PGS.TS Dương Trọng Hiếu, nguyên bác sĩ bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư cho biết, não chỉ chiếm 1/40-1/50 trọng lượng cơ thể nhưng đòi hỏi lượng máu lên não là 20%. 100g não cần 4ml oxy/phút và 6mg đường/phút, vì thế chỉ cần 5 phút não không được nuôi dưỡng hoặc thiếu oxy là có thể chết. Các tế bào não từ khi con người được sinh ra đến khi chết đi không tăng thêm, ngược lại nó chỉ có thể giảm đi vì nhiều lý do. Trong quá trình sống nếu càng có nhiều xung đột bao nhiêu, máu lên não kém bao nhiêu thì tế nào não càng chết đi bấy nhiêu.
Ba nguyên nhân chính khiến máu kém lên não
Thứ nhất, thiếu máu do mạch máu bị tắc nghẽn. Mạch máu con người được ví như đường giao thông thông suốt, dòng chảy nhanh hay chậm là do lòng mạch tốt hay xấu. Trong khi đó, có tới 70% người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) bị hẹp động mạch, mảng bám mỡ gây tắc hẹp lòng mạch.
Thứ hai, do bệnh ở tim. Nếu tim khỏe thì co bóp để đưa máu đi nuôi cơ thể tốt. Đa số người cao tuổi, khả năng co bóp ở tim giảm, máu lên não ít. Nếu như 1 lần đập của tim đưa 70ml máu lên não nhưng ở người cao tuổi chỉ đưa được khoảng 40ml. Đối với người mắc bệnh huyết áp, hở van tim, thường máu lên nuôi não không đủ gây ra trạng thái mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Thứ ba, do mắc các bệnh toàn thân. Nếu người cao tuổi mắc bệnh về đường hô hấp thì khí kém. Khi khí kém thì huyết thiếu, đứng lên ngồi xuống hoa mắt chóng mặt. Đối với người mắc các bệnh gan, thận sẽ khó khăn trong việc tiết hormon kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu. Nếu gan thận yếu, suy thì không sản xuất được hồng cầu. Thêm vào đó, theo Đông y, người cao tuổi thường tỳ kém (ăn không được, tiêu không được) nên thận hư mà thận sinh tinh, tinh sinh tủy, tủy sinh huyết, thận hư thì huyết ít nên thiếu máu não. Với những người tâm can căng thẳng thường mệt mỏi, lười suy nghĩ, lên giường không ngủ được...đây là những biểu hiện của thiếu máu não. Nhẹ thì tế bào não chết dần, nếu máu không lên được thì tế bào não chết hàng loạt. Thiếu máu não nếu dẫn đến tai biến mạch máu não sẽ để lại nhiều di chứng như không nhìn được, trầm cảm, tâm thần, lú lẫn, liệt, thậm chí là chết.
Phòng và chữa bệnh theo phương châm của Tuệ Tĩnh
Thế kỷ 14 thiền sư Tuệ Tĩnh có câu :
“Bế tinh dưỡng khí tồn thần
Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình”
Bế tinh là giữ thận, tinh thần không hao thì thận không kiệt, không mệt mỏi, đau lưng mất ngủ, chóng già . Dưỡng khí là tập hít thở sâu( hít thở 4 thì - khí công) để cơ thể có đủ oxy, trí óc minh mẫn, tăng sức đề kháng chống bệnh. Tồn thần là hòa hợp, yêu thương nhau, tránh lao tâm quá độ ảnh hưởng đến toàn cơ thể vì hệ thần kinh có liên quan đến tim mạch, tiêu hóa, gan, thận. Thanh tâm là giữ cho tâm hồn trong sạch, sống lành mạnh. Quả dục là tiết chế tình dục, giữ cho thận khỏe. Thủ chân là giữ chân khí cho sung mãn. Luyện hình- luyện tập cơ thể thường xuyên để chân khí huyết mạch lưu thông tốt, phòng bệnh tốt.
Ngoài giữ sức khỏe cho toàn cơ thể, riêng đối với não cần chăm sóc đặc biệt. Trước hết, những thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình nhận thức và cảm xúc của cơ thể. Một chế độ ăn giàu axit béo omega-3 có thể hỗ trợ các chức năng của não bộ, giúp cho tinh thần luôn khỏe mạnh. Nên cố gắng tiêu thụ các loại thức ăn tự nhiên có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng như trứng, sữa, thịt hữu cơ, trái cây và rau củ. Tăng cường tiếp nhận axit béo omega-3 có trong các loại cá béo, quả óc chó, đồng thời tránh xa các loại thức ăn đã qua xử lý.
Photpho lipid cũng là dưỡng chất bồi bổ não vì nó giúp tạo chất myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não. Có thể bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều photpho lipid như lòng đỏ trứng, thịt. Đối với vitamin và khoáng chất nên được cung cấp đầy đủ cho não thông qua việc lựa chọn một số loại rau tốt cho não như rau chân vịt. Rau chân vịt chứa nhiều vitamin A, C, B1, B2 và có lượng lớn chất diệp lục, axit folic, đều là những dưỡng chất cung cấp tốt nhất cho não bộ.
Ngoài ra nên ăn các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, bắp cải, cần tây là những loại rau chứa nhiều acid folic, magie tốt cho não bộ. Bí đỏ là loại thức ăn bổ não được nhiều người biết đến, vì trong bí đỏ có chứa chất cần thiết cho hoạt động của não bộ, là axit glutamic, chất này đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng các tế bào thần kinh, trợ giúp các tế bào này phản ứng và chuyển hóa hiệu quả, nhạy bén hơn. Axit glutamic cũng có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của cơ thể, giúp loại bỏ amoniac, thúc đẩy khả năng ghi nhớ của não.
Ngoài chế độ ăn, nên ngủ đủ giấc. Mỗi ngày nên ngủ ít nhất 7–8 tiếng và thức dậy vào cùng một giờ vào mỗi sáng, giúp cơ thể hoạt động có chu kỳ, não không mệt mỏi. Mỗi ngày có thể dành ra 30 phút ngồi thiền hoặc tập yoga, đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, giải tỏa stress cho não bộ.