Dinh dưỡng tốt để phòng bệnh cho con
ThS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bà mẹ sau khi sinh con, mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mang thai vẫn chưa phải tiêu thụ hết nhưng trước khi sinh con cũng như trong quá trình sinh nở, bà mẹ đã mất khá nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng qua mất máu khi sinh đẻ.
Huy động các chất dinh dưỡng để sản xuất sữa non trong những tháng cuối của kỳ thai và tiếp tục bài tiết sữa để nuôi con ngay sau khi sinh… do đó, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của bà mẹ đang nuôi con bú là khá cao, thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ thai nghén.
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ Trưởng Vụ sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em nhấn mạnh, tầm quan trọng của Dinh dỡng đối với bà mẹ trong thời gian cho con bú là phải đảm được hai yếu tố: sản xuất đủ sữa cho con bú và bảo đảm sức khỏe cho chính mình để nuôi con và tiếp tục làm việc.
Dinh dưỡng cho mẹ đối với nguồn sữa mẹ: Thành phần sữa mẹ nói chung là tương đối hằng định ở tất cả các bà mẹ và nguồn năng lượng dự trữ của bà mẹ luôn được huy động để sản xuất sữa khi cần, tuy nhiên nhiều nghiên cứu khẳng định là dinh dưỡng cho bà mẹ vẫn có ảnh hưởng đến một số vi chất và số lượng của sữa mẹ.
Chế độ ăn của bà mẹ thiếu vitamin, đặc biệt là B1, A và D thì các vitamin này cũng sẽ thiếu trong sữa của những người mẹ đó.
Ngay sau sinh, trong vòng 1 tháng đầu, bà mẹ cần được bổ sung vitamin A (viên 200.000 đơn vị) để có thể đủ cung cấp lượng vitamin A cần thiết trong sữa cho con.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu, lượng kháng thể của con là do người mẹ cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ, vì thế bảo đảm đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho mẹ cũng chính là cách phòng bệnh tốt nhất cho con, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa.
Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời trẻ sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, trẻ có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng, khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.
Dinh dưỡng bảo đảm sức khỏe cho mẹ: Mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mang thai vẫn chưa phải tiêu thụ hết nhưng đã mất khá nhiều vì mất máu khi sinh đẻ, sản xuất sữa non trong những tháng cuối của kỳ thai và tiếp đến sữa sau khi sinh.
Vì vậy chú ý đến dinh dưỡng cho bà mẹ trong thờigian cho con bú không chỉ là cho sản xuất sữa mà còn bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ tiếp tục với chức năng làm mẹ và các công việc hàng ngày. Một chế độ ăn đa dạng với đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt thức ăn nhiều Can xi, vitamin A, D cần được chú ý vì bà mẹ đã mất nhiều cho thai nhi và sản xuất sữa.
Việc bổ sung thức ăn cho các bà mẹ cho con bú phụ thuộc nhiều vào tình trạng dinh dưỡng của mỗi bà mẹ, mức tăng cân trong thời gian mang thai. Theo khuyến nghị về nhu cầu năng lượng cho người Việt Nam, các bà mẹ cho con bú cần được cung cấp thêm 500 kcl/ngày.
Bữa ăn cần đảm bảo 5/8 nhóm thực phẩm
Theo ThS Trịnh Hồng Sơn, chế độ dinh dưỡng trong ngày của bà mẹ đang nuôi con bú nên tuân theo Tháp dinh dưỡng hợp lý dành cho bà mẹ đang nuôi con bú như sau: Đường < 5 đơn vị (1 đơn vị bằng 5g); Muối 5g; Dầu mỡ 7 đơn vị; Sữa 6,5 đơn vị (1 đơn vị bằng 100ml); Thịt, thủy sản, trứng, đậu đỗ: 7 đơn vị (1 đơn vị = 31g thịt lợn); Rau 4 đơn vị (1 đơn vị = 80g); Quả 4 đơn vị (1 đơn vị bằng 80g).
Đặc biệt, cần ăn đa dạng. Để vừa bảo đảm tính đa dạng lại vừa bảo đảm sự có mặt của ít nhất 5 trong số 8 nhóm thực phẩm: Lương thực (gạo, ngô, khoai, bột... ); Các loại hạt; Sữa và các chế phẩm từ sữa; Thịt các loại, cá và các hải sản; Trứng và các sản phẩm từ trứng; Rau củ quả có màu vàng, đỏ, da cảm, xanh thẫm; Củ quả khác (củ cải, cải bắp, xu hào); Dầu ăn và mỡ các loại ... cho mỗi bữa ăn.
Cách ăn được chia làm nhiều bữa trong ngày (trung bình chia ra 3-6 bữa/ngày).
Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng, an toàn cho trẻ nhưng có một số thức ăn, nước uống có thể qua sữa gây hại hoặc khó chịu cho trẻ. Vì vậy, phụ nữ trong thời gian cho con bú không nên uống rượu, bia và hạn chế các chất kích thích như cà phê, ớt, hành, tỏi.