Biết cơ chế hình thành sỏi mật để phòng chữa hiệu quả

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, ruột và tụy. Để phòng và điều trị sỏi mật hiệu quả, thì điều rất quan trọng nhất vẫn là cả bác sĩ cũng như người dân cần phải hiểu cơ chế hình thành sỏi.

Vai trò của các cơ quan tiêu hóa liên quan đến mật

Mật

Mật có 97% là nước và 3% còn lại được chia thành hai loại: Một là thành phần vô cơ, bao gồm natri, kali, canxi, bicarbonate; Loại còn lại là thành phần hữu cơ, bao gồm sắc tố mật, dịch mật, muối, axit mật, cholesterol, lecithin, mucin.

Cơ quan sản xuất mật là gan. Mật mới sản xuất có màu vàng ươm, nên mật không chỉ đẹp mà còn có công dụng vô cùng lớn, ví dụ như như tiêu hóa chất béo, kích thích nhu động ruột, ức chế vi khuẩn.

Túi mật

Túi mật là một nhà kho nhỏ dùng để chứa mật, nằm ẩn dưới gan, giống như một quả lê nhỏ màu xanh lục, có thể chứa khoảng 60ml dịch mật. Chức năm của túi mật là cô đặc dịch mật.

Nên dù kích thước nhỏ, nhưng vai trò của túi mật thì thật là tuyệt vời, bởi chức năng cô đặc dịch mật. Túi mật trực tiếp hấp thụ nước và muối vô cơ trong mật, nhờ đó mật trở nên đặc, có thể cô đặc từ 5-10 lần. Dịch mật cô đặc chuyển từ màu vàng sang màu xanh đậm.

Ống mật

Bất kì đường ống nào liên quan đến vận chuyển mật sẽ được gọi là ống mật. Mật đi ra khỏi "nhà sản xuất" gan và đi đến "nhà kho" túi mật, đó là ống mật.

Tuỳ theo vị trí mà các ống mật có nickname khác nhau. Ống mật nằm trọn bên trong gan được gọi là đường mật trong gan, ống mật sau khi rời khỏi gan được gọi là ống mật chủ, phần thoát ra khỏi túi mật được gọi là ống cổ túi mật.

Mật từ “nhà kho” túi mật đi xuống đến “xưởng chế biến thức ăn” ruột, bắt buộc phải đi qua ống mật chủ.

Ruột

Ruột chính là xưởng chế biến thức ăn là ruột. Khi chúng ta ăn thức ăn chẳng hạn như thịt nướng thì khi

ăn vào, dù nhai kĩ đến đâu thì nó cũng vẫn là những cục chất béo, ruột sẽ chịu không nổi, toàn mỡ là mỡ, ruột không thể đối phó được với bọn béo ú này, vậy phải làm sao?

Ruột nhanh chóng gửi “tin nhắn” là chất cholecystokinin, để thông báo cho túi mật biết, mật sẽ được chuyển đến và xử lí đống chất béo ở ruột.

Khi túi mật nhận lệnh, nó sẽ lập tức co bóp để tống dịch mật cô đặc ra ngoài.

Ngay khi mật đến tá tràng, nó sẽ nhanh chóng phân hủy những cục chất béo to lớn đó thành những hạt chất béo nhỏ.

Chất béo đã phân tách có thể được hấp thụ bởi ruột non.

Tuỵ

Tuỵ nằm ẩn sâu ở vùng thượng vị có chức năng ngoại tiết siêu mạnh. Tuỵ tiết ra men tuỵ để tiêu hoá thức ăn. Men tụy đi qua ống tụy, rồi đổ vào ruột, nơi men tuỵ kết hợp với mật để làm cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất béo hiệu quả hơn.

Trước tiên, mật sẽ phân tách những tảng chất béo lớn thành các hạt chất béo nhỏ, nhưng các hạt này vẫn là chất béo, ruột rất khó để hấp thu.

Men tụy thì khác, nó phân hủy hoàn toàn chất béo về mặt hóa học và trực tiếp biến chất béo thành các chất mà cơ thể có thể hấp thụ được, như glycerin và axit béo. Đến đây thì đã hoàn thành việc hấp thụ chất béo trong cơ thể con người.

Sỏi mật hình thành như thế nào?

Quá trình hình thành sỏi mật được chia thành ba giai đoạn: kết tủa, tạo hạt và lắng đọng sỏi.

Kết tủa. Hãy nhớ lại thành phần của mật. Canxi, sắc tố mật, cholesterol vì lí do gì đó mà dư thừa ở trong đường mật đều có thể kết tủa.

Tủa canxi: Ví dụ: cứ 10ml dịch mật hòa tan tối đa 10 đơn vị canxi, vậy trường hợp 10ml dịch mật mà có 15 canxi thì sẽ có 5 canxi kết tủa.

Hàng ngày tôi siêu âm, những bệnh nhân mà túi mật lắng đọng thành hai lớp, gồm canxi tủa xuống dưới và dịch mật ở phía trên, thì tôi sẽ hỏi và tìm thêm các nguyên nhân gây mất cân bằng canxi trong dịch mật để tư vấn cho bệnh nhân. Ít nhất là cũng khuyên bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt để tăng co bóp túi mật, tống hết tủa canxi ra khỏi túi mật, định hướng cho bác sĩ điều trị sử dụng thuốc lợi mật.

Một số bác sĩ trẻ chưa kinh nghiệm, siêu âm hay kết luận là “sỏi bùn túi mật”, rồi bác sĩ ngoại khoa chỉ định mổ, như thế là đã cắt lãng phí túi mật của bệnh nhân.

Tủa canxi đến cuối cùng sẽ tạo ra sỏi canxi.

Tủa cholesterol

Cholesterol là một chất không thể thiếu cho quá trình tổng hợp mật, cholesterol cũng không thể tách rời quá trình tiêu hóa và hấp thu ở ruột.

Một đặc điểm khác của cholesterol là khó hòa tan trong nước, để hoà tan thì phải có muối mật và lecithin, khi hai chất này vừa đủ thì cholesterol mới ngoan ngoãn nằm trong dịch mật.

Một khi muối mật và lexithin bị thiếu, cholesterol sẽ bị kết tủa, bắt đầu quá trình hình thành sỏi thể cholesterol.

Siêu âm tủa cholesterol rất dễ, ai cũng biết, đó là các tinh thể cholesterol lấp lánh như những vì sao ban đêm. Để tư vấn bệnh nhân thì phải tìm ra các nguyên nhân gây tủa cholesterol. Nói đến đây, chắc bạn đọc đã hiểu tại sao trong hệ thống bệnh viện lại có chuyên khoa rất sâu chỉ về gan mật, nhiều người nghĩ đơn giản gan và mật đi cùng nhau chỉ có mấy bệnh u, sỏi, viêm nhiễm không có gì phức tạp, nghĩ như vậy là sai.

Tủa cholesterol sẽ dẫn tới hậu quả sỏi cholesterol.

Có đến 80% sỏi mật là thể cholesterol, hoàn toàn chúng ta có thể ngăn chặn được từ khi mới chỉ tủa cholesterol, nhưng phải hiểu sâu cơ chế.

Tủa sắc tố mật (bilirubin)

Khi các tế bào hồng cầu già yếu chết đi, chất bilirubin có màu da cam được giải phóng vào trong máu, đây cũng là chất độc hại, y học gọi là bilirubin gián tiếp.

Các tế bào hồng cầu trong cơ thể con người được thay mới mỗi ngày, hàng triệu triệu hồng cầu bị chết, vì vậy máu liên tục được cung cấp bilirubin gián tiếp.

Hãy liên tưởng đến “chất độc màu da cam”.

Bilirubin có màu da cam và rất độc, nó luôn lang thang khắp nơi, gan tỏ ra không thích nó nên đã chộp lấy nó và xử lý nó thành chất mà y học gọi là bilirubin trực tiếp, có tính ổn định và không độc hại với protein và glucose.

Bilirubin trực tiếp theo dịch mật đến túi mật.

Nếu túi mật hoặc ống mật bị nhiễm trùng, vi khuẩn xâm nhập sẽ giải phóng các enzym của vi khuẩn vào dịch mật để phân hủy mạnh bilirubin trực tiếp thành bilirubin gián tiếp. Hãy nhớ bilirubin gián tiếp có bản chất ác độc, nó không muốn cô đơn, thấy caxi đi xung quanh nó ngay lập tức vồ lấy để tạo thành muối caxi bilirubin rồi tủa lại, thế là sỏi sắc tố mật bắt đầu được hình thành.

Siêu âm tủa bilirubin là hình nhũ tương, tức là dịch mật trong túi mật đục đồng đều, chứ không lắng thành hai lớp như tủa canxi. Các bác sĩ trẻ ít kinh nghiệm cũng sẽ lại chẩn đoán “sỏi bùn túi mật” và mổ. Đến là khổ cho bệnh nhân. Những trường hợp tủa bilirubin chỉ cần ăn uống đúng cách, dùng thức ăn lợi mật, có thể uống thuốc lợi mật, xem xét thêm kháng sinh, tẩy giun sán nếu xét nghiệm dương tính.

Giai đoạn 2: tạo hạt.

Ngoài cholesterol, canxi, muối canxi bilirubin kết tủa, còn có nhiều mảnh vụn tế bào, ion kim loại, thậm chí cả giun sán và trứng của chúng trôi nổi trong dịch mật.

Đó là một lũ lưu manh, chúng ôm nhau cho ấm, đây chính là cách thức tạo hạt.

Trên siêu âm, hạt sẽ có kích thước lớn hơn tủa, hình ảnh siêu âm thấy chúng lăn lông lốc khi thay đổi tư thế, nên những ai đến tôi siêu âm hay bị tôi bắt nghiêng phải nghiêng trái và thậm chí ngồi dậy. Giai đoạn này thì phải tích cực dùng lợi mật rồi, cần xem các hạt đó là cholesterol, canxi hay sắc tố mật, tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để không tạo sỏi.

Giai đoạn 3: lắng đọng sỏi.

Hai giai đoạn là tủa và tạo hạt rất quan trọng, phát hiện ra và dễ dàng xử trí để tạo nên tốc độ và dòng chảy dịch mật rửa trôi toàn bộ chúng đi, sẽ không tạo thành sỏi.

Nhưng nếu không được phát hiện, thì nguyên nhân không được giải quyết, lượng mật giảm, tốc độ dòng chảy của mật không đủ mạnh, thì bắt đầu các hạt chuyển sang lắng đọng.

Hạt là một băng đảng lưu manh. Chúng nhanh chóng dựng trại, liên tục hút những phần tử lưu manh xung quanh, cứ tạo thành từng lớp từng lớp. Trên siêu âm, sẽ thấy những viên tròn không bóng cản, một số trường hợp có thể xuất hiện vòng tròn đồng tâm như bia bắn.

Phát hiện sớm ở giai đoạn này vẫn xử trí được bằng thuốc. Muộn thì đã thành viên sỏi thực thụ.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn)

Theo Đời sống
back to top