Điều nhiều người quan tâm nhất hiện nay là thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố để cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Nhưng nhiều người đã hiểu sai phương pháp tiến hành và đang lạm dụng những biện pháp cực đoan hay mù quáng tin theo những thông tin không khoa học.
Điều này sẽ dẫn tới những kết quả không mong muốn cho sức khỏe của bạn: Nặng thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nhẹ thì không có tác dụng gì.
Đầu tiên bạn cần biết rằng độc tố cơ thể là những cặn bã, chất độc, yếu tố gây hại có trong không khí, thức ăn, nước uống được con người hấp thụ vào cơ thể hằng ngày. Các chất độc khi vào cơ thể sẽ được bộ “lọc” tự nhiên trong cơ thể là gan, thận… thải ra ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chất độc mà các “bộ lọc” này không có khả năng tự đào thải, vẫn đọng lại trong cơ thể. Những chất độc này tích tụ lâu dần sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Những phương pháp thanh lọc cơ thể sai lầm sau gây đang được nhiều người áp dụng và tự làm hại cơ thể mình.
Detox bằng thực phẩm chức năng
Trào lưu detox (giải độc cơ thể) từ các dòng sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ trên mạng, với lời quảng cáo “thần dược” cho sức khỏe giúp giải độc cơ thể, giảm cân khiến nhiều người tin “sái cổ”.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh TPCN có thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị bệnh. Trong khi đó, tất cả các thuốc, hay thực phẩm đều có thể chuyển hóa qua gan, thận, nếu dùng không có sự kiểm soát đều có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Khi người bệnh sử dụng, cần phải tuân theo lời khuyên của bác sĩ, không được lạm dụng.
Thanh lọc bằng cách gây tiêu chảy là cách đối xử tàn tệ với đường tiêu hóa, vì những trận tiêu chảy như cơn lũ sẽ cuốn cả các mảng niêm mạc đường tiêu hóa và các vi khuẩn sống cộng sinh giúp tiêu hóa thức ăn ra ngoài, phải mất rất nhiều thời gian mới khôi phục được
Uống nước giải độc
Uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến tình trạng trữ nước, gây khó chịu, mệt mỏi.
Uống nước luôn được coi là một trong những phương pháp tốt giúp giải độc cơ thể bởi nước sẽ giúp gan, thận hoạt động tốt hơn và đẩy độc tố ra khỏi người bằng đường tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, cần uống đủ nước chứ không nên uống quá nhiều nước. Uống quá nhiều nước sẽ dẫn đến tình trạng trữ nước, gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí có thể gây ra rối loạn hoạt động của gan, thận; khiến chúng phải làm việc vất vả hơn và việc thải độc khó khăn hơn.
Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh được biết đến là loại thực phẩm có công dụng giải độc cơ thể rất tốt. Do vậy, bữa ăn cần đầy đủ khẩu phần rau. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những loại rau sạch. Với những loại rau quả không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì tác dụng sẽ ngược lại, làm tăng thêm chất độc gây hại cho cơ thể con người.
Nhưng ăn quá nhiều rau xanh lại gây khó tiêu, sỏi thận. Những bệnh nhân bị đau dạ dày hay xơ gan nếu ăn quá nhiều rau có thể sẽ gây chảy máu dạ dày và khiến bệnh nặng hơn.
Không chỉ vậy, chất xơ còn “cản trở” quá trình hấp thụ chất sắt nếu sử dụng quá nhiều. Về lâu về dài, não bộ sẽ thiếu máu, gây nên hiện tượng chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi thậm chí là ngất đi.
Chế độ ăn lỏng
Nhiều người vẫn nhầm tưởng việc thực hiện một chế độ ăn “lỏng” sẽ giúp đào thải độc tố ra khỏi một cách hiệu quả. Trên thực tế, không chế độ ăn nào có thể hoàn toàn loại bỏ các chất độc hại trong gan, thận, đại tràng… nếu không có sự hỗ trợ của các yếu tố khác.
Nhịn ăn
Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể là cách làm phản khoa học.
Để thanh lọc cơ thể là cách làm phản khoa học, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nhiều người sử dụng phương pháp nhịn ăn hoàn toàn sẽ thấy xuất hiện một số triệu chứng như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau cơ và lo lắng. Nếu nhịn ăn dài ngày, có thể gây suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu, hạ đường huyết, mất cân bằng điện giải, suy gan, suy thận, nặng hơn nữa có thể dẫn đến các rối loạn nhịp tim, ngừng tim, hôn mê, thậm chí tử vong.
Đặc biệt, những bệnh nhân có vấn đề về huyết áp hay có bệnh tim mạch đang dùng thuốc; những người có bệnh gan, thận, đái tháo đường, dạ dày, đại tràng; phụ nữ mang thai và cho con bú; những thanh thiếu niên hoặc trẻ em đang phát triển càng không nên giảm cân bằng cách nhịn ăn… Lý do là khi nhịn ăn để giảm cân, nếu nhịn không hợp lý, dài ngày sẽ gây suy dinh dưỡng và có thể lại ăn quá nhiều khi ngừng nhịn ăn, khiến cơ thể tăng cân trở lại nhanh chóng.
Cần phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Chúng ta cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về việc cải thiện hay suy giảm sức khỏe từ việc nhịn ăn. Vì thế, tùy thể trạng của từng người cụ thể để điều chỉnh cách ăn uống và dung nạp dinh dưỡng một cách hợp lý, mọi người không nên áp dụng đại trà việc nhịn ăn.
Thanh lọc cơ thể bằng các loại củ quả tươi
Không dùng các loại nước ép để thanh lọc cơ thể trong thời gian dài.
Việc sử dụng sản phẩm tươi như nước mía, nước ép bí xanh, ớt xanh… cũng được các bác sĩ khuyến cáo tuy không gây tiêu chảy nhưng cũng không ít các nguy cơ, thậm chí có thể gây suy mòn cho người dùng do đã nhịn ăn kéo dài trong quá trình detox (tối thiểu từ 7-15 ngày/liệu trình).
“Gan là cơ quan đào thải chất độc chính của cơ thể người, sau đó là thận. Nếu tăng hấp thu các chất độc hại thì gan bị tăng gánh nặng thải độc chứ không phải đi thải độc cho gan. Lý thuyết thải độc đã có vẻ sai lầm ngay từ quảng cáo”- bác sĩ Vũ Việt Hà (khoa cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) giải thích.
Nên thanh lọc cơ thể bằng phương pháp nào?
Một cơ thể muốn được thanh lọc và khỏe mạnh cần có chế độ ăn uống điều độ (không ăn nhiều hơn nhu cầu của mình, hoặc có thể ăn ít hơn một chút), ăn thức ăn nguồn gốc thực vật nhiều hơn động vật, thức ăn thiên nhiên và không qua chế biến, chọn thực phẩm an toàn, uống nhiều nước lọc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rèn luyện cơ thể (tập thể dục, yoga…), tập hít thở sâu.
Mỗi người có một thể trạng và sức khỏe khác nhau. Khi muốn ăn kiêng và cần một giải pháp về dinh dưỡng, để an toàn thì cần đến tư vấn với bác sĩ.
Theo ĐSPL