Tự học qua 4 bước
Với nhiều bậc cha mẹ, và ngay cả giáo viên, làm sao để rèn trẻ tự học luôn là một bài toán khó, trong khi tự học được đánh giá là phương pháp học tập quan trọng đối với học sinh.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội), một ngôi trường “đặc biệt”, với mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào, có tới 60% học sinh yếu kém văn hóa đã có những giải pháp giáo dục hiệu quả. Và một trong những giải pháp đó, chính là việc rèn học sinh tự học.
GS.TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, với đối tượng học sinh yếu kém văn hóa, trường đã rèn học sinh theo quy trình 4 bước: Đó là làm sao giúp học sinh phải Thích học, rồi Biết cách học; Có thói quen học và cuối cùng là Học có hiệu quả.
Trong bước Thích học, thầy phải luôn khích lệ, cổ vũ học sinh chọn lọc những kiến thức cơ bản, dẫn dắt cho sao cho học sinh dễ hiểu, vừa sức từng đối tượng. Luôn tạo không khí vui vẻ trên lớp, hạn chế tối đa việc trừng phạt học sinh.
Đối với trò, phải để trò thấy việc học là không khó, mà là cần thiết. Học sinh phải luôn được thực hành ngay trên giấy nháp, được trao đổi nhóm…
Từ đó học sinh có niềm tin mình có khả năng có thể học được, không chán học, có tâm thế hăng hái học tập, không ngủ gục, không làm việc riêng trong giờ học, không nghỉ học và quan trọng là phải biết lôi kéo nhiều học sinh cùng thực hiện.
Ở bước Biết cách học: Đối với thầy, ngoài việc hướng dẫn học sinh biết cách học theo từng bộ môn trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải chú ý tôn trọng và kiên trì yêu cầu học sinh phải thực hiện các bước tự học.
Đó là đọc sách giáo khoa trước, tóm tắt sách giáo khoa (hoặc gạch chân những ý quan trọng), hướng dẫn học sinh ghi chép và sử dụng sơ đồ tư duy.
Thầy phải diễn đạt rõ sử dụng nhiều hình thức trực quan luôn tìm cách cho trò dễ ghi nhớ kiến thức vận dụng kiến thức vào cuộc sống…
Trò luôn ý thức thực hiện các yêu cầu giáo viên hướng dẫn như tập trung chú ý khi nghe giảng, khi đọc tài liệu, vận dụng nhiều giác quan vào quá trình học, ghi chép đầy đủ, sử dụng vở nháp để diễn đạt vắn tắt ý suy nghĩ.
Dùng sơ đồ tư duy để liên hệ thống và ghi nhớ kiến thức. Mạnh dạn tham gia trao đổi nhóm.
GS.TS. NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà Nội. |
Ở bước Có thói quen học thì người thầy phải luôn khích lệ học sinh làm việc theo hướng dẫn của giáo viên trên lớp.
Ra những bài tập vừa sức với từng đối tượng học sinh để học sinh làm ngay trên lớp, khích lệ học sinh đạt kết quả và chỉ dẫn những học sinh chưa làm ra kết quả.
Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các yêu cầu của giáo viên. Nói rõ những yêu cầu tối thiểu học sinh phải làm được khi ôn tập ở nhà.
Trò phải đặt kế hoạch để có thời gian tự học ở nhà (có thể nâng dần từ ít đến nhiều).
Biết cách ôn tập các bài cũ dưới các hình thức tự kiểm tra trí nhớ, chỉ ôn lại những phần đã quên. Biết tự hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy khi cố gắng làm hết các bài tập bộ môn.
Quan tâm chuẩn bị bài hôm sau học bao gồm đọc sách giáo khoa, ghi những thắc mắc những điều chưa hiểu để hôm sau chú ý nghe giảng hoặc hỏi thầy, hỏi bạn.
Kiên trì duy trì lịch tự học ở nhà. Những học sinh yếu kém phải phối hợp với cha mẹ học sinh nhắc nhở.
Bước cuối cùng là Học có hiệu quả: Học sinh phải tự biết đánh giá xem sau mỗi bài học các em có hiểu vấn đề bài học đặt ra hay không? Có những kiến thức cơ bản nào cần ghi nhớ và biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống vào việc hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa hay bài tập thầy cho làm thêm.
Những học sinh khá giỏi phải làm được thêm phần phân tích tổng hợp kiến thức và vận dụng giải quyết được những bài tập khó (sáng tạo).
Phương pháp giáo dục phù hợp
GS.TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: Nếu nhà trường chỉ chạy theo thành tích, thi cử, mà quên mất “dạy người”, thì đó là mô hình giáo dục chúng ta không mong muốn. Nhưng thả nổi học sinh, để các em “tự bơi”, học được chữ nào hay chữ đó theo kiểu “Makeno” (mặc kệ nó) là vô trách nhiệm.
“Với số đông học sinh yếu kém của Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi kiên trì trang bị kiến thức kỹ năng cơ bản của các bộ môn kết hợp với việc rèn đạo đức lối sống để học sinh biết tự chủ tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm về các việc mình làm nên kết quả học tập văn hóa của học sinh liên hoàn có nhiều thay đổi.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng không chỉ đảm bảo thường xuyên nhiều năm tốt nghiệp từ 95% đến 98%. Và so với đầu vào của hai môn Văn Toán điểm thi lớp 10 đầu với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT đầu ra đã khác rất nhiều”, GS.TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Đánh giá về phương pháp giáo dục của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, bà Phạm Thị Việt Hà, Viện Khoa học giáo dục cho biết, đây là một phương pháp giáo dục phù hợp.
Xuyên suốt trong quá trình giáo dục học sinh của nhà trường là sự tôn trọng, tin tưởng học sinh và tạo động lực để học sinh rèn luyện phấn đấu, hoàn thiện nhân cách.
Bên cạnh đó các giáo viên phải kiên trì chấp nhận những mặt yếu kém của học sinh khi dạy học sinh lần tiến bộ.
Hiểu rõ đặc điểm chung của học sinh mới vào trường là các em còn yếu về học lực, nhà trường đã tinh giản những nội dung trong sách giáo khoa, chỉ dạy những phần cốt lõi nhằm giúp những học sinh lười học cảm thấy không ngại học, dần dần có hứng thú học tập.
Trường sớm xác định mục tiêu giúp học sinh viết tự học, tự rèn, sớm hoàn thiện nhân cách và chủ yếu kiến thức văn hóa, khoa học, chỉ tập trung trang bị kiến thức cơ bản làm nền tảng nhận thức. Khi các em đã vào nề nếp hơn đến năm cuối cấp, nhà trường mới từng bước lấp đầy nốt những khoảng trống còn lại cho các em.
Phong cách 5 tự của học sinh Đinh Tiên Hoàng được nhắc nhở thường xuyên, đó là biết Tự học sáng tạo; Tự chủ; Tự trọng; Tự tin và Tự chịu trách nhiệm trong học tập và mọi công việc trong cuộc sống. Kiên trì thực hiện 4 nội dung tự học sáng tạo trở thành một nội dung trong phong cách “năm tự” của học sinh Đinh Tiên Hoàng.