Những loại không được dùng cùng lúc: Kẽm và sắt là hai nguyên tố rất cần thiết cho cơ thể nhưng không thể dùng cùng lúc vì chúng làm mất tác dụng của nhau. Nếu dùng vitamin C và sắt, vitamin C và đồng, vitamin E và đồng sẽ khiến lão hóa tăng nhanh.
Dùng vitamin D, canxi cần chú ý canxi đóng cặn: Sự phối hợp vitamin D và canxi giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, khi có sử dụng vitamin D, cơ thể hấp thu canxi dễ dàng hơn dẫn tới mức dư thừa canxi, có thể bị đóng cặn ở thận, mạch máu, khớp xương và đôi khi cả ở não. Hiện tượng canxi hóa tế bào mềm như vậy dễ xảy ra ở người cao tuổi. Vì vậy, nên duy trì một lượng magie cần thiết trong cơ thể để ngăn không cho canxi xâm nhập vào các tế bào mềm, hướng vào tế bào xương.
Bổ sung vitamin A cẩn thận quá liều gây ngộ độc: Ở trẻ còn bú liều trên 300.000UI dễ gây tăng áp lực nội sọ, phồng thóp trước và nôn. Ở trẻ em với liều trên 100.000 UI/ngày trong vài tháng gây hội chứng nhiễm độc với triệu chứng sút cân, chán ăn, móng chân tay dễ gãy, rụng tóc, da khô, đau các khớp, lách to. Ở người lớn hiếm gặp hơn.
Ngộ độc do quá liều vitamin D: Ở trẻ em các rối loạn tăng canxi huyết xuất hiện khi dùng liều trên 40.000 UI vitamin D/ngày, trong 1 – 3 tháng, ở người lớn với liều từ 100.000 UI/ngày trong nhiều tháng. Các triệu chứng ngộ độc trước tiên là nôn, tiếp theo là đa niệu, vật vã rồi thận bị tổn thương, biểu hiện đẳng lực niệu, albumin niệu, trụ niệu, ở giai đoạn tiến triển là urê niệu. Dự phòng: Cần kiểm tra canxi huyết thường xuyên khi bổ sung vitamin D liều cao. Xử trí: Ngừng bổ sung vitamin D, chế độ ăn nghèo canxi và axit hóa nước tiểu.
Cẩn thận khi bổ sung magie, kẽm và sắt: Magie cũng có thể gây tiêu chảy, nhưng phần lớn bị thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Những người bị bệnh về thận, mật và tim cần chú ý khi dùng các sản phẩm có magie. Nam giới đang độ sung sức thường bị thiếu kẽm. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá dư thừa kẽm (gấp 10 lần bình thường) sẽ làm cho tế bào chóng lão hóa. Người dư thừa sắt và đồng cũng nhanh già hơn người thường do tạo ra các gốc tự do. Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thải bớt chất sắt ra ngoài. Vì vậy, nam giới cần hạn chế chất sắt (thịt đỏ...).
Thực phẩm cần tránh khi bổ sung canxi và sắt: Khi bổ sung canxi và sắt không uống nhiều cà phê và ăn mặn vì chúng làm đào thải canxi qua nước tiểu. Trẻ em không nên uống nhiều nước có gas vì làm tăng thải canxi và tính axit của nước có gas có hại cho xương. Trái cây và nước quá có nhiều vitamin C giúp cơ thể dễ dàng hấp thu sắt hơn gấp 4 -6 lần. Nước trà làm giảm hấp thu sắt 4 – 6 lần. Phụ nữ mãn kinh thường thiếu sắt không nên uống nước trà sau bữa ăn. Nam giới thường dư sắt nên uống nước trà để hạn chế bớt sắt.
Chú ý tam hợp khi bổ sung vitamin và chất khoáng: 1 – Liều lượng thích hợp; 2- Đối tượng thích hợp: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ mãn kinh, nam giới, người già; 3- Tình trạng sức khỏe thích hợp: Người có đường huyết cao, người có mỡ máu cao, người bệnh (ung thư, tim mạch, loãng xương...), người bị stress, người là vận động viên, học sinh...
PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm )