Bí quyết trường thọ – Kỳ 1: Làng trường thọ giữa Hà Nội

Không chỉ nổi tiếng là làng bách nghệ – trăm nghề với những dệt vải, nón quai thao, lông gà lông vịt. Xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) còn được gọi là “làng trường thọ” hiếm hoi giữa Thủ đô.

Tận mắt nhìn cuộc sống sinh hoạt, nhìn những nụ cười, ánh mắt các cụ cao tuổi ở Tân Triều, tôi mới thực sự hiểu câu “sức khỏe là vàng”. Có lẽ, không thời nào mà những khao khát về sức khỏe lại là một khát khao lớn lao đến vậy.

Bí quyết trường thọ – Kỳ 1: Làng trường thọ giữa Hà Nội ảnh 1
Cụ Lệ, 91 tuổi vẫn đọc sách, bán nước trà.

Nhiều người đại thọ

Thật là, không phải tự nhiên mà người ta lại gọi Tân Triều là “làng trường thọ”. Tân Triều được gộp lại từ 2 ngôi làng lớn là Triều Khúc và Yên Xá.

Triều Khúc xưa có tên nôm là Đơ Thao hay là Kẻ Đơ với thứ nghề nổi tiếng từ xưa là dệt quai nón. Ấy thế nên câu ca: “Ai làm ra nón quai thao/Để cho anh thấy cô nào cũng xinh” là phát xuất từ chính làng này.

 “Với số lượng hội viên lớn nên trọng trách của những người cao tuổi cũng nhiều. Ngoài các hoạt động thông thường, các cụ còn phụ trách việc tế tự ở đình để giữ gìn bản sắc văn hóa làng, đúng với phương châm “tuổi cao gương sáng”.

— Ông Hoàng Văn Tàm, Chủ tịch hội người cao tuổi xã Tân Triều —

Triều Khúc lại cũng là một làng hiếu học lừng danh. Hẳn nhiều người am sử cũng không quên được Tiến sĩ Nguyễn Gia Du đỗ khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh đời Uy Mục đế (1505).

Ông Gia Du là một hiền tài được đương thời đánh gía là hiếm có. Sau, ông làm đến chức Phủ doãn Phụng Thiên.

Còn làng Yên Xá lại có một tên khác là Đơ Bùi. Danh từ này xem ra khó giải thích cho thuyết phục, nhưng tôi nghe nói là phát xuất từ nghề trồng khoai lang mà ăn vào rất bùi và ngọt.

Sử lược Yên Xá có lẽ không nhiều, song đôi câu đối cổ sau là đủ nói về một cảnh khí thiêng Tây Hồ, Nhuệ giang mà từ đó ảnh hưởng đến nếp sống, kinh mạch, thọ niên của người Tân Triều: “Mạch dẫn Tây Hồ chung tú khí/Phái tùng Nhuệ thủy dũng văn lan”.

Bí quyết trường thọ – Kỳ 1: Làng trường thọ giữa Hà Nội ảnh 2
Thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước dành cho cụ Dốt.

Nói hơi dài dòng vậy không phải để cố giới thiệu xoa xuýt về làng này. Nhưng mà, cội nguồn có lẽ là thứ linh thiêng để dẫn dắt con người được sống, được thở một cách chu tất nhất nơi trần thế mà ứng với câu “thọ tỷ nam sơn”, vốn là ước muốn của muôn người muôn thuở muôn phương.

Đến khi gặp ông Hoàng Văn Tàm, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tân Triều thì mới vỡ lẽ thật những con số trường thọ của nơi này. Với khoảng gần 2.500 người cao tuổi thì có đến phân nửa trong số ấy được gọi là đại thọ.

“Tôi cũng không biết Tân Triều đã phải là nơi nhiều người trường thọ nhất hay không, nhưng cứ tính hơn trăm cụ trên 90 tuổi, vài trăm cụ trên tuổi 80. Số tuổi 100 không phải là hiếm thì cũng xứng được gọi là “làng trường thọ” rồi”, ông Tàm cho biết.

Còn cụ Phó chủ tịch hội là Cao Hùng Chí thì vẫn mãi tự hào về làng mình. Ngoài bề dày lịch sử lẫn tập tục đầy nền nếp mực thước, thì số hội viên đông đúc cũng phần nào góp cho cái phúc, cái đức của làng thêm nhiều.

Mà các cụ ở làng này, cũng lắm điều lạ. Họ đã hưu mà không nghỉ. Những hoạt động sôi nổi như dưỡng sinh, ca hát, thơ phú, thậm chí là đi chợ, bán trà vẫn nguyên thuở chân lấm tay bùn thời “cá mè dét mang”.

“Có lẽ cái tính hay lam hay làm đã giúp cho người làng tôi khỏe mạnh, sống lâu và vô bệnh tật. Chứ anh tính ở cái thời ăn cái gì cũng là chất độc thì làm sao mà sống cho khỏe được”, cụ Chí cho hay.

Có lẽ ở đâu đó, ứng với câu “ra đường gặp đại gia” hay “ra đường gặp anh hùng”, thì ở Tân Triều chẳng khác nào “ra đường gặp cao niên”. Mà gặp cao niên là gặp phúc, gặp đức, gặp cả sự thông thái giống với câu ca “kính già, già để tuổi cho”.

Hơn trăm tuổi vẫn leo cầu thang

Tôi có mặt ở nhà cụ Nguyễn Thị Dốt tại xóm Án vào xế trưa. Cụ Dốt sinh năm 1916, nghĩa là tính cả tuổi đẻ là 101 tuổi. Thế nhưng, cụ Dốt vẫn có thể leo cầu thang thẳng đứng lên tầng 2 để lấy đồ cá nhân.

Bí quyết trường thọ – Kỳ 1: Làng trường thọ giữa Hà Nội ảnh 3
97 tuổi, cụ Phiến vẫn đọc sách, và làm được nhiều việc.

Ông Triệu Khắc Lễ, 72 tuổi là con út của cụ Dốt, cho biết: “Mẹ tôi vẫn ăn uống, đi lại, nói chuyện bình thường. Thi thoảng tai có hơi nặng nhưng vẫn nghe được”.

Ông Lễ nói: Thực ra, mẹ tôi chẳng có bí quyết gì để trường thọ đâu. Hồi trẻ, do cha tôi mất sớm nên mẹ phải lao động rất vất vả để nuôi con cái ăn học.

Tôi nghĩ rằng, mẹ tôi sống khỏe sống thọ là do cụ rất ít khi phải suy nghĩ, không quá tâm tư về những nỗi đau. Người nào đó thân cận chẳng may qua đời, cụ cũng chỉ coi đó như một cái hạn ông giời định cho, không tránh được.

Trong cuộc trò chuyện, cụ Dốt có nói: Tôi luôn bằng lòng với những gì mình có. Bởi vì, nhìn lên thì mình chẳng bằng được ai, nhưng mà nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình.

Cụ Dốt có thân hình nhỏ bé nhưng lại khá nhanh nhẹn, một ngày cụ vẫn ăn 3 bữa và không bao giờ bỏ bữa. Cụ vẫn sống với con, cháu và chắt và được coi là gia đình “tứ đại đồng đường” tại Tân Triều.

Càng già càng hăng say

Cách nhà cụ Dốt một đoạn là nhà cụ Vũ Văn Lệ, 91 tuổi. Cụ Lệ hiện vẫn bán hàng nước ở ngã ba Tân Triều. Ngày nào cũng vậy, cụ đều đặn có mặt ở quán nước vỉa hè để bán hàng cho khách.

Thân hình tuy có vẻ gầy, nhưng chân tay rắn chắc. Cụ Lệ bảo: “Tôi vẫn đọc được sách, xỏ được kim và uống được rượu đều đặn hai bữa sáng và tối”.

Tất nhiên, cụ khẳng định cụ không nghiện rượu. Chỉ là để duy trì sức khỏe, mỗi bữa cụ uống nửa chén nhỏ như là “chất dẫn cơm” chứ không lạm dụng rượu. Thịt thà cụ cũng ít ăn mà chủ yếu là rau dưa.

“Cả đời tôi chẳng mất viên thuốc nào. Đận vừa rồi, bà nhà tôi mất, tôi có hơi suy sụp rồi thấy mệt mỏi. Con cháu đều lo lắng đưa ra viện để khám. Bác sĩ bảo tôi chẳng có bệnh gì, cứ về nghỉ ngơi tẩm bổ là lại khỏe ngay”, cụ Lệ cười.

Từ rất lâu rồi, cụ Lệ mở cửa hàng nước ở gần nhà để bán cho khách. Cụ bảo, không phải bán để kiếm tiền như nhiều người tưởng. Bán nước cũng là để lao động, nghe ngóng chuyện thời sự và để duy trì sức dẻo dai, minh mẫn của một người già.

Còn cụ Đỗ Thị Phiến, 97 tuổi ở làng Yên Xá tuy không buôn bán nhưng vẫn hăng say những công việc khác. Dù tai đã hơi nặng, nhưng cụ vẫn tham gia một số hoạt động xã hội.

Ở nhà, cụ vẫn bế các chắt và vẫn chạy theo chúng được. Cụ Phiến bảo: “Hồi trẻ, tôi làm buôn bán thạo việc lắm. Giờ tuy già, nhưng một số việc vẫn làm hộ con cháu được. Còn việc cá nhân thì hoàn toàn chủ động, không phải nhờ đến ai”.

97 tuổi, nhưng trông cụ Phiến còn hồng hào lắm. Mắt vẫn sáng, vẫn đọc được sách và giọng nói vẫn cứ sang sảng. Nhất là khi nghe cụ hát ru đứa chắt nhỏ, mới thấy cái khí trong cụ toát ra không giống một người có tuổi.

(Còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top