Tổn thường đường tiêu hóa trên: Bệnh lý thần kinh đường tiêu hóa thường là những triệu chứng không đặc hiệu. Rối loạn vận động thực quản gây ra khó nuốt, khó chịu sau xương ức, ợ nóng. Chứng liệt dạ dày là nguyên nhân của các chứng chán ăn, buồn nôn, nôn, gây chán ăn và khó tiêu. Chậm hấp thu gây khó khăn trong việc kiểm tra glucose máu dễ gây ra tăng hoặc giảm glucose máu. Khi đã có triệu chứng tổn thương đường tiêu hóa trên, người ta khuyên dùng thức ăn dạng lỏng, thức ăn có tỷ lệ chất xơ cao nên tránh vì chúng chậm làm rỗng dạ dày và có thể tạo ra các dị vật trong dạ dày.
Liệt dạ dày: Đây là dạng bệnh lý xảy ra khi dây thần kinh điều khiển dạ dày bị tổn thương, dẫn đến thực phẩm chậm rời khỏi dạ dày. Tổn thương thần kinh có thể xảy ra theo thời gian do tác động của đường trong máu tăng cao kéo dài ở bệnh nhân ĐTĐ. Chậm tiêu hóa làm cho việc điều trị ĐTĐ trở nên khó khăn hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng của liệt dạ dày gồm: Ợ nóng, buồn nôn, ói ra thức ăn không tiêu; cảm giác mau no khi ăn, sụt cân, bụng đầy hơi, lượng đường trong máu lên xuống thất thường, ăn không ngon miệng, gây trào ngược dạ dày thực quản, co thắt của thành dạ dày. Những triệu chứng này có thể là nhẹ hay nặng, phụ thuộc vào mỗi người.
Biến chứng: Liệt dạ dày làm cho bệnh ĐTĐ trở nên xấu hơn vì nó gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Khi thức ăn đã bị trì hoãn trong dạ dày vào đến ruột non và được hấp thụ, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Nếu thức ăn ở lại quá lâu trong dạ dày có thể khiến vi khuẩn phát triển quá mức vì thức ăn đã lên men. Ngoài ra, các thực phẩm có thể đông cứng lại thành khối rắn gọi là bezoar, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa và tắc nghẽn trong dạ dày. Bezoar có thể nguy hiểm nếu gây tắc nghẽn sự thông thương từ dạ dày vào ruột non.
Khi xác định chẩn đoán liệt dạ dày này phải loại bỏ các bất thường ở đường hô hấp trên. Các thăm dò dạ dày lúc đói nên được tiến hành để xác định chẩn đoán. Cần lưu ý là bản thân sự tăng glucose máu cũng có thể làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, bởi vậy khi tiến hành các test thăm dò phải theo dõi glucose máu.
Rối loạn đại tiện: Rối loạn này thường làm mất khả năng tự chủ ở người bệnh ĐTĐ, đặc biệt là sau bữa ăn tối. Ở người ĐTĐ có xu hướng xen kẽ giữa các đợt tiêu chảy và táo bón. Táo bón ở người ĐTĐ thường gặp với tỷ lệ 60%.
Các thuốc làm nhão phân, nhuận tràng, thuốc tẩy dùng có hiệu quả tốt. Ngoài ra, người ta cũng dùng các đối kháng với dopamin. Tiêu chảy ĐTĐ thường xảy ra vào ban đêm, thay thế cho giai đoạn táo bón. Các thuốc hay dùng để can thiệp là: Diphenoxylat, loperamid và clonidin, một số người bệnh điều trị kết quả với tetraxyclin. Thực tế nhiều người bệnh ĐTĐ tiêu chảy còn là do rối loạn khuẩn trong trường hợp này phải dùng các thuốc điều trị loạn khuẩn mới có kết quả.
Các tổn thương đường tiêu hóa dưới cần được thăm dò để các định các yếu tố tham gia, mức độ tổn thương để có thái độ can thiệp thiệp kịp thời. Điều trị can thiệp thường dùng là kháng sinh phổ rộng.
PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)