Siêu lọc máu liên tục cứu trẻ nguy kịch do biến chứng tay chân miệng

(khoahocdoisong.vn) - Bị biến chứng tay chân miệng độ 4, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng, liệt hầu họng, ngưng thở... bé trai đã được cứu sống nhờ siêu lọc máu liên tục và hồi sức tích cực.

2 tháng hồi sức tích cực

Bé trai may mắn được cứu sống là V.G.P. (trú tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Theo lời kể của gia đình, 3 ngày trước khi được đưa vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, bé có biểu hiện sốt cao nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt, bé mệt mỏi, tuy nhiên trong khoang miệng và tay, chân không có dấu hiệu phát ban, sưng đỏ.

Tại Trung tâm Y tế huyện, bé được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng nhưng trong quá trình theo dõi, trẻ liên tục sốt cao và giật mình nhiều. Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhi nôn nhiều, khó thở, thở nhanh, da tái, xuất hiện tình trạng suy hô hấp rất nhanh nên được chuyển viện.

Nhận được thông tin liên hệ của Trung tâm Y tế huyện, ngay trong đêm ngày 11/9/2020, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã ngay lập tức cử một êkíp bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ cấp cứu, điều trị hồi sức và đón cháu bé về điều trị tại Bệnh viện. Lúc này, tình trạng bệnh nhi đã chuyển biến rất nặng, mạch nhanh, nhỏ, da tái, tiểu ít, sốt liên tục. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 4 biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương hành não nặng.

Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi được hỗ trợ thở máy chỉ số cao kết hợp sử dụng tới 3 loại thuốc vận mạch. Xác định đây là một trường hợp biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng, các bác sĩ đã sử dụng biện pháp siêu lọc máu liên tục trong 72 giờ để cứu sống bệnh nhi.

Bệnh nhi đã hồi phục rất tốt, không để lại di chứng gì sau hơn 2 tháng điều trị hồi sức tích cực.

Bệnh nhi đã hồi phục rất tốt, không để lại di chứng gì sau hơn 2 tháng điều trị hồi sức tích cực.

ThS.BS Phan Hồng Sáng, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, sau khi kết thúc quá trình lọc máu, tình trạng huyết áp của bệnh nhi được cải thiện. Tuy nhiên, do biến chứng tổn thương hành não nặng nên cháu bé bị liệt hầu họng, không nuốt được và liên tục xuất hiện những cơn ngừng thở. Sau 3 tuần điều trị tích cực, việc cai thở máy cho bệnh nhi vẫn còn rất khó khăn, các bác sĩ quyết định mở canuyn khí quản giúp khai thông đường thở.

Sau hơn 2 tháng điều trị phục hồi chức năng tích cực, bệnh nhi đã có phản xạ nuốt, có thể tự thở và được rút được canyun khí quản, trở về cuộc sống bình thường. Hiện tại, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện được khoảng 90%, không để lại di chứng gì và có kế hoạch được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo BS Phan Hồng Sáng, đây là một trường hợp điển hình biến chứng thể nặng của bệnh tay chân miệng. Khi mắc căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo dõi tích cực để tránh biến chứng

Các chuyên gia cho biết, bệnh tay chân miệng hiện nay đang diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra rải rác quanh năm và tăng cao trong hai khoảng thời gian chủ yếu từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng  thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 - 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm não - viêm màng não - viêm thân não (trẻ co giật, bứt rứt, ngủ gà mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, suy hô hấp, suy tuần hoàn... và hôn mê), viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch (mạch nhanh, huyết áp tăng, khó thở, da tím tái...) nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Khi thấy con có các dấu hiệu như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối; cần đưa trẻ đến khám để được bác sĩ tư vấn. Theo dõi các dấu hiệu chuyển độ như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc trẻ nôn nhiều, quấy khóc vô cớ; giật mình nhiều (trên 2 lần trong 30 phút), thở nhanh, da tái cần phải đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi, điều trị kịp thời, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc.

Hà Nguyệt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ)

Theo Đời sống
Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Nhìn mờ - nguy cơ tiềm ẩn của đột quỵ

Việc nhầm lẫn giữa nhìn mờ do đột quỵ và các bệnh về mắt là một vấn đề phổ biến, sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị sớm hoặc để lại những di chứng nặng nề.
back to top