Bị gián chui vào tai do thói quen... nằm dưới sàn

Trong lúc ngủ, bà V.T.H., 54 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) hoảng hốt vì nghe tiếng sột soạt kèm cảm giác đau nhói trong tai, khi khám bất ngờ phát hiện một con côn trùng với chân đầy gai nhọn bên trong.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, các bác sĩ đơn vị này vừa tiếp nhận và xử lý thành công cho một trường hợp bị gián đất chui vào tai gây đau đớn.

Theo đó, bệnh nhân là bà V.T.H., 54 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân cho biết, bà thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vài ngày trước, trong khi ngủ, bệnh nhân bất ngờ nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai.

Bác sĩ loại bỏ con gián ra khỏi tai bệnh nhân H. Ảnh BVCC

Bác sĩ loại bỏ con gián ra khỏi tai bệnh nhân H. Ảnh BVCC

Dị vật lạ khiến bà H. đau nhức, ngứa ngáy không ăn, không ngủ được. Bệnh nhân đến phòng khám gần nhà để kiểm tra, phát hiện trong tai có một con gián đất bám sâu vào da ống tai nhưng không thể gắp ra được do các gai chân của con gián găm vào da ống tai, chỉ cần chạm nhẹ bệnh nhân đã đau nhói.

Sau đó bệnh nhân quyết định tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec để được thăm khám. Kết thúc thủ thuật, ống tai bệnh nhân nguyên vẹn, không chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.

Các xử lý và phòng tránh dị vật chui vào tai

Bác sĩ Nguyễn Phương Dung - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec khuyến cáo: Côn trùng chui vào tai có thể gây ra tác hại không mong muốn, vì thế người dân tuyệt đối không được xem nhẹ vấn đề này.

Khi phát hiện tai đau nhói, nghe tiếng lạ trong tai, nghi ngờ có côn trùng chui vào tai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ lấy côn trùng ra cũng như xử lý những tổn thương do côn trùng gây ra.

Khi xử lý côn trùng chui vào tai không được sử dụng các dụng cụ để ngoáy móc, không tự nhỏ thuốc hay oxy già vào tai. Điều này vô hình đẩy côn trùng vào sâu hơn, côn trùng giãy đạp làm tổn thương niêm mạc ống tai, khiến việc loại bỏ chúng càng thêm khó khăn.

Lưu ý: không thực hiện các phương pháp dân gian để xử lý khi bị côn trùng chui vào tai. Những phương pháp như hơ lá, xông hơi… không chỉ không có tác dụng mà còn khiến côn trùng hoảng sợ, chạy càng sâu hơn.

Theo bác sĩ, côn trùng chui vào tai có thể gây ra nhiều phiền toái không mong muốn. Do đó, bên cạnh xử lý đúng cách, phòng tránh tình trạng này cũng rất quan trọng. Người dân nên lưu ý thực hiện những điều sau:

Vệ sinh không gian sống thường xuyên, chú ý sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng tránh côn trùng ẩn nấp.

Không ngủ trên nền đất: nền đất ẩm thấp không tránh khỏi các loại côn trùng, có có thể đi qua và vô tình chui vào tai của bạn. Đồng thời, cần thường xuyên giặt chăn gối để tránh thu hút côn trùng ghé thăm.

Đối với các bé, cần chú ý vệ sinh cơ thể, thay quần áo sạch sẽ, đặc biệt là sau khi bú sữa để hạn chế dụ côn trùng tới. Ngoài ra, trẻ nên chơi ở những nơi sạch sẽ, thoáng mát.

Theo Đời sống
Những ai nên hạn chế đi bộ?

Những ai nên hạn chế đi bộ?

Mặc dù đi bộ là an toàn và phù hợp với tất cả mọi người, nhưng những người có tình trạng bệnh lý hoặc hạn chế về thể chất nhất định nên đề phòng hoặc tránh đi bộ trong một số trường hợp nhất định.
back to top