Canh đầu cá bổ thần kinh

(khoahocdoisong.vn) - Đầu cá nấu canh không chỉ vì giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng trị nhiều bệnh: phục hồi trí nhớ, chữa đau đầu, chóng mặt, viêm mũi dị ứng...

Theo Tây y, cá có đạm dễ tiêu hóa với nhiều axit amin quý, chất béo omega-3, omega-6, các vitamin, chất khoáng, canxi, photpho, kẽm, pyroglutamat... là những chất rất cần cho phát triển trí não, cho hoạt động dẫn truyền tín hiệu thần kinh, tăng trí nhớ.

Theo Đông y, đầu cá là loại thức ăn và thuốc bổ âm, được dùng nhiều vì tính kinh tế và giá trị dinh dưỡng đối với não. Đặc biệt, sĩ tử mùa thi rất cần ăn món canh đầu cá để bồi dưỡng sức khỏe toàn thân và não bộ.

Đông y chia canh đầu cá thành hai loại: Thanh chưn” là canh chỉ có đầu cá với ít gia vị; còn canh thuốc thì có thêm một số vị thuốc được kê tùy theo bệnh. Thanh chưng vẫn được ưa chuộng hơn vì bảo tồn mùi vị thức ăn ngon thơm mà vẫn phát huy hiệu lực phòng chữa bệnh. Chỉ nên phối hợp dược liệu khi thật cần thiết để tập trung chữa bệnh là chính.

Khi cắt đầu cá, nên lấy thêm một phần thịt ở thân khoảng 3 - 5cm để tăng thêm dinh dưỡng và đẹp mắt, ngon mắt. Lấy cả gan, không để dính mật đắng làm mất ngon và gây thêm tính lạnh của món ăn.

Đau đầu kèm đau cổ gáy: Đầu cá mè hoa 1 cái, xuyên khung 3 – 9g, bạch chỉ 6 – 9g. Cho xuyên khung và bạch chỉ vào túi vải rồi đem nấu với đầu cá thành canh, khi chín nhừ chế thêm gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Sơ phong, tán hàn, chỉ thống dùng thích hợp cho những người bị đau đầu do phong hàn ngoại nhập với biểu hiện đau đầu kèm theo đau cổ gáy, sợ gió, sợ lạnh, đau tăng khi ra gió, thường xuyên thích che kín đầu, có thể có sốt nhẹ, sổ mũi, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.

Viêm mũi dị ứng gây đau đầu: Đầu cá 2 cái chừng (150g), tân di 12g, tế tân 3g, bạch chỉ 12g, gừng tươi 15g. Đầu cá bỏ mang làm sạch, tân di gói vào túi vải, tế tân và bạch chỉ rửa sạch, gừng tươi thái chỉ. Tất cả cho vào nồi, đổ vào nước, ninh kỹ trong 2 giờ rồi chế thêm gia vị, ăn đầu cá, uống nước canh trong ngày. Công dụng: Khứ phong, tán hàn, làm thông mũi dùng cho những người bị viêm mũi dị ứng thuộc thể phong hàn biểu hiện bằng các triệu chứng: đau đầu, đau cổ gáy, hắt hơi, sổ mũi và ngạt mũi nhiều, bệnh phát về mùa lạnh và gặp lạnh thì các chứng trạng lạnh lên nhiều...

Chấn thương sọ não: Đầu cá chép 1 cái, bạch chỉ 6g, đường đỏ 20g. Tất cả đem hầm nhừ lấy nước uống. Dùng cho người suy nhược thần kinh, tâm thần bất an, hay đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ... sau chấn thương sọ não.

Hay quên: Đầu cá quả (cá lóc) một cái tối thiểu khoảng 50g, xuyên khung 12g, hà thủ ô chế 15 g, hoàng kỳ 30 g, một ít gừng tươi, táo đỏ (bỏ hạt). Tất cả vào nồi với lượng nước vừa phải, nấu lửa to cho sôi rồi hạ lửa nhỏ cho chín, nêm gia vị. Ăn cả gừng táo, uống nước canh. Công dụng: Bổ não an thần ích khí dưỡng huyết, tốt cho người hay quên, phản ứng chậm chạp, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, biếng ăn.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top