Giải mã loài cá lóc có thể “bay”

Theo các chuyên gia, không chỉ cá lóc mà bất cứ loài cá nào có đặc tính ăn tạp, háu ăn, nếu để chúng đói và huấn luyện cách cho thức ăn thì chúng sẽ tự nhảy lên mặt nước để đớp mồi.

Cá bay do đói

Anh Lê Trung Tín, một nông dân ở khu vực 1, Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá lóc và đã huấn luyện thành công đàn cá hơn 20.000 con của mình có thể “bay” lên khỏi mặt nước để đớp mồi, tạo nên cảnh tượng đẹp mắt giống như khiêu vũ để phục vụ khách du lịch.

Khu nhà vườn của anh Tín đang là một trong những điểm đến yêu thích của du khách khi đến với tour du lịch cộng đồng Cồn Sơn. Trung bình mỗi ngày gia đình anh Tín đón khoảng 3 – 4 đoàn khách đến tham quan vườn, đặc biệt là thứ Bảy, Chủ Nhật thì cả chục đoàn, chủ yếu là xem cá lóc “bay”.

Nhà vườn Tín – Hòa của anh là một trong gần 20 hộ nông dân ở Cồn Sơn tham gia làm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống dân dã cùng ẩm thực đậm chất miền Tây.

 Để đàn cá lóc có thể “bay” đẹp mắt như hiện nay, anh Tín phải luyện tập cho cá từ nhỏ. Khi cá dưới một tháng tuổi, chỉ cho ăn mồi là các loại cá tạp sau đó mới chuyển dần sang thức ăn viên. Từ tháng thứ hai, khi cá bắt đầu quen với thức ăn công nghiệp, anh bắt đầu tập dần, mỗi lần cho ăn chỉ rải một ít thức ăn để cá tranh nhau nhảy lên khỏi mặt nước, dần hình thành thói quen.

“Mỗi lần cho ăn mình tung thức ăn từ trên cao rơi xuống để nhử cá “bay” lên đón thức ăn. Khi đã thành thói quen thì chỉ cần rải thức ăn xuống là cá tự lên” anh Tín bật mí. Hiện đàn cá của anh có thể “bay” cả ngày để phục vụ khách. Buổi chiều, trời mát, cá sẽ bay nhiều và mạnh hơn.

TS Nguyễn Minh Long, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, việc cá lóc có thể “bay” được là chuyện dễ hiểu. Thực ra thì đó chỉ là hành động nhảy lên khỏi mặt nước chứ không phải là bay. Cá lóc là loài tạp ăn, nếu để cho chúng bị đói thì khi có thức ăn, chúng sẽ tranh giành nhau bằng mọi cách. Việc tập luyện cho cá bay như vậy không quá khó khăn.

Cá bay ít mỡ, nhiều đạm

Nói về chất lượng thịt của những con cá “bay” này, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, cá vận động nhiều thì cơ sẽ săn chắc hơn, thịt cứng hơn, tích tụ nhiều đạm hơn, mỡ cũng sẽ ít hơn. Giống như người tích cực vận động, tập thể dục thì lượng mỡ trong cơ thể cũng ít hơn so với người không vận động.

Hay những loài cá sống ngoài môi trường tự nhiên, ngoài thức ăn sạch thì việc chúng vận động nhiều, không gian hoạt động rộng cũng khiến cho thịt của chúng rắn chắc và thơm ngon hơn.

Liệu có thể huấn luyện các loài cá khác bay được? Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, cá mè hoa và cá mè trắng của Việt Nam khi xuất sang các nước khác người ta cũng nuôi và huấn luyện được cá nhảy. Ở một số bộ phim về động vật, có những đàn cá mè nhảy lên trên mặt nước, nhảy cả vào thuyền của con người trông rất đẹp mắt.

Tuy vậy, không phải loài cá nào cũng huấn luyện cho chúng “bay” được. Điều quan trọng nhất khi huấn luyện cá “bay” là người ta sử dụng thức ăn và âm thanh để cá ghi nhớ và làm theo. Thức ăn được coi là một phương pháp huấn luyện phổ biến với các loài động vật vì tập tính này có ở tất cả các loài. Cộng với âm thanh, thời gian, huấn luyện, sẽ tạo nên những thói quen thú vị trên động vật.

“Việc huấn luyện cả một đàn cá “bay” như thế là rất khó và ít người làm được. Việc chúng được kích thích bằng thức ăn từ ngày này sang ngày khác sẽ khiến khả năng “bay” của chúng cao hơn, nhiều hơn. Các loài cá cảnh được nuôi trong bể cũng thường hình thành thói quen từ thức ăn. Do đó, đây cũng là một xu hướng du lịch thân thiện”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Ở Việt Nam cũng có một số đề tài nghiên cứu về tập tính của các loài sinh vật biển phục vụ cho mục đích đánh bắt như sử dụng ánh sáng để dẫn dụ cá hay sử dụng âm thanh để lùa chúng vào lưới”, TS Nguyễn Kiêm Sơn.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top