Tác động tức thì: Ăn nhiều và nhịn ăn đều nguy hiểm
PGS.TS Tạ Văn Bình, Nguyên giám đốc BV Nội tiết TƯ, hiện vẫn còn nhiều người ĐTĐ nhịn ăn để chữa bệnh hoặc ăn nhiều để bù vào lượng glucose đã mất. Điều này đều rất tai hại.
Người bệnh không dám ăn vì cho rằng ăn nhiều sẽ làm nguyên nhân gây tăng lượng glucose trong máu. Nhưng càng nhịn ăn thì tình trạng người bệnh càng xấu. Thậm chí những trường hợp người bệnh bị các biến chứng như nhiễm trùng, cắt cụt chi… tiên lượng lại càng “tệ hại”, nếu như không cho họ ăn chế độ giàu năng lượng. Ngược lại, nhiều người quan niệm phải ăn nhiều để bù vào lượng glucose đã mất. Nhưng sau một thời gian ăn như vậy tiên lượng bệnh lại xấu hơn.
PGS.TS Bình phân tích, chế độ dinh dưỡng có vai trò gần như quyết định tiên lượng của người mắc bệnh ĐTĐ. Nó tác động tức thì tới bệnh. Một khi người bệnh ăn glucose (đường), mức glucose máu tăng rất nhanh. Đây là cách điều trị hạ đường huyết có hiệu quả. Điều này xảy ra vì glucose không cần phải tiêu hóa: nó gần như được hấp thu tức thì vào máu từ ruột non. Nhưng nếu điều này xảy ra ngay sau bữa ăn của người bệnh ĐTĐ thì rất nguy hiểm. Người ta sẽ phải nghĩ cách dùng các thuốc để tránh hiện tượng này.
Một loạt thức ăn tinh bột thuộc loại carbohydrat đều có tác động tức thì làm tăng glucose máu, bao gồm các loại gạo, hầu hết các loại bánh mỳ bán trên thị trường (thậm chí đa số trong đó được mô tả là từ nguyên hạt), khoai tây (đặc biệt nếu chúng được luộc hoặc nghiền nát khi dùng nóng). Đó là tinh bột chiếm hầu hết lượng carbohydrat chứa trong các thức ăn này và ở dạng này tinh bột cũng được tiêu hóa nhanh chóng thành glucose.
Thực phẩm tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
Chọn thức ăn chứa carbohydrat tác động từ từ
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, can thiệp bằng chế độ ăn về thực chất là phòng bệnh bằng ăn uống. Nói cách khác là dùng chế độ ăn để điều chỉnh các yếu tố nguy cơ ở những đối tượng dễ mắc bệnh ĐTĐ typ 2. Chỉ số đường huyết của thức ăn chứa carbohydrat là cách các nhà chuyên môn sử dụng để đưa ra một phương pháp tiện lợi nhằm đánh giá, xác định mức độ tăng đường huyết do những thức ăn gây ra.
Chỉ số đường huyết được dựa trên mức độ tăng đường máu sau ăn bánh mỳ trắng hoặc uống glucose chứa cùng lượng carbohydrat. Vì vậy, trong khi lựa chọn chế độ ăn cần tránh những thức ăn tác động nhanh đến lượng glucose máu, thậm chí cùng với hàm lượng carbohydrat. Nên chọn những thức ăn chứa carbohydrat nhưng làm tăng mức glucose máu ít và từ từ, đó là carbohydrat phức. Chúng bao gồm: Các loại đậu (đậu Hà Lan non, đậu lăng và các hạt đậu khô); Một số loại bánh mỳ (bánh lúa mạch và các loại bánh mỳ chứa tỷ lệ nguyên hạt cao); Các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt.
Đặc điểm quan trọng của những thức ăn này là chúng chỉ được tiêu hóa một phần thành glucose trong ruột non. Thành phần carbohydrat không được tiêu hóa tiếp tục đi xuống đại tràng. Ở đó, chúng sẽ được cơ thể sử dụng theo một cách hoàn toàn khác. Kết quả là quá trình chuyển một phần nhỏ carbohydrat thành glucose đã không làm thay đổi nhiều lượng glucose máu. Đây là loại carbohydrat thích hợp nhất cho những người mắc bệnh ĐTĐ, với dạng khẩu phần 5-10g.
Nhật Hà