Chán không buồn kiêng

(khoahocdoisong.vn) - Người mắc bệnh tiểu đường cần được theo dõi, điều trị bằng thuốc thường xuyên tại bệnh viện, bên cạnh đó cần thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục để không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn ngăn ngừa các biến chứng, nhất là biến chứng tim mạch.

Ông Nguyễn Thể Thao (Bắc Ninh) bị tiểu đường týp 2 đã 3 năm nay. Ông  Thao không muốn dùng thuốc Tây nên quyết tâm ăn kiêng, luyện tập, dùng thêm thuốc Đông y nhưng không đều, có thời gian quên uống. Gần đây ông thấy đường huyết cao, người mệt mỏi, tiểu nhiều, khát nhiều, chán chường, ông không buồn kiêng khem nữa (!).

Lời bàn: Lương y Thu Hằng (Phùng Khoang, Hà Nội) cho biết, người mắc bệnh tiểu đường cần được theo dõi, điều trị bằng thuốc thường xuyên tại bệnh viện, bên cạnh đó cần thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục để không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn ngăn ngừa các biến chứng, nhất là biến chứng tim mạch. Đông y điều trị tiểu đường căn cứ vào từng thể bệnh để có thuốc điều trị. Ví dụ, thể táo nhiệt biểu hiện với các triệu chứng uống nhiều, ăn nhiều nhưng tiểu nhiều, họng khô, lưỡi đỏ; Thể tỳ hư đàm trệ với các triệu chứng béo ứ trệ, ăn kém, trướng bụng, lưỡi bệu, chân tay rã rời… mỗi thể có một bài thuốc riêng. Thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết nhưng không thể thay thế được thuốc điều trị đái tháo đường hàng ngày. Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, điều trị kết hợp vì vậy người bệnh nên đi khám để lấy thêm thuốc dùng theo đơn, đồng thời vẫn phải kiêng khem và duy trì luyện tập.

Theo KH&ĐS
back to top