Cẩn trọng khi dùng lá sa kê chữa gút

Gần đây rộ lên phong trào tìm mua cây sa kê về trồng trước nhà với mục đích vừa lấy bóng mát, vừa lấy lá chữa bệnh. Lá sa kê đang được truyền tai nhau là có tác dụng chữa được nhiều bệnh, cả những bệnh khó, đặc biệt là bệnh gút. Vậy thực hư việc này thế nào?

Có tác dụng hỗ trợ

Theo TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cây sa kê có tên khoa học là Artocarpus altilis Forb thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây  được trồng phổ biến trong vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Người ta sử dụng quả, hạt, lá, vỏ thân và vỏ rễ cây sa kê làm thực phẩm và dùng làm thuốc.

Trong Đông y, thịt của quả sa kê có tác dụng bổ tỳ, ích khí; vỏ cây có tác dụng sát trùng; lá cây có kháng sinh, tiêu viêm, lợi tiểu; rễ có tác dụng làm dịu thần kinh, trị ho. Ở nước ta, dân gian dùng lá sa kê chữa phù thũng, viêm gan vàng da, sỏi thận, đau răng, tiểu đường, gút… Đặc biệt, thời gian gần đây, một số lương y chia sẻ việc dùng lá sa kê có hiệu quả trong hỗ trợ chữa gút nên nhiều người lùng mua sa kê về trồng và điều trị.

BS Nguyễn Lệ Quyên, Khoa Đông y, Bệnh viện Đa Khoa Hà Giang cho biết, sở dĩ cây sa kê có tác dụng đối với bệnh gút bởi giúp lợi tiểu, mát gan, từ đó máu lưu thông tốt về thận tăng khả năng bài tiết chất độc ra ngoài. Để hỗ trợ điều trị bệnh gút thường dùng khoảng 3-4 lá sa kê phơi khô, cắt nhỏ rửa sạch, đem sắc với 2 lít nước dùng hằng ngày.

Để tăng hiệu quả, có thể phối hợp lá sa kê với cỏ xước và dưa chuột (dưa leo) vì cỏ xước có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp và dưa leo có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Cách dùng: lấy 100 gr lá sa kê già tươi, 100 gr dưa chuột (dưa leo) và 50 gr cỏ xước khô đem nấu nước uống hàng ngày. Sử dụng quả sa kê nấu canh ăn hằng ngày cũng giúp lợi tiểu. Quả sa kê hầm sườn non là món ăn vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt rất tốt.

Cũng theo BS Nguyễn Lệ Quyên, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường có hàm lượng axit uric trong máu cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh gút và ngược lại những người mắc bệnh gút thường tăng axit uric trong máu và có nhiều khả năng phát triển bệnh tiểu đường loại 2.

Trường hợp này, dùng lá sa kê già 100g, quả đậu bắp tươi 100g, lá ổi non 50g sắc với 700ml nước tới khi còn 400ml uống thay trà hàng ngày sẽ có tác dụng vừa hỗ trợ điều trị tiểu đường, vừa giảm các triệu chứng đau nhức của gút. Cứ 2 tuần dùng 1 liệu trình.

Cẩn trọng khi sử dụng

Hiện nay, ở nhiều nơi rộ lên phong trào mua cây sa kê giống về trồng làm cảnh và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, do người dân không phân biệt được, có hiện tượng thương lái trà trộn cây mít nài giống sa kê “như hai giọt nước”. Lá và quả mít nài không có tác dụng trong điều trị bệnh, thậm chí quả mít nài có độc tính cao.

BS Nguyễn Lệ Quyên cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, lá cây sa kê giống có lông, lá cây mít nài thì không. Quả sa kê thuôn hình trứng nhưng to cỡ bằng bát canh, có vỏ xanh, gai như gai mít, cắt ra có lớp cơm dày nhưng không có hạt. Quả mít nài tròn hơn, nhỏ bằng quả trứng hay nhỉnh hơn một chút, bên trong có múi và nhựa có độc tính, ăn vào như say ruợu.

TS Đậu Xuân Cảnh cũng khuyến cáo, lá sa kê cũng có tính độc nhất định, vì vậy, trước khi sử dụng bài thuốc cần được bắt mạch để gia giảm các vị thuốc cho phù hợp và đạt kết quả cao trong điều trị. Người không có bệnh thì không nên tự ý dùng lá sa kê nấu uống thường xuyên.

Chỉ nên dùng lá sa kê sắc uống trong trường hợp phù thũng, bí tiểu hoặc viêm nhiễm, còn không có bệnh uống thường xuyên hại thận. Ngoài ra cũng cần lưu ý, nước lá sa kê cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp, tủ lạnh, khi uống hâm nóng lại để tránh rối loạn tiêu hóa.

Đức Vinh

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top