày cụ vẫn tự giặt giũ và phơi quần áo
Người cao tuổi nhất làng
Cụ Hoàng Thị Thồ, sinh năm 1919, hiện đang sinh sống tại thôn Tràng An, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Cụ Thồ đang ở cùng với người con gái cả là bà Vũ Thị Chung cùng hai chắt ngoại. Tiếp xúc với cụ, pv của KH&ĐS đặc biệt ấn tượng với sự khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần của cụ.
Hiện tại tuổi đã cao, cụ Thồ chỉ nghỉ ngơi an dưỡng để con cháu vui lòng. Cạnh nhà cụ Thồ có đình làng Tràng An là nơi những người cao tuổi gặp gỡ nhau để trò chuyện về cuộc sống gia đình, chuyện làng xóm hay thi thoảng nhắc lại những kỉ niệm thời trẻ. Mỗi chiều, cụ thường đi bộ ra đình làng để trò chuyện với những người cao tuổi và coi đó là niềm vui tuổi già khó lòng từ bỏ.
97 tuổi, cụ Thồ đi lại không cần chống gậy, dáng đi vẫn ngay ngắn, đôi chân vững khỏe. Không chỉ thế, mắt cụ vẫn rất tinh. Mỗi lần từ đình làng trở về, tuy trời đã nhá nhem tối nhưng cụ vẫn tự đi bộ về nhà được vì mắt vẫn còn nhìn rõ đường đi lối lại. Anh Nguyễn Văn Dương, 22 tuổi, chắt ngoại của cụ kể rằng: “Có lần mùa đông trời tối quá, mình ra đình để đón cụ về vì sợ cụ không nhìn thấy đường thì cụ bảo không cần thiết. Hình như làm phật ý cụ, cụ đi về còn nhanh hơn cả mình vì mình cận, cứ phải dò dẫm từng tí một”.
Với sức khỏe tuyệt vời, cụ Thồ vẫn có thể đi lại nhiều nơi thăm con cháu. Cụ kể rằng: “Tháng trước tôi vừa đi thăm cháu ở huyện bên cạnh, ngồi ô tô mà không bị say”. Cứ ngày rằm hàng tháng, cụ đều đi bộ lên chùa làng để thắp hương hoặc đôi khi thời tiết mát mẻ, cụ cùng con gái đi chợ để mua vài thức quà cụ thích. Việc cụ Thồ vẫn đi lại khỏe mạnh khiến cho con cháu cụ rất vui mừng vì cụ vẫn có thể tiếp xúc được với nhiều người, đi chơi đây đó chứ không phải chỉ sống quẩn quanh trong không gian chật hẹp của ngôi nhà.
Hơn thế nữa, cụ Hoàng Thị Thồ còn có trí nhớ rất tốt. Sống gần một thế kỉ, cụ vẫn nhớ được rất nhiều chuyện từ rất lâu rồi. Hồi tưởng về cuộc đời mình, cụ say sưa kể lại một thời trẻ “buôn ngược bán xuôi” khắp các chợ lớn ở Hà Nội. Từ Chúc Sơn, cụ gánh gồng hàng hóa đến các chợ buôn bán mỗi ngày như chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ Hôm,… Mỗi lượt đi 20 – 30km nhưng cụ không phải nghỉ giữa đường nhiều do mỏi chân hay mất sức. Cụ Thồ nói rằng: “Hằng ngày đều đi bộ xa như vậy giúp tôi có đôi chân dẻo dai. Bây giờ tôi vẫn giữ được thói quen đi bộ mỗi ngày là vì thế”.
Ở độ tuổi này, cụ Thồ vẫn giữ được sự vui vẻ và hóm hỉnh khi trò chuyện với mọi người. Hai chắt sống cùng cụ (Nguyễn Văn Dương và Nguyễn Văn Dũng) luôn được cụ kể cho nghe những câu chuyện cười thú vị. Điều đó khiến cho không khí gia đình cụ luôn vui vẻ và ấm áp. Bà Chung, con gái của cụ tâm sự: “Mẹ tôi vốn thích truyện cười, bà hay kể những chuyện vui vui cho hai cháu nghe. Chúng nó quấn quýt với cụ từ nhỏ nên lúc lớn đã chuyển qua đây sống cùng hai cụ và bà ngoại”.
Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Sức khỏe của cụ Thồ có được khiến cho nhiều người dân quanh vùng ngưỡng mộ. Giữ được một sức khỏe như vậy là nhờ sự rèn luyện của cụ trong nhiều năm liền. Ngoài một thời trẻ trung luyện tập đôi chân dẻo dai trên những chuyến buôn bán gần xa, khi bắt đầu về già, cụ Thồ còn luyện tập thể dục mỗi ngày. “Trước kia, tôi và các cụ trong làng thường ra sân đình tập thể dục vào buổi sáng. Chúng tôi tập luyện theo một cụ đã được học về những bài tập dưỡng sinh” – cụ Thồ kể lại.
Mỗi năm, cụ Thồ đều đi khám sức khỏe theo đinh kì. Các bác sĩ đều rất ngạc nhiên vì cụ không hề mắc bệnh trong người và mắt cụ rất tinh tường. Vì thế, cụ chưa từng phải nằm viện hay phải làm bạn với các loại thuốc như những cụ già khác trong độ tuổi này.
Từ hồi 90 tuổi, cụ Thồ ngừng tập luyện vì sức khỏe có giảm sút đôi chút. Nhưng ngày nào cụ cũng vận động chân tay, đi lại đây đó để giữ được tinh thần thoải mái và giúp cho các cơ không mỏi mệt. Hiện nay, cụ vẫn tự mình tắm và giặt quần áo mỗi ngày và không cần phiền hà đến con cháu.
Hơn hết, cụ đã xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đặc biệt. Cụ ăn ít cơm để tránh mắc bệnh tiểu đường. Mỗi ngày cụ đều ăn ba bữa vào những khung giờ nhất định để đảm bảo nhịp sinh hoạt điều độ. Sáng thức dậy, sau khi đánh răng rửa mặt, cụ Thồ sẽ uống ngũ cốc dinh dưỡng vào khoảng 7 giờ 30 phút. Cụ bảo rằng: “Tôi bằng này tuổi rồi, cũng không làm việc gì cả nên bữa sáng chỉ cần một cốc ngũ cốc là đủ no. Ăn no quá cũng không tốt, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu”. 11 giờ trưa, cụ ăn bữa trưa cùng gia đình: Cụ ăn cơm, rau, thịt, mỗi thứ một chút kèm thêm hoa quả. Thỉnh thoảng, cụ sẽ uống một hai ly rượu thuốc để bữa ăn hấp dẫn hơn. Bữa tối của cụ thường ăn vào lúc 19 giờ, sau khi cụ đi chơi ngoài đình làng về. Cụ thường uống sữa tươi, ăn một chút cơm hoặc có hôm cụ ăn bánh (bánh bao, bánh giò…). Bữa tối cụ ăn khá ít rồi sau đó cụ đi nghỉ sớm vào lúc 20 -21 giờ.
Ngũ cốc và sữa cụ thường tự chọn theo ý thích của mình. Cứ một hoặc hai tuần, cụ lại cùng chắt ra siêu thị gần nhà để mua đồ. Đôi lúc, cụ thay sữa bằng nước trái cây hoặc nước ngọt. Cụ thường xem quảng cáo trên tivi nên đều thử để biết mùi vị các loại nước uống được quảng cáo như thế nào. Tuy nhiên, biết rằng các loại nước ngọt không tốt cho sức khỏe nên cụ chỉ thử một chút. Ngoài sữa tươi, cụ thích uống các loại nước ép trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Với chế độ ăn đều đặn như vậy, con gái cụ Thồ rất vui vì mẹ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn của cụ mỗi ngày phù hợp với cơ thể cụ, giúp cụ khỏe khoắn và minh mẫn. Cụ rất tự giác trong việc ăn uống, vừa đúng giờ, vừa đầy đủ khiến cho mọi người trong nhà không phải lo lắng hay nhắc nhở thường xuyên.
Sống gần một thế kỉ, cụ chưa bao giờ phải đi viện vì đau ốm. Đây là điều khiến cho gia đình cụ rất vui, còn bản thân cụ rất tự hào về sự khỏe mạnh của mình. Gương mặt luôn tươi tắn của cụ khi trò chuyện với mọi người là minh chứng rõ ràng cho sự khỏe mạnh cả về thân thể và tinh thần.
Theo Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Việt Nam: Người già cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tốt nhất là ăn ít thịt, nhiều rau, ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa. Chế độ dinh dưỡng của cụ Thồ là khá hợp lý, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cụ có cuộc sống tốt hơn, kéo dài tuổi thọ. Việc hình thành nếp sinh hoạt điều độ như vậy không phải dễ, do đó, cụ nên tiếp tục duy trì, đồng thời, cụ cũng nên giữ tinh thần thoải mái để cuộc sống thêm phần viên mãn.
Song Dương