Chọn hướng phòng
Theo KTS Nguyễn Phan Sơn, Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng Hoàng Gia, từ xa xưa “các cụ” đã phân gió ra thành gió âm và gió dương; theo đó, hướng Nam, hướng Đông là gió ấm, gió chậm, gọi là gió dương; hướng Tây, hướng Bắc là gió lạnh, gió hàn, gọi là gió âm.
Vì vậy, phòng ở của người già nên bố trí có cửa sổ, cửa mở ra ngoài là hướng Nam và lân cận nam (Đông Nam và Tây Nam) để đón được gió mát và nguồn ánh sáng ổn định vào mùa hè, cũng như không khí ấm áp vào mùa đông. Đặc biệt nên tránh hướng Đông, Đông Bắc vì phải chịu gió lạnh trong mùa đông.
Tuy nhiên, tùy theo thực tế điều kiện nhà ở, nếu không thể xây nhà hoặc chọn phòng ở cho người già theo hướng gió dương thì vẫn có thể vận dụng các biện pháp thiết kế và sử dụng vật liệu để chống lạnh.
Cái lạnh của mùa đông ở vùng nhiệt đới chủ yếu là do gió mùa gây ra. Những đợt rét thường chỉ ngắn ngày, và dù trong những ngày được gọi là rét đậm thì nhiệt độ cũng không xuống đến mức quá thấp. Vì vậy, muốn chống lạnh, chỉ cần chú ý thiết kế tránh hướng gió mùa Đông Bắc thốc thẳng vào nhà.
Đồng thời, kết cấu cửa phải thật kín, tránh gió lùa. Tốt nhất trong những ngày gió lạnh nên chú ý đóng kín cửa, hạn chế tối đa các khe cửa để gió lùa. Nếu nhiệt độ xuống thấp, có thể sử dụng thêm máy sưởi, hoặc điều hòa bật chế độ nóng.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng những thiết bị sưởi ấm này vì chúng có thể làm không khí trong phòng trở nên quá khô nóng, ngột ngạt và ô nhiễm. Sử dụng các thiết bị sưởi hay điều hòa nóng, tốt nhất không nên đặt nhiệt độ quá nóng, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời quá nhiều, chỉ nên khoảng dưới 10 độ, để tránh tình trạng gặp lạnh đột ngột khi bước ra khỏi phòng.
Một lưu ý nữa là phòng tắm cho người già nên tránh hướng Bắc, hướng đại diện cho cái lạnh mùa đông; nếu nhà tắm hướng Bắc, hoặc có cửa sổ hướng Bắc, cần đóng kín cửa khi sử dụng phòng tắm.
Giữ ấm bằng trang phục và thực phẩm
Theo Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y VIệt Nam, mùa đông các đầu mút cơ thể là những nơi mất nhiệt nhiều nhất, vì thế chúng ta luôn cảm thấy chân, tay, tai, đỉnh đầu bị lạnh cóng. Ngoài ra đây lại là những phần bị lộ ra khỏi cơ thể nên dễ tiếp xúc với khí lạnh hơn. Các nơi này cũng nằm xa những động mạch lớn là nơi sinh ra nhiệt năng, nên không được “hưởng” lượng nhiệt này.
Vì thế vào mùa đông không chỉ chú ý giữ ấm cho cơ thể, người già còn phải chú ý đến tai, mũi, đỉnh đầu…; và nên đội mũ, quàng khăn, đi tất nhất là khi đi ra ngoài đường.
Việc bổ sung thực phẩm hàng ngày cũng cần được chú ý cho phù hợp với người già. Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng thuộc Trung tâm dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng Cleveland (Hoa Kỳ), vào mùa đông, người già nên chia nhỏ các bữa ăn, và cố gắng ăn 5 bữa mỗi ngày, trong đó phải có ít nhất một bữa ăn và uống các loại thực phẩm thật nóng.
Điều này sẽ giữ nhiệt độ cơ thể ấm áp suốt cả ngày. Ngoài ra, các bữa ăn này nên bao gồm các thực phẩm giàu protein, rau và hoa quả. Thịt dê, súp gà nóng, thịt bò, thịt chó, dê, ngựa là rất hợp trong mùa lạnh. Ngoài ra nên tăng cường các thực phẩm nhiều lipit như mỡ cá; ăn nhiều gừng, hành tỏi,…
Hàm lượng vitamin lớn trong rau và hoa quả cũng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống lại giá lạnh. Mùa đông cơ thể tiết ra ít mồ hôi hơn nên chúng ta dường như ít cảm thấy khát; nhưng đừng vì thế mà quên bổ sung nước. Tốt nhất vào mùa đông, nên uống nước ấm, vừa giúp giữ nhiệt vừa giúp tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể. Một tách trà gừng hay trà hoa cúc nóng vừa giú bổ sung nước cho cơ thể vừa giúp sản sinh nhiệt lượng giữ ấm cơ thể.
Người già cũng nên lưu ý việc đóng cửa suốt ngày không phải là giải pháp tốt bởi nếu chúng ta đóng kín sẽ khiến trong phòng không có sự thông thoáng, ngột ngạt, thiếu oxy, không tốt cho sức khỏe của người già. Vì vậy, hãy chọn những giờ trong ngày mà nhiệt độ “nhích lên” hoặc những ngày không quá lạnh, nên mở cửa đón không khí tươi mới cho nhà cửa thông thoáng. Những ngày có gió, không nên mở cửa từ hai hướng để tránh gió lùa, ảnh hưởng sức khỏe. (KTS Nguyễn Phan Sơn)
Đức Anh