Cách sơ cứu tăng huyết áp tại nhà

Sơ cứu đúng cách rất quan trọng trong việc giảm thiểu hậu quả do tăng huyết áp gây ra. Dưới đây là cách sơ cứu tại nhà trong 3 tình huống tăng huyết áp.

Ảnh minh họa.

Với 3 tình huống bệnh nhân tăng huyết áp, BS Vũ Đình Hưng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết cách xử trí như sau:

Tình huống 1: Người bệnh có dấu hiệu nhẹ, còn tỉnh táo

Người bệnh đang làm việc thì cảm thấy chóng mặt, không đứng vững nhưng vẫn còn tỉnh táo và có thể nói được. Đây là triệu trứng phổ biến của người cao huyết áp mãn tính mà nhiều người còn xem nhẹ.

Cách xử trí: Ở tình huống này, cần cho bệnh nhân nằm giường nghỉ ngơi, đo huyết áp cho bệnh nhân, rồi gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn dùng thuốc.

Tình huống 2: Người bệnh bị bất tỉnh

Người bệnh có biểu hiện nặng hơn của cao huyết áp như say sẩm mặt mày, dẫn đến đột quỵ tại chỗ .

Cách xử trí: Không nên lay gọi bệnh nhân vì lay gọi và di chuyển bệnh nhân sẽ làm nguy cơ tăng huyết áp càng tăng và nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.

Nên cho bệnh nhân nằm tại chỗ, kê đầu cao 30 độ và nằm nghiêng để tránh hiện tượng nôn trào ngược.

Tình huống 3: Người bệnh bị nhồi máu cơ tim, khó thở

Bệnh nhân bị tăng huyết áp đột ngột có thể dẫn đến tình trạng suy tim cấp, đau tức ngực, khó thở, bị ngã.

Cách xử trí: Với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu cơ tim thì không nên xoa bóp ngực hoặc nắn bóp chân tay mà nên cho bệnh nhân nằm yên tĩnh, nghỉ ngơi và gọi cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến BV chuyên khoa tim mạch gần nhất.

Để sơ cứu an toàn cho bệnh nhân cao huyết áp nói chung, cần lưu ý:

– Kiểm tra huyết áp của bệnh nhân liên tục.

– Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghỉ, mở cửa thông thoáng không khí.

– Kê đầu cho bệnh nhân cao khoảng 30 độ, nới lỏng quần áo.

– Trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay bằng xe chuyên dụng để đảm bảo bệnh nhân di chuyển an toàn.

PV.

Theo Đời sống
back to top