Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, số ca nhập viện vì tay chân miệng sẽ có khuynh hướng tăng thêm trong thời gian tới. Thông thường dịch tay chân miệng là vào tháng 4 - 5 - 6 trong khi hiện mới đầu tháng 4 mà thôi.
Các ca tay chân miệng nặng đang được điều trị... |
Bệnh nhi nhập viện điều trị khá nặng. Trước đây, trong 30 - 40 ca cần nhập viện điều trị, 1 - 2 ca nặng. Còn bây giờ, trong 40 ca mỗi ngày như vậy, thường sẽ có chừng 7 ca bệnh tay chân miệng độ 2B và độ 3. May mắn các bé chưa phải thở máy nhưng phải theo dõi sát tình trạng tăng huyết áp.
BS Trương Hữu Khanh lý giải, có hai khả năng, phụ huynh hiện đã hiểu biết về bệnh tay chân miệng, nên thường theo dõi sát và đưa con nhập viện khi bệnh nặng. Ngoài ra, hiện có những trẻ trên 3 tuổi mắc tay chân miệng nhập viện trong tình trạng nặng.
... Trong Phòng Cấp cứu, Khoa Nhiễm - Thần kinh. |
Trước kia chỉ có những trẻ dưới 3 tuổi mới dễ mắc bệnh tay chân miệng nặng, nhưng hiện nay, độ nặng do tay chân miệng còn thường gặp ở trẻ trên 3 tuổi, thậm chí trẻ 5 - 6 tuổi. Có thể là do trong suốt thời gian vừa qua, dịch Covid-19, trẻ được cách ly ở nhà nên khả năng miễn dịch cộng động đối với bệnh tay chân miệng giảm xuống. Vì vậy, phụ huynh cần phải chú ý những triệu chứng bệnh ở trẻ lớn như giật mình, chân tay yếu liệt, sốt cao…
Ngoài ra, người dân phải tổ chức phòng ngừa ở cụm gia đình và nhà trẻ. Nếu có 1 trẻ mắc tay chân miệng, cần vệ sinh nhà cửa, lớp học, môi trường xung quanh theo hướng dẫn như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Đồng thời người lớn theo dõi và phát hiện sớm ca tay chân miệng để bệnh không lan ra nữa. Không chỉ riêng TPHCM, hiện các tỉnh đều ghi nhận có ca bệnh tay chân miệng.