Bổ sung năng lượng làm chủ
BS Nguyễn Văn Quang, Hội Nam y Việt Nam cho biết, mùa đông vì chịu ảnh hưởng của khí trời lạnh giá nên chúng ta cần điều chỉnh chế độ ăn uống thường ngày để duy trì đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức chịu rét để vượt qua mùa đông một cách thuận lợi. Vì thế, về mặt dinh dưỡng chúng ta cần lấy “bổ sung năng lượng làm chủ”.
Đáp ứng thảo đáng nhu cầu năng lượng của cơ thể bằng các thức ăn giàu chất đạm, chất mỡ, chất bột. Một chế độ ăn hợp lý, cân bằng sẽ tốt cho sức khỏe và tránh lây các mầm gây bệnh vào mùa đông. Chẳng hạn, để đề phòng phòng phát sinh các bệnh của người cao tuổi thì không nên ăn nhiều mỡ. Cần bổ sung nhiều vitamin qua rau quả. Trong mùa Đông các loại rau xanh hiếm nên dễ có hiện tượng thiếu hụt vitamin sinh các chứng bệnh: loét khoang miệng, lợi răng chảy máu sưng đau, đại tiện bí kết...
Các chứng đó đều do thiếu hụt vitamin A, B và C mà dẫn tới. Cho nên khi rau xanh bị thiếu hụt, có thể thêm các món khác như khoai lang, khoai tât, cải trắng, cải dầu...Đặc biệt, nên ăn các thực phẩm có giá trị phòng chống bệnh tật cho mùa đông như: cam, chanh, bưởi, quýt, nho đen, họ bầu bí, cải xoong và cải đắng, thực phẩm màu đỏ, hạt điều, tỏi, gừng, mật ong,...
ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền Bệnh viện TƯQĐ 108 nhấn mạnh, mùa đông là mùa tốt nhất cho việc bổ dưỡng bằng ăn uống vì lúc này vạn vật tiềm ẩn, âm tinh và dương khí trong cơ thể cũng có xu hướng tiềm tàng, nếu bồi bổ thì dễ hấp thu và tích trữ, giúp cho thể chất được tăng cường. Vậy nên, dân gian có câu: “Mùa đông bồi bổ, mùa xuân giết hổ”.
Bồi bổ tốt nhất là sau tiết Đông chí. Tuy nhiên, dù có tẩm bổ cũng nên tránh những đồ cao lương mỹ vị. Ăn uống thanh đạm là một trong những nguyên tắc của phép dưỡng sinh ẩm thực phương Đông. Theo đó, tiết đông lạnh, nên bổ dưỡng, lấy nhiệt trị hàn, không nên ăn đồ lạnh; Tránh lạm dụng cao lương mỹ vị vì dễ sinh ung nhọt; Rượu ngon thịt béo, nên tự kiềm chế vì dễ bị bệnh đường ruột; Nên ăn ít thịt, dùng nhiều ngũ cốc, rau quả tự nhiên sẽ trung hòa được các vị.
Dinh dưỡng học hiện đại đã chứng minh, chế độ ăn quá nhiều các chất béo động vật, chất đường dễ gây rối loạn lipid máu, làm tăng cholesterol từ đó gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, là nền tảng phát sinh các bệnh lý nguy hiểm như: cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, viêm tắc động mạch... với tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao.
Nâng cao sức khỏe bằng món ăn bài thuốc
Theo ThS Hoàng Khánh toàn, khi tiết trời giá lạnh, việc lựa chọn và chế biến các món ăn - bài thuốc (dược thiện) có công dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chủ động phòng chống các bệnh lý do hàn tà gây nên là hết sức cần thiết. Các món ăn đều rất dễ chế biến.
Cháo thịt dê bổ khí huyết giữ ấm cho người già: Thịt dê 250 gam rửa sạch, thái miếng nhỏ đem luộc với một củ cải cho hết vị gây, sau đó bỏ hết củ cải ra rồi cho 150 gam gạo vào hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: làm ấm tỳ vị, bổ ích khí huyết, đặc biệt phù hợp với người già trong những ngày đông giá.
Canh mộc ngân nhĩ với kỷ tử chữa bệnh hô hấp chống nứt da: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 20 gam rửa sạch thái vụn, kỷ tử 30 gam, hai thứ đem hầm với một chút đường phèn rồi ăn nóng. Công dụng: bồi bổ can thận, hoạt huyết thông khí, dưỡng âm sinh tân, đặc biệt thích hợp với những người mắc các bệnh đường hô hấp, da dẻ hay bị nứt nẻ vào mùa đông.
Gà hấp gạo nếp bổ dưỡng nguyên khí: Trước tiên cho gà và gia vị vào hầm nửa chín có mùi thơm, lấy gạo nếp theo tỷ lệ 500 gam thịt gà/250 gạo nếp đem rửa sạch, cho gạo vào vỉ hấp, dưới đổ nước hầm gà, trên rải thịt gà đã hầm, đậy nắp cho vào nồi hấp cách thuỷ, trước tiên đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun tiếp từ 45 - 60 phút là được, ăn thịt gà cùng với xôi. Công dụng: bổ dưỡng nguyên khí, tráng dương sinh tinh.