Bé gái 11 tháng tuổi bị sốc mất nước, nguy kịch do... tiêu chảy cấp

Sốc mất nước do tiêu chảy và nôn ói là biến chứng nặng, có thể gây tổn thương đa cơ quan và thậm chí dẫn đến nguy hiểm tính mạng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

Mới đây, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An đã cấp cứu thành công một trường hợp nguy kịch của bé gái 11 tháng tuổi do sốc mất nước nghiêm trọng từ đường tiêu hóa.

Bé L.N.K.N. 11 tháng tuổi, (ngụ Long An) nhập viện trong tình trạng lừ đừ, môi khô tái, thở nhanh và sâu, tay chân lạnh, mạch bắt nhẹ. Đặc biệt, nhịp tim đập nhanh lên đến 220 lần/phút, trong khi nhịp tim bình thường ở trẻ cùng độ tuổi chỉ khoảng 88 - 156 lần/phút.

Mẹ bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện 2 ngày, bé xuất hiện tình trạng sốt cao, tiêu chảy nhiều lần và kèm theo nôn ói.

Các bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhi được chẩn đoán bị sốc giảm thể tích, nhiễm trùng đường ruột và nhiễm toan chuyển hóa.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi sau khi điều trị tích cực. Ảnh BVCC

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi sau khi điều trị tích cực. Ảnh BVCC

Sau 2 giờ điều trị tích cực, với tổng lượng dịch truyền khoảng 800 ml, tình trạng của trẻ được kiểm soát, thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau 9 ngày điều trị kháng sinh tại bệnh viện, bé gái đã dần ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt và được xuất viện.

BSCK II Thạch Bình Minh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, tiêu chảy cấp và nhiễm trùng đường ruột là những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan vì các biến chứng của nó rất nguy hiểm.

Sốc mất nước do tiêu chảy và nôn ói là biến chứng nặng, có thể gây tổn thương đa cơ quan và thậm chí dẫn đến nguy hiểm tính mạng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp và tình trạng mất nước nghiêm trọng ở trẻ em.

Trong trường hợp trẻ có triệu chứng như tiêu chảy liên tục, nôn ói nhiều lần kèm sốt cao, phụ huynh cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Việc trì hoãn có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột

Ăn chín, uống sôi: Đảm bảo thực phẩm được nấu chín kỹ và nước uống được đun sôi để diệt khuẩn.

Vệ sinh dụng cụ ăn uống: Các dụng cụ ăn uống như bát đĩa, muỗng đũa phải được rửa sạch sẽ trước và sau khi sử dụng để tránh nhiễm khuẩn chéo.

Rửa tay sạch sẽ: Trẻ em cần được hướng dẫn và thực hành việc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tiếp xúc với thực phẩm. Người chăm sóc cũng cần rửa tay sạch sẽ khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.

Vệ sinh môi trường sống: Đảm bảo khu vực xung quanh trẻ, đặc biệt là nơi trẻ chơi và sinh hoạt hằng ngày, luôn sạch sẽ để tránh vi khuẩn gây bệnh.

Theo Đời sống
Con buồn bã đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ

Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ

Trẻ bị trầm cảm không chỉ ảnh hướng đến tâm trạng mà còn tác động đến sức khỏe thể chất, chất lượng cuộc sống, học tập và các mối quan hệ xã hội. Các triệu chứng trầm cảm của trẻ em và người lớn không có nhiều khác biệt.
back to top