ThS.BS Tạ Xuân Trường, Phó trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho con người trên thế giới hiện nay. Cùng với sự gia tăng số người mắc là xu hướng trẻ hóa về độ tuổi người mắc bệnh này. Nếu như, trước đây tăng huyết áp thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi, thì nay số người ở độ tuổi U40 mắc bệnh này khá phổ biến, thậm chí là có cả người ở độ tuổi U30.
Ở người trưởng thành thì cứ 100 người có 25 người bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp được ví là “kẻ giết người thầm lặng” còn bởi lẽ rất nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc người đã biết bị tăng huyết áp nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào hiệu quả.
Huyết áp cao nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, suy thận …Vì thế, phát hiện sớm, kiểm soát huyết áp, đồng thời giảm các yếu tố nguy cơ khác là rất quan trọng để phòng ngừa những tai biến do tăng huyết áp gây nên.
Do đó, để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Trường khuyến cáo cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ sau
Thường xuyên hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh tăng huyết áp.
Hút thuốc lá, thuốc lào: Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11mmHg, huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20 – 30 phút.
Uống nhiều bia, rượu: Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, nhất là bệnh tăng huyết áp. Mục tiêu cần đạt: Nam giới Uống < 720 ml bia/ngày (5%); Hoặc < 300 ml rượu vang/ngày (12%); Hoặc < 90 ml rượu mạnh/ngày (40%). Nữ giới mức chỉ giới hạn bằng một nữa của nam giới
Thừa cân, béo phì: Cân nặng có quan hệ khá tương đồng với các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp. Do đó, chế độ làm việc, ăn uống hợp lý, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều mỡ động vật và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể.
Ăn mặn: Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều muối khiến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao. Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh.
Tránh căng thẳng, mệt mỏi: Căng thẳng, trầm cảm làm gia tăng bệnh tim mạch do xơ vữa lên 2,67 lần. Nhất là với những người trong độ tuổi lao động, công việc nhiều, áp lực nhiều dẫn đến stress, ngủ không đủ giấc… làm tăng nguy cơ đột quỵ, đột tử. Do đó, mỗi người cần luôn tạo niềm vui, điều hòa cuộc sống… Tuân thủ điều trị, liên hệ chặt chẽ với bác sĩ điều trị.
Hoạt động thể lực thường xuyên: Thể dục đều đặn làm giảm 20 – 30% nguy cơ tim mạch. Mục tiêu cần đạt được là hoạt động thể lực trung bình: ít nhất 150 phút/tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần). Ví dụ: đi bộ nhanh, đi xe đạp, bơi… Hoặc hoạt động thể lực nặng: ít nhất 75 phút/tuần (15 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần). Ví dụ: các môn thể thao đối kháng như đá bóng, tenis…
Theo Linh Nhi (giadinhmoi.vn)