Cách theo dõi để tránh biến chứng do tiểu đường

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) gây nhiều biến chứng đến bàn chân, tim mạch, mắt... nên phải biết cách kiểm tra định kỳ để can thiệp kịp thời, mang lại hiệu quả tích cực.

Người thầy thuốc lâm sàng dù có kinh nghiệm đến bao nhiêu đi nữa cũng không thể dùng kinh nghiệm để thay thế các chẩn đoán, nhất là các biến chứng thường chỉ phát hiện được nhờ các thăm dò bằng phương tiện kỹ thuật cao. Bệnh càng được phát hiện sớm các tổn thương, can thiệp kịp thời càng đem lại hiệu quả tích cực, chi phí sẽ được tiết kiệm.

Đây cũng chính là phương pháp phòng bệnh tích cực – phòng các biến chứng. Ngược lại, người bệnh càng có biến chứng nhiều, biến chứng nặng, chi phí cho việc thăm dò càng tốn kém nhưng hiệu quả can thiệp lại hạn chế.

Định kỳ về sinh hóa: Để điều chỉnh các chỉ số glucose máu, lipit, đông máu cho cả người ĐTĐ týp 1 và týp 2. Các xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, creatinin, ure huyết tương khi mới bị bệnh cần kiểm tra mỗi tháng 1 lần. Khi đã ổn định có thể 3 tháng 1 lần. Trong những trường hợp đặc biệt (mắc một bệnh cấp tính hoặc phải phẫu thuật...) có thể định lượng glucose máu trước và sau ăn hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Các thăm dò về chức năng gan nên được tiến hành trước và sau một thời gian sử dụng thuốc mới. HbA1c là chỉ số đánh giá kết quả quản lý lượng glucose máu trung thành nhất buộc phải làm 3 tháng/lần, nếu không có điều kiện thì 6 tháng/lần. Microalbumin niệu phải được thăm dò ngay khi mới phát hiện bệnh (với người ĐTĐ týp 2) và thường sau 3 - 5 năm (với người ĐTĐ týp 1), sau đó hằng năm phải kiểm tra lại theo chỉ định của bác sĩ. Các chỉ số về lipit máu thường 3 – 6 tháng/lần. Độ ngưng tập tiểu cầu được theo dõi khi có chỉ định dùng các thuốc như aspirin, asperic và các thuốc chống đông máu khác, thường 3 tháng/lần.

Khám bàn chân: Khám lâm sàng (sử dụng dụng cụ) nên tiến hành lần khám đầu tiên sau đó 3 - 6 tháng/lần để đánh giá tình trạng chung như nhiệt độ, tình trạng mạch máu, tình trạng thần kinh cảm giác, thần kinh vận động. Sử dụng các thiết bị thăm dò khác để đánh giá tình trạng mạch máu và thần kinh khi có dấu hiệu bất thường trong khám lâm sàng và định kỳ 1 năm/lần.

Đáy mắt: Người ĐTĐ týp 1 thường có biến chứng mắt sau 5 năm bệnh được phát hiện, còn người ĐTĐ týp 2 thì thường có ngay tại thời điểm phát hiện. Hơn nữa, khám đáy mắt tùy theo mức độ bệnh. Trường hợp chưa có biến chứng võng mạc: Khám lâm sàng 6 tháng/lần với người được phát hiện bệnh dưới 5 năm; 3 tháng/lần với người từ 3 năm trở lên; Chụp đáy mắt thường từ 6 - 12 tháng/lần tùy theo mức độ tổn thương lâm sàng.

Tim mạch: Tùy theo tình trạng người bệnh có thể phải làm bất kỳ lúc nào nếu người thầy thuốc thấy cần. Điện tim thường 3 tháng/lần. Trường hợp cần thiết phải chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức nhất là những đối tượng có nhiều nguy cơ. Theo dõi huyết áp phải làm thường xuyên.

Ngoài ra, chụp X-quang tim phổi 6 tháng/lần cùng các xét nghiệm công thức máu, tốc độ lắng máu. Kiểm tra, đánh giá tài liệu, theo dõi chế độ ăn uống, chế độ luyện tập, đo chỉ số khối cơ thể thường 6 tháng/lần.

PGS.TS Tạ Văn Bình (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Theo KH&ĐS
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top