Cây thuốc, vị thuốc tên “trâu”

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2021 theo Âm lịch là năm Tân Sửu, tức là năm con trâu. Trâu tiếng Hán còn gọi là Ngưu.  Nhân năm Sửu  xin kể các cây thuốc, vị thuốc tên trâu, ngưu, sửu dùng để chữa bệnh.

Cây thuốc tên trâu

Cây chân trâu, tên khác móng bò tai voi. Tên khoa học: Bauhinia malabarica Roxb. Họ Đậu là loại cây gỗ cao đến 15m. Lá có cuống dài 2-4cm, phiến lá gần tròn chia thùy nông giống bàn chân trâu. Cụm hoa hình chùm ngắn có hoa đực và hoa cái, cánh hoa màu trắng. Lá non có vị chua làm rau ăn sống. Hoa làm thuốc trị lỵ pha như pha trà. 

Cây mắt trâu, tên khác đồng tiền lông, vẩy rồng, kim tiền thảo. Tên khoa học: Desmodium Styracifolium (Osb) Merr. Họ Đậu. Là loại cỏ mọc bò, sau đứng thẳng cao 30-50cm. Ngọn non dẹt có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le, phiến lá hơi tròn gốc là hình tim, đầu tù hay hơi lõm, mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung. Quả đậu hơi cong có 3 hạt, hạt có lông.  Mùa hoa quả tháng 3-5. Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất, thu hái vào mùa hạ, làm sạch tạp chất, phơi khô. Công dụng: Chữa các bệnh sỏi đường tiết niệu, sỏi mật. Viêm gan vàng da. Viêm thận, phù thũng.  Liều dùng: 15-30g/ngày. Dạng thuốc sắc.

Cây móng trâu: Tên khác: Cốt cắn, củ khát nước. Tên khoa học: Nephrolepis cordifolia (L.) Presl. Họ Vảy lợp. Cây không có thân, lá vươn cao 20-40cm. Thân rễ ngắn thường mọc đứng, Rễ  mọc bò mang nhiều củ hình trứng, vỏ màu vàng, ruột chứa nhiều nước. Ở nước ta cây Móng trâu thường mọc tập trung ở vùng núi đá vôi hoặc xen với các cây cỏ khác ở ven đường. Bộ phận dùng: Thân rễ và toàn cây. Công dụng: Củ  tươi ăn đỡ khát. Chữa ỉa lỏng: Giã nhỏ 12 củ tươi đun sôi với 50ml nước, bỏ bã, lấy nước uống. Chữa thổ huyết: Thân rễ Móng trâu 30g, sắc nước uống.

Cây muồng trâu, tên khác: Muồng lác. Tên khoa học: Cassia alata L. Họ Vang. Cây nhỏ cao khoảng 1,5m. Lá mọc so le, kép lông chim gồm 8-12 đôi lá chét. Hoa màu vàng. Quả dẹt có cánh ở 2 bên dìa, hạt nhiều, dẹt. Bộ phận dùng: Lá và thân cành thu hái vào mùa hạ, trước khi cây ra hoa. Công dụng: Làm thuốc chữa táo bón, đau gan, vàng da (lá, cành sắc uống thường xuyên như chè. Nhuận tràng  4-12g sắc uống. Tẩy: 20-40g sắc uống. Chú ý: Thận trọng với phụ nữ mang thai.

Cây mức trâu, tên khác cây hạnh phúc, ớt làn lá to. Tên khoa học: Paravallaris macrophylla Piere. Họ Trúc đào. Cây nhỏ cao 2-4m thân, cành nhẵn. Lá to mọc đối, phiến lá hình bầu dục, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, 2 mặt nhẵn. Quả đôi gồm 2 đại dẹt, chẽ ngang, dài 8- 18cm. Hạt có chùm lông rất dài. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Bộ phận dùng: Thân cây và nhựa mủ. Theo kinh nghiệm dân gian, thân cây mức trâu làm thuốc kiên tinh, bổ thận, lợi sữa. Nhựa cây dùng cầm máu khi bị đỉa cắn

Cây sừng trâu, tên khác: Mức hoa trắng, Thừng mực lá to. Tên khoa học: Holarrhena  antidysenterica  (Roxb. ex  Flem.) A.DC. Họ Trúc đào. Đa số là cây nhỡ, đặc biệt có cây cao to đến 15m đường kính thân tới 40cm. Lá mọc đối cuống rất ngắn, hình bầu dục, 2 mặt có màu xanh lục nhạt, mặt dưới có lông mịn. Hoa màu trắng rất thơm (nên được trồng làm cây cảnh). Bộ phận dùng: Vỏ thân, hạt, chữa lỵ amip và tiêu chảy.  Liều người lớn: 10g vỏ thân/ngày hoặc bột hạt  3-6g/ngày

Cây trâu cổ, tên khác: Bị lệ, cây sộp, vảy ốc, vương bất lưu hành. Tên khoa học: Ficus pumila L., Họ Dâu tằm. Là dây leo, mọc bám nhờ rễ phụ. Quả phức hình chóp ngược, đầu bằng đường kính 4- 4,5cm màu xanh, cùi nạc và xốp khi chín màu tím nâu. Mùa hoa quả tháng 5-10. Thân cành lá chữa phong thấp, đau nhức chân tay... Liều 10-15g khô/ ngày. Quả làm thuốc bổ thận, tráng dương, cố tinh, chữa liệt dương, yếu sinh lý. Liều 10-15g/ngày. Thực nghiệm trên chuột polysaccharid của quả trâu cổ có tác dụng ức chế nhiều loại ung thư, tăng số lượng bạch cầu, tăng số lượng tế bào sinh kháng thể.

Dây vú trâu, tên khác dất mèo, mao quả đài to. Tên khoa học Dasymaschalon macrocalyx  Finet et Gagnep, họ Na. Cây bụi cao 1-2m, cành mảnh mọc trườn. Thân khi non có lông mềm màu trắng, khi già thì nhẵn. Cuống lá có lông, phiến lá thuôn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Quả dạng tràng hạt, có lông trắng, chứa 1-3 hạt màu vàng bóng. Thân cây, nấu nước đặc để tắm chữa  đau lưng, đau khớp.

Vị thuốc tên ngưu

Ngưu bàng tử, tên khoa học: Arctium lappa L. Họ Cúc. Cây thảo sống 2 năm hoặc nhiều năm, cao khoảng 1m. Quả chín làm sạch rồi phơi sấy khô gọi là ngưu bàng tử, có hoạt tính kháng khuẩn cao nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa nhiễm khuẩn. Người tỳ vị hư hàn, ăn uống chậm tiêu không dùng.

Ngưu căn thảo, tên khác cỏ mần trầu, thanh tâm thảo. Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn.f.  Họ: Lúa. Là loại cỏ sống hàng năm, mọc xum xuê thành cụm. Cụm hoa mọc trên 1 cán dài ở ngọn thân gồm 5-7 bông xếp tỏa tròn. Mùa hoa quả tháng 5-7. Cả cây, thu hái quanh năm, bỏ rễ, rửa sạch. Dùng tươi hoặc khô chữa cảm nắng, sốt nóng, lợi tiểu, nhuận gan, giải độc. Chữa huyết áp cao, ngày dùng 80-120g dạng thuốc sắc.

Ngưu tất Nam, tên khác cỏ xước. Tên khoa học: Achyranthes aspera L., họ rau dền. Cây thảo cao khoảng 1m thân cứng phình lên ở những mấu. Lá mọc đối (hơi giống ngưu tất Bắc), quả nang nhọn thành gai dễ dính vào quần khi đụng phải. Rễ làm sạch, phơi sấy khô chữa các bệnh phong tê thấp, nhức xương, viêm khớp, chân tay co quắp, đái buốt, đái rắt, trục thai lưu. Ngày dùng 12-40g phối hợp với các vị thuốc khác. Kiêng dùng: Người có thai, di tinh, tiêu chảy.

Ngưu tất Bắc: Tên khác: Hoài ngưu tất. Tên khoa học: Achyranthes bidentata  Blume. Họ Rau dền. Rễ củ hình trụ dài thu hái khi cây tàn lụi. Công dụng: là thuốc đầu vị chữa nhiều bệnh, mỗi loại bệnh phối hợp với những vị thuốc khác nhau. Tác dụng chống viêm mạnh hơn ngưu tất Nam 4 lần. Tác dụng ức chế miễn dịch mạnh hơn 8 lần.

Ngưu thiệt, tên khác chút chít, lưỡi bò, dương đề. Tên khoa học: Rumex chinensis Campd. Họ Rau răm. Cây thảo cao 30-50cm, rễ mập dài màu nâu. Lá mọc so le, lá phía gốc to, lá phía trên nhỏ và dài. Bộ phận dùng: Rễ già của cây 2 năm, rửa sạch, thái lát 1cm, phơi sấy khô làm thuốc nhuận tràng hay tẩy chữa táo bón, bí đại tiện. Lá tươi giã nát, bôi chữa hắc lào.

Ngưu hoàng: Ngưu hoàng là sạn mật của trâu, bò (còn gọi là ngưu hoàng thiên nhiên). Khi mổ trâu bò, người ta lấy túi mật kiểm tra ngay, nếu thấy có cục cứng phải rạch ngay túi mật, lọc qua rây rồi rửa bằng rượu, xong bọc kín, phơi râm đến khô sẽ được ngưu hoàng (nếu để lâu dịch mật ngấm vào làm ngưu hoàng đen, giảm chất lượng). Công dụng: Chữa hôn mê co giật do sốt cao, động kinh…. Kiêng kỵ: phụ nữ có thai (gây sẩy thai).

 Vị thuốc tên Sửu

Bạch sửu, tên khác bìm bìm biếc, khiên ngưu, Tên khoa học: Pharbitis nil (L) Choisy, họ Bìm bìm. Là dây leo bằng thân quấn, thân cành mảnh. Lá mọc so le, cuống dài, phiến lá chia 3 thùy. Cụm hoa ở kẽ lá, hoa to tràng hình phễu màu hồng tím hoặc lam nhạt. Quả nang nhỏ hình cầu nhẵn, có 2-4 hạt. Hạt màu vàng, có lông mềm. Bộ phận dùng: Hạt khô gọi là bạch khiên ngưu tử thông đại tiểu tiện, thông mật. Chữa trướng bụng do xơ gan hoặc viêm thận mãn tính, phù do viêm thận, giun đũa, giun móc, làm mịn da mặt. Kiêng kỵ: người cơ thể hư nhược, phụ nữ mang thai.

Hắc sửu: Tên khoa học, hình dáng cành, lá  hoa  hạt, bộ phận dùng, công dụng, kiêng kỵ giống Bạch sửu. Chỗ khác bạch sửu là hạt màu đen gọi là hắc khiên ngưu tử

Dược sĩ cao cấp Trần Xuân Thuyết

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top