Học sinh có thể học vượt lớp
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Về “Nhiệm vụ của học sinh”, dự thảo bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ: Vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là đích đến của việc thực hiện chương trình GDPT mới.
Học sinh khuyết tật được học hòa nhập ở một trường tiểu học; được đảm bảo các điều kiện để học tập và rèn luyện; được học và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân của học sinh.
Học sinh được học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình, học lưu ban.
Tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ nghèo theo quy định của Chính phủ, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 3 tuổi.
Trường hợp tuổi của học sinh vượt quá 3 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng GD&ĐT quyết định.
Giáo viên được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Các quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên được bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó, nhấn mạnh vai trò quyết định của giáo viên trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục của trường tiểu học, cơ sở giáo dục khác, khi thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học, góp phần thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học.
Trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm được quy định cụ thể. Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”.
Về trách nhiệm, giáo viên có thêm quy định mới là chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách.
Giáo viên phải tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường; xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh và với cha mẹ học sinh; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.
“Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; ứng xử văn hóa, đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; gương mẫu trước học sinh...
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.
Đặc biệt, nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm được quy định rõ, từ công tác chuyên môn đến phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, giáo viên, tổng phụ trách Đội, các tổ chức xã hội có liên quan để tổ chức các hoạt động giáo dục và hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh lớp mình chủ nhiệm.
Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với hiệu trưởng. Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 6/7/2020.