Cây thuốc tên Chuột

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều cây thuốc mang tên chuột được dùng làm thuốc chữa bệnh, cây cảnh, bả diệt chuột rất hữu hiệu mà nhiều người chưa biết.

Bả chuột: Cây còn có tên gọi khác là: Lan củ chén, Bào trục. Tên khoa học Thecostele alata (Roxb) Parish et Rchb, họ Lan (Orchidaceae). Cây mọc bám trên thân cây gỗ ở núi cao 800m đến 1500m. Cây có hoa đẹp nên ngày nay được nhân giống và bày bán với tên Lan củ chén (ảnh hoa Lan củ chén). Cây có độc chỉ làm bả diệt chuột.

Cây Chóc chuột

Cây Chóc chuột

Chóc chuột: Tên gọi khác: Bán hạ nam, Nam tinh, Củ chóc. Tên khoa học: Typhonium triobatum (L) Schott,  họ Ráy (Araceae). Chóc chuột thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, cao 20- 30cm. Thân củ hình cầu, lá mọc từ củ, cuống dài phần gốc loe ra thành bẹ, phiến lá chia 3 thùy. Cụm hoa là bông mo, mặt ngoài màu lục nhạt mặt trong màu đỏ hồng. Bộ phận dùng làm thuốc: Thân củ thu hoạch tháng 7-12,  rửa sạch, đồ chín, phơi sấy khô. Công dụng: Chống nôn mửa cho người viêm dạ dày mạn tính, cho phụ nữ có thai. Chữa ho có đờm, ho lâu ngày, hen suyễn. Liều dùng: 3-10g mỗi ngày.

Cây dó chuột

Cây dó chuột

Dó chuột: Tên gọi khác: Cam toại nam, Liễu ca nương, Niệt gió …Tên khoa học:Wikstroemia  viridiflora Meissn, họ Trầm gió (Thymeleaceae). Dó chuột là cây bụi mọc sum suê cao 50-80cm. Thân cành nhẵn màu lục nhạt sau chuyển thành màu đỏ hay đen. Lá mọc đối hình trái xoan thuôn, đầu hơi nhọn, dài 2-4cm, rộng 1-2cm. Cây có khả năng tái sinh mạnh nên thân cành tuy nhỏ nhưng gốc rất lớn. Trong những cây cổ thụ có khi tìm thấy trầm hương. Bộ phận dùng làm thuốc: Lá tươi (thu hái quanh năm). Công dụng: Làm thuốc đắp trên mụn nhọt cho chóng mưng và mau vỡ mủ, (sau khi đắp thuốc chỉ 3-4 giờ là vỡ mủ). Làm bả chuột: Giã lá tươi trộn cơm để chỗ chuột hay đến.

Chú ý: Cây có chất độc nên khi dùng phải rất thận trọng, không để dịch lá dính vào đồ dùng và thức ăn.  Súc vật ăn phải sẽ chết.

Cây dưa chuột

Cây dưa chuột

Dưa chuột: Tên gọi khác: Dưa leo, Hồ qua. Tên khoa học: Cucumis sativus L., họ bầu bí (Cucurbitaceae). Dưa chuột là cây dây leo, sống hàng năm. Quả thịt hình trụ dài có nhiều u lồi. Ở Việt Nam hiện nay có 3-4 giống được trồng phổ biến ở mọi miền, nên quanh năm có quả dưa chuột. Bộ phận dùng: Quả non và quả bánh tẻ. Công dụng: là món ăn mát và giải nhiệt (cần lưu ý: quả dưa chuột tính lạnh, hơi có độc, không nên dùng nhiều. Trong hạt của quả chín có chất độc hypoxanthin). Người da lạnh thận hư không ăn dưa chuột. Dùng ngoài da: Cắt quả dưa chuột thành lát mỏng đắp lên da mặt để chữa tàn nhang,  da mẩn đỏ,  da có nhiều vết nhăn, xù xì. Sát vào môi để trị nẻ môi.

Cây đuôi chuột

Cây đuôi chuột

Đuôi chuột: Tên gọi khác: Giả mã tiên, Hải tiên, Mạch lạc. Tên khoa học Stachytarpheta jamaicensis (L) Vahl, họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Đuôi chuột là cây thảo, sống hàng năm, cao 1m.  Cành non gần vuông phủ lông thưa. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông mảnh dài 10-30cm (trông như đuôi con chuột). Bộ phận dùng: toàn cây (thu hái quanh năm), rửa sạch, cắt ngắn, phơi khô. Công dụng: Chữa đái buốt, viêm đường tiết niệu...: Sắc nước 20-30g cây khô uống trong ngày (đến khi khỏi bệnh)  Giúp hạ đường huyết (hỗ trợ trị tiểu đường typ 2) hãm nước 30g lá khô uống hàng ngày. Cây tươi giã đắp trị viêm da, ung nhọt, chấn thương. Lá tươi nhai nuốt nước trị viêm họng.

Cây lưỡi mèo tai chuột

Cây lưỡi mèo tai chuột

 Lưỡi mèo tai chuột: Tên gọi khác: Ráng tai chuột. Tên khoa học: Pyrrosia lanceolata (L) Farw, họ Ráng (Polypodiaceae). Lưỡi mèo tai chuột có 2 loại lá: Lá không sinh sản màu xanh lục có hình như tai chuột. Lá sinh sản có túi bào tử màu nâu ở mặt dưới lá, lá hình dải trông như lưỡi mèo. Cây bám trên vách đá, tường nhà, mái ngói cũ, cây to. Bộ phận dùng: Toàn cây rửa sạch, phơi khô trong râm, sao khô -Công dụng: Sắc nước uống chữa trẻ em suy dinh dưỡng, bụng ỏng, ỉa phân xanh.

Sầu đâu cứt chuột: Tên khác: Nha đảm tử, khổ luyện tử, xoan rừng. Tên khoa học: Brucea javanica (L) Merr, họ Thanh thất (Simaroubaceae). Sầu đâu cứt chuột là dạng cây nhỏ, mọc thành bụi, cao 1-2m,  thân mềm khi non có lông sau nhẵn và có màu nâu nhạt. Quả hạch hình bầu dục khi chín màu đen, vị rất đắng. Ở Việt Nam sầu đâu cứt chuột mọc nhiều nhất ở các tỉnh ven biển và các đảo từ Quảng Ninh đến  Đồng Nai. Bộ phận dùng: Quả chín, bỏ vỏ, phơi sấy khô. Công dụng: Chữa lỵ amip. Dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Liều dùng 4-6g chia làm 3 lần uống trong ngày. Kiêng ky: Suy nhược toàn thân, tỳ vị hư hàn,  phụ nữ mang thai  hoặc đang cho con bú, trẻ em. Chú ý: Sầu đâu cứt chuột có độc, uống quá liều có thể gây nôn mửa, đau bụng.

Cây tai chuột

Cây tai chuột

Tai chuột: Tên khác: Dây mộc tiền, dây hạt bí, qua tử kim. Tên khoa học: Dischidia acuminata  Cost, họ thiên lý (Asclepiadaceae). Tai chuột là cây nhỏ, dây leo bằng thân cuốn, rễ bám  trên vỏ các cây to.  Lá mọc đối dày mọng nước  hình mác thuôn trông giống tai chuột. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô sao vàng. Công dụng: chữa viêm đường tiết niệu: đái đục, đái buốt (30g cây tươi sắc nước uống).

DS Trần Xuân Thuyết (nguyên cán bộ Cty dược phẩm T.Ư 1)

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top