Bệnh gút thường gặp ở nam giới ở tuổi trung niên. Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh là axit uric. Trong cơ thể, axit uric được tạo thành từ ba nguồn: Thoái giáng từ các chất có nhân purin do thức ăn đưa vào, thoái giáng các chất có nhân purin từ trong cơ thể và tổng hợp các purin từ con đường nội sinh. Để giữ cân bằng, hằng ngày axit uric phải được thải trừ ra ngoài, chủ yếu theo nước tiểu, một phần qua phân và các con đường khác.
Vì lý do nào đó lượng axit uric trong máu tăng cao thì sẽ lắng đọng ở một số tổ chức và cơ quan dưới dạng tinh thể, đặc biệt là ở khớp mà gây ra bệnh gút. Bởi vậy, một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống axit uric trong máu tăng cao là nên chọn dùng các thực phẩm không hoặc ít có nhân purin và có công dụng tăng cường đào thải acid uric qua đường tiết niệu, trong đó có rau cải.
Rau cải: Là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố C, muối kali và hầu như không chứa nhân purin. Cải xanh có tác dụng giải nhiệt trừ phiền, thông lợi tràng vị, lợi tiểu tiện, thích hợp với người bệnh gút. Cách chế: Rau cải trắng 250g xào với dầu thực vật 20g, ăn hàng ngày, thích hợp với giai đoạn điều trị củng cố. Hoặc rau cải xanh luộc, nấu ăn hàng ngày.
Cải bắp: Là loại rau hầu như không có nhân purin, rất giàu sinh tố C và có tác dụng lợi niệu. Sách Bản thảo cương mục thập di cho rằng cải bắp có công dụng “bổ tinh tuỷ, lợi ngũ tạng lục phủ, lợi quan tiết (có ích cho khớp), thông kinh hoạt lạc” nên là thực phẩm rất tốt cho người có axit uric máu cao. Có thể dùng ăn sống, luộc, nấu hoặc say sinh tố…
Củ cải: Tính mát, vị ngọt, có công dụng lợi quan tiết, hành phong khí, trừ tà nhiệt, trừ phong thấp rất thích hợp với người bị phong thấp nói chung và thống phong (gút) nói riêng. Đây cũng là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố, nhiều nước và hầu như không có nhân purin. Cách chế: Củ cải 250g thái chỉ, dầu thực vật 50g. Củ cải rán qua với dầu rồi cho thêm bá tử nhân 30g, nước 500ml đun chín, chế đủ gia vị, ăn trong ngày. Hoặc củ cải 250g thái chỉ rán qua với 30g dầu thực vật rồi cho thêm 750ml nước, 30g gạo tẻ nấu thành cháo, ăn hằng ngày.
Lưu ý: Người bị gút nặng, axit uric máu tăng quá cao nên ăn chay theo chu kỳ như ngày ăn táo, ngày ăn dưa chuột, ngày ăn rau xanh để hỗ trợ điều trị bệnh. Nếu ăn táo hoặc dưa chuột, mỗi ngày ăn 1,5kg chia 3 - 4 bữa; nếu ăn rau xanh, mỗi ngày 1,5kg chia nhiều bữa dưới các dạng nấu, xào hoặc làm nộm.
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)