Ho là một phản xạ sinh lý bảo vệ cơ thể tống những di vật tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể đồng thời cũng là một triệu chứng của nhiều loại bệnh thuộc đường hô hấp hoặc bệnh của các cơ quan khác có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Khi bị ho có thể dùng các loại thảo mộc có tác dụng dưới đây:
Hoa khế: Hoa khế 20g, hoa đu đủ đực 20g, lá tía tô 15g, đường phèn 5g. Sắc uống ngày 2 lần.
Tiền hồ: Ngày uống 8-15g tiền hồ dạng thuốc sắc có tác dụng long đờm, kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng và một số vi khuẩn khác. Trong Đông y, tiền hồ được dùng làm thuốc trị ho, long đờm, đờm suyễn, viêm phế quản.
Cam thảo: Đã được chứng minh có các tác dụng chống viêm, co thắt cơ trơn, dị
ứng và giảm ho. Ngày uống 4-20g dưới dạng bột, nước sắc, thuốc hãm, thường phối hợp với các vi khác. Có tác dụng long đờm tri ho khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.
Gừng: Qua thực nghiệm, gừng có tác dụng chống dị ứng, co thắt cơ trơn, chống viêm, giảm ho và kháng histamin. Gừng tươi: Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc có tác dụng trị ngạt mũi, cảm mạo phong hàn, ho có đờm. Gừng khô: Ngày uống 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vi khác có tác dụng trị ho suyễn, viêm phế quản; Làm thuốc chống nhiễm khuẩn trong các chứng ho, chống cảm lạnh và sổ mũi. Đây là thảo dược trị ho rất thông dụng.
Dùng giấy bạc bọc củ gừng tươi, bỏ lên vỉ nướng. Sau khi nướng đen thì xắt nhuyễn, bỏ vào ly, cho một lượng mật ong hoặc đường đỏ thích hợp, pha với nước nóng, dùng khi còn nóng. Dùng cắt cơn ho, tiêu đàm.
Cát cánh: Thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân cho thấy nhóm hoạt chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Saponin gây kích thích niêm mạc phế quản và họng sẽ gây phản ứng tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc, làm cho đờm loãng và bị đẩy ra ngoài. Ngày uống 10-20g dạng thuốc sắc rễ cát cánh được dùng trị ho có đờm, viêm đau họng khản tiếng, viêm phế quản.
Mạch môn: Ngày uống 6-20g dạng thuốc sắc rễ mạch môn có các tác dụng kháng khuẩn đối với phế cầu và tụ cầu vàng, ức chế ho, chống viêm, đồng thời có tác dụng long đờm, làm tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc khí phế quản. Mạch môn được dùng tri việm họng, ho khan.
Cây dâu: Ngày uống 4-12g (có khi đến 20-40g) vỏ rễ dâu, dùng dạng thuốc sắc hay thuốc bột có tác dụng trị ho gà trẻ em, ho có đờm, phế nhiệt. Lá dâu: Ngày uống 4-12g, dạng thuốc sắc có tác dụng trị viêm phế quản, viêm họng, ho.
Tía tô: Ngày dùng 3-10g sắc thuốc uống có tác dụng chống dị ứng, trị ho nhiều đờm, long đờm. Lá tía tô tươi 20g, rửa sạch xắt vụn, gạo tẻ 50g. Nấu cháo loãng, bỏ tía tô, đường phèn vừa đủ, ăn nóng. Sau khi ăn, lên giường đắp mề cho đổ mồ hôi. Dùng trị giai đoạn mới ho.
Giấm: Đường phèn 500g, giấm để lâu 500ml. Đường phèn cho vào nồi sau đó đổ giấm lên, đun sôi. Chờ đường phèn tan hết, để nguội, cho vào chai dùng dần. Mỗi lần uống 10 ml, mỗi ngày uống 2 lần. Dùng trị ho khan mới phát.
Tỏi: Tỏi 5 nhánh, bách bộ 15g, sinh cam thảo 5g. Thêm đường phèn và nước vừa đủ đem sắc thành 2 chén nước, chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng trị ho mới phát, mũi tắc hoặc chảy nước mũi.
Đu đủ: Đu đủ chín cây một quả, gọt bỏ vỏ. Mật ong vừa phải. Cho mật ong vào nấu để ăn dần. Dùng trị ho không có đờm.
Củ cải: Củ cải một củ, hồ tiêu 5 hạt, gừng tươi 3 lát, trần bì một miếng. Củ cải rửa sạch, thái thành miếng nhỏ sắc cùng với hai thứ kia để uống. Dùng trị ho lạnh chảy dãi.
Trứng gà: Trứng gà 2 quả, đường phèn 50g. Lấy một chén nước, cho đường phèn vào nấu tan hết, để nguội. Đập trứng gà, đánh tan rồi hấp chín, cho vài giọt nước gừng vào ăn. Dùng trị ho khan.
Quất: 2 quả, cắt làm đôi, bỏ hột, thêm ít đường phèn. Cho vào bát, hấp trong nồi cơm cho chín. Để ấm ấm, ngậm nuốt dần. Ngày 4 lần.Có thể dùng riêng không cần kết hợp với các thứ khác.
Lương y Hoàng Tuấn Anh (Hội Đông y Đồng Nai)