Không lớp chọn vẫn học tốt
Ngay từ khi năm học kết thúc, đã bắt đầu cuộc chạy đua cho con vào các trường tốt, trường điểm của các bậc phụ huynh. Và gần tới năm học mới, là lúc các phụ huynh lại lo lắng, nhiều người cố gắng hết sức để lo liệu cho con được vào lớp chọn, thậm chí ngay từ cấp tiểu học.
Khi được hỏi lý do, đa số các phụ huynh đều chung câu trả lời: Muốn cho con được vào học giáo viên giỏi, môi trường tốt, giúp con sẽ phát triển được tốt hơn so với lớp thường.
Điều đáng nói, từ Công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp mầm non, tiểu học và THCS dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường, chạy lớp”.
Công văn này xuất phát từ lý do, Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh do việc xin học trái tuyến và học chọn lớp.
Nhưng hiện tượng chạy trường, chạy lớp vẫn còn tồn tại ở nhiều đô thị, khu vực đông dân cư gây áp lực cho cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.
Và hiện tại, việc này vẫn tiếp diễn. Nói về điều này, cô giáo Nguyễn Thu Hương, Trường Tiểu học Chân Mộng, Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết: “Tôi cũng có nghe thông tin phản ánh về việc "chạy trường, chạy lớp" và lớp chọn. Riêng trường tôi không hề có việc này, chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc quy định của Bộ”.
Cô Hương chia sẻ, ở lứa tuổi học sinh tiểu học, các em chủ yếu “học mà chơi, chơi mà học”, không nên ép các em học quá nhiều hoặc tạo gánh nặng áp lực, các em sẽ dễ chán học.
Trong khi đó, lớp chọn lại thường vướng phải điều này. Sẽ có sự ganh đua, thi đua thành tích, với những em luyện theo kiểu "gà nòi" lại càng áp lực.
Thực tế, qua bao nhiêu năm dạy học, bản thân cô cũng ôn luyện cho rất nhiều đội tuyển học sinh giỏi, cô thấy, ngay kể cả học ở lớp thường, những em học tốt cũng vẫn phát huy được năng lực của mình. Không cần có một phương pháp hay môi trường đặc biệt nào dành riêng cho các em khá, giỏi trong độ tuổi này.
Không có lớp chọn, sẽ tạo ra tâm lý thoải mái, vui vẻ giữa các học sinh, không có sự phân biệt đối xử, không có mặc cảm giữa học sinh lớp chọn và lớp thường, không tạo áp lực học tập. Kể cả đối với các giáo viên cũng vậy, sẽ không có mặc cảm đó, tất cả đều phải phấn đấu dạy tốt. Các phụ huynh thì không phải chạy lớp, xin xỏ tạo ra tiêu cực.
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội, vừa có văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận huyện, thị xã và các trường THPT trực thuộc về việc tổ chức các hoạt động giáo dục năm học học 2019 - 2020. Trong đó có nội dung nghiêm cầm việc tổ chức ôn tập, luyện thi, thi, kiểm tra khảo sát để xếp học sinh vào lớp đối với các lớp tuyển sinh đầu cấp.
Còn Phòng GD&ĐT TP Vinh thì cho bốc thăm chọn giáo viên lớp 1 và lớp 6. Theo một lãnh đạo Phòng, việc bốc thăm là giải pháp tạo sự công bằng, tránh tình trạng bức xúc trong dư luận về về việc chọn lớp, chọn cô giáo, cho dù Phòng không có chứng cớ về việc này.
Đây được coi là những giải pháp của một số cơ sở trong việc ngăn việc "chạy trường, chạy lớp".
Cái gốc là nâng cao chất lượng giáo viên
Chia sẻ quan điểm về vấn đề lớp chọn, nhà giáo dục, PGS.TS Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT nói: “Phụ huynh không nên ép, bắt các em học theo ý của người lớn, bắt con mình phải giống như con của người khác. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, với những năng lực khác nhau.
Bố mẹ muốn con học giỏi toán, nhưng năng lực của trẻ không phải là về lĩnh vực đó, trẻ không thích học thì không học được.
Khi học là niềm vui thì các con sẽ học tốt. Còn khi bị bắt ép học, học quá tải, thậm chí tựa như sự tra tấn thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Nguy hiểm nhất là trẻ sẽ chán ghét việc học, không còn thích, muốn học nữa.
“Đứng từ góc độ của một nhà giáo dục, tôi ủng hộ chủ trương của Bộ là không có lớp chọn ở cấp học dưới”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, cái gốc vấn đề ở đây chính là làm sao phải nâng cao được chất lượng giáo viên đồng đều. Bởi thực ra, mong muốn cho con vào được một lớp có được cô giáo vừa chắc về chuyên môn, giỏi về phương pháp cũng là nhu cầu chính đáng. Vậy làm sao để chất lượng giáo viên nâng cao, phụ huynh hoàn toàn yên tâm với thầy cô giáo dạy con của mình, thì đó là trách nhiệm của nhà trường và của ngành giáo dục.
Theo ông Thành, đây là một bài toán khó, không hề đơn giản. Bởi vì, nó sẽ liên quan tới nhiều chính sách đồng bộ, trong đó có chính sách đãi ngộ đối với các giáo viên.
Nói rằng giáo viên phải yêu nghề, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp, nhưng chính sách tiền lương chưa đủ để họ yên tâm, cống hiến toàn tâm toàn sức cho nghề. Trong khi sức ép, yêu cầu đối với nhà giáo mỗi lúc một cao. Chính tiền lương thấp cũng là nguyên nhân gây ra việc dạy thêm học thêm với những biến tướng tiêu cực, hoặc lớp chọn.
Trả lời quan điểm của việc, trong quy định của Bộ đã cấm không được thành lập các lớp chọn, vậy việc các trường mở lớp chọn, trách nhiệm thuộc về ai và cần phải xử lý thế nào, ông Thành cho biết, đây là trách nhiệm của địa phương và cơ sở. Rõ ràng, Bộ đã cấm mà trường nơi địa phương quản lý vẫn có tình trạng này thì trách nhiệm quản lý thuộc về cơ sở đó.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường tổ chức lớp chọn. |
Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề "chạy trường chạy lớp" và "lớp chọn", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định của Bộ đã có, hoàn toàn cấm, nhưng vẫn có một số trường chưa thực hiện đúng. Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý. Người dân hay cơ quan báo chí nếu có thông tin về những hiện tượng sai phạm của các trường cứ thông tin về cho Bộ, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu đúng như vậy, Bộ sẽ sẽ xử lý nghiêm.